Thắng cảnh Sa Huỳnh

03:07, 10/07/2009
.
Sa Huỳnh là cửa biển cực nam tỉnh Quảng Ngãi, cách tỉnh lỵ 60 km, có đường sắt và Quốc lộ 1A chạy qua. Cũng như cửa Đại Cổ Luỹ (Chiêm Luỹ lịch môn) ở phía Bắc, cửa Sa Huỳnh có một vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc Nam chinh (1471) của vua Lê Thánh Tông.
 
Một góc Sa Huỳnh
Một góc Sa Huỳnh
Sa Huỳnh cũng là một trong những cửa biển sử dụng trong giao lưu hàng hải khu vực Đông Nam Á rất sớm. Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này ít nhất là vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Hiện nay Sa Huỳnh là một cảng cá khá sầm uất ở bờ biển miền Trung. Thắng cảnh Sa Huỳnh nói ở đây bao gồm biển Sa Huỳnh và vùng phụ cận với đồng muối trắng, bãi cát vàng, làng vạn chài ven biển ẩn khuất dưới bóng dừa xanh tiếp liền những sơn thôn dưới chân đồi núi,...
Thực ra, Sa Huỳnh là một địa danh từ lâu đã quen thuộc với người trong nước và cả người nước ngoài, vì ở đây, những thập niên đầu thế kỷ XX các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di chỉ thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh, một trong 3 nền văn hoá cổ xưa nổi tiếng từng tồn tại trên dải đất Việt Nam (Đông Sơn, Sa Huỳnh và Ốc Eo), cùng với nghề làm muối và nước mắm nổi tiếng.

Nét độc đáo của thiên nhiên Sa Huỳnh làm cho nó trở thành một thắng cảnh đầy hấp dẫn, bởi ở đây có những mạch núi rẽ ngang của hệ Trường Sơn đâm sát xuống phía biển, tạo thành nhiều  mỏm, cù lao lô nhô, hợp cùng dải cát vàng, những đụn muối trắng và màu xanh của biển thành một bức tranh thiên nhiên bao la khoáng đạt. Biển Sa Huỳnh có màu xanh biếc, sóng êm, bờ cát phẳng lì, được che khuất bởi những rặng dương xanh tạo nên một bãi tắm thiên nhiên lý tưởng.

Một trong số những cù lao nằm dọc ven biển Sa Huỳnh là hòn đảo nhỏ có tên đảo Khỉ. Ở đây, có những đàn khỉ sống hoang dã giữa trời nước, săn bắt sinh vật biển làm thức ăn thay vì "thực đơn trái cây" như đồng loại. Có lẽ tổ tiên của những đàn khỉ này vốn có mối liên lạc với núi rừng phía tây, qua những đầm cạn vào thời biển thoái. Vào thời kỳ biển tiến tiếp sau đó, nước biển lại dâng cao, nhấn chìm con đường nối với đất liền khiến đàn khỉ bị cô lập giữa bao la trời biển. Để tồn tại và sinh sôi thành những bầy đàn đông đúc, trở thành một "Vương quốc tự trị" như ngày nay, có lẽ bầy khỉ đã phải trải qua một quá trình thích nghi dai dẳng, nhiều thế hệ.

Sa Huỳnh cũng là quê hương của những đặc sản nổi tiếng mang hương vị biển khơi như mắm nhum (còn gọi là mắm tiến, vì ngày trước hàng năm phải tiến cho Vua), cua huỳnh đế, tôm hùm...
Đến Sa Huỳnh vào dịp sang xuân, khi biển đã trở lại yên bình sau mùa gió bão, du khách sẽ được chứng kiến những lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải, hát múa sắc bùa độc đáo của dân cư ven biển.
Vẻ đẹp tự nhiên của Sa Huỳnh đến nay vẫn còn giữ được tương đối nguyên vẹn, đồng thời ở đây cũng đã xây dựng được một số công trình phục vụ du lịch. Sa Huỳnh là nơi nghỉ mát, ngoạn cảnh, tắm biển, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Riêng khách nước ngoài thường chọn nơi đây làm chặng nghỉ chân và tắm biển trên lộ trình từ Đà Nẵng đến Nha Trang và ngược lại.

Vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, các món ăn đặc sản hấp dẫn, nhiều di tích và sinh hoạt văn hoá có giá trị, đường giao thông thuận lợi, người dân hiếu khách, đó chính là những tiềm năng sẵn có của Sa Huỳnh để phát triển ở đây một điểm du lịch văn hoá thu hút đối với khách trong và ngoài nước.
LÊ HỒNG KHÁNH

.