Làng cổ Phước Tích - ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam

09:07, 07/07/2009
.
Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với làng cổ Phước Tích, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Làng được bao bọc bởi các con con sông
Làng được bao bọc bởi các con con sông
Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, giáp với tỉnh Quảng Trị, cách TP Huế 40km về phía bắc, thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông, được đánh giá vào hàng vẹn nguyên, quý giá không chỉ ở miền Trung mà còn của cả nước. Kết quả điều tra bước đầu cho biết trong số 117 ngôi nhà của làng Phước Tích hiện còn 27 ngôi nhà rường - vườn truyền thống, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.

Không những vậy, làng còn có hàng loạt hệ giá trị văn hóa được xem là đầy đủ, độc đáo và hiếm hoi. Cụ thể như: hệ thống thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng như đình, chùa; hệ thống nhà thờ họ, đền, miếu, am...; cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng nhuần nhị, xanh tươi ngút ngàn; đặc biệt là không gian và văn hóa sống cộng đồng đặc trưng, thuần khiết của làng quê Việt còn được tiếp tục bảo tồn, duy trì tại làng...

Làng Phước Tích còn lại 38 ngôi nhà rường cổ
Làng Phước Tích còn lại những ngôi nhà rường cổ.
Phước Tích là một trong những làng quê cổ của Huế được hình thành từ thế kỷ XV thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Nằm bên dòng Ô Lâu hiền hòa, vào thời Lê Sơ, làng có tên là Dõng Quyết, sau đó đổi thành Phước Giang, rồi Hoàng Giang. Đến triều các vua Nguyễn, làng được đặt tên là Phước Tích và tên gọi ấy gắn chặt với làng cho đến nay.
Trải qua hơn 500 năm thành lập, với bao biến thiên của lịch sử nhưng Phước Tích đến nay vẫn giữ được những giá trị quý báu cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Đặc biệt là những ngôi nhà rường cổ bằng gỗ mít độc đáo cùng với những ngôi nhà thờ họ, các đền miếu được gìn giữ khá nguyên vẹn mà ít có làng quê nào có được.

Một trong những ngôi nhà rường Huế còn lại
Một trong những ngôi nhà rường Huế còn lại
Xóm Đình đẹp như bức cổ họa với những ngõ xóm thẳng tắp giữa hai hàng chè tàu xanh rì. Sau những chiếc cổng xưa cũ lại vẫn hai hàng chè tàu dẫn vào cái sân gạch, và một ngôi nhà rường lặng lẽ ở phía sau bức bình phong. Những ngôi nhà rường một gian hai chái (còn gọi là nhà bánh ú), nhiều nhất là ba gian hai chái, có nhà được nối thêm cái “vỏ cua” (hiên thềm) phía trước; với những cột, kèo, xuyên, trính, đố, liên ba, cửa bàng khoa... được chạm khắc công phu.

Bức hoành trong ngôi nhà rường cổ
Bức hoành trong ngôi nhà rường cổ
Một trong những đặc điểm của ngôi làng cổ này là sự tham gia của các khu vườn. Ở đây không kém gì những khu vườn của Huế, thậm chí tuổi đời còn vượt xa. Ở Phước Tích, người dân rất tự hào về cây thị có đến 1.000 năm tuổi đang sống cùng dân làng. Nó có chu vi đến bốn, năm sải tay người lớn. Người dân cho biết, từ khi lập làng cây thị này đã có và cao lớn lắm rồi. Vì là vườn kiểu Huế nên người ta trồng rất nhiều loại cây khác nhau, cho đủ mùa nào thức ấy.
 
Bên trong một ngôi nhà rường
Bên trong một ngôi nhà rường
Có điều bên cạnh các loại cây thông thường là các loại cây khá lạ so với các khu vườn Huế như: bồ quân, trần bì, cây bẹ (dùng để ăn trầu)... Những chủ vườn sống nhờ hoa lợi quanh năm, song cây cho thu nhập chính là cây vả. Điều thú vị là các khu nhà vườn ở Phước Tích đều ưa trồng hoa, và có rất nhiều loại hoa quý đã mọc ở đây như hoàng lan, ngọc lan, hàm tiếu... Những loài hoa ấy nở một cách đài trang, quý phái, thanh sạch như chính phong cách, bản lĩnh của người làng.

Một ngôi nhà thờ họ
Một ngôi nhà thờ họ
Làng cổ Phước Tích còn là nơi có nghề gốm độc đáo mà thương hiệu "Độc Phước Tích" vang danh từ nhiều thế kỷ trước với độ bóng mịn, độ tinh xảo và độ bền do hóa sành  của sản phẩm. Đây còn là loại gốm mà ngày xưa các vua triều Nguyễn đã chọn làm niêu nấu cơm. Song, những năm gần đây nghề gốm đã không có "đất dụng võ".
Làng lại không có nhiều đất nông nghiệp để kiếm sống, lớp trẻ phải vào Nam ra Bắc làm ăn. Tết nhất mới về làng sum họp. Con cháu chẳng mấy ai mặn mà với nghề gốm của làng mà chỉ có lớp già còn lưu giữ.
 
Một góc làng cổ
Một góc làng cổ
Bây giờ với Huế, Phước Tích vẫn như một nàng công chúa còn ngủ yên chưa được đánh thức, vẫn nguyên cái vẻ nguyên sơ thuần khiết. Chắc chắc đây sẽ là một điểm đến thú vị cho những du khách quan tâm đến Huế xưa.
Theo QH









.