Nguyễn Nghiêm sinh năm 1904, người làng Tân Hội, nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, là chiến sĩ cách mạng vô sản, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.
Nguyễn Nghiêm bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước từ năm 14 tuổi. Năm 20 tuổi (1924), ông tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và được nghe nhà cách mạng lão thành đề cập và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Thụy, Trần Kỳ Truyện lập Công Ái xã và bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin. Về sau Công Ái xã giải thể, các thành viên tích cực trong đó có Nguyễn Nghiêm chuyển hướng hoạt động và gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, ông được cử vào ban chấp hành, phụ trách huyện Đức Phổ.
Tháng 7/1929, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi Trương Quang Trọng tập hợp một số đồng chí tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ) thành lập tổ chức “Dự bị Cộng sản”, Nguyễn Nghiêm được giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh. Tháng 8/1929, Trương Quang Trọng, Hồ Độ và một số yếu nhân của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi bị bắt, Nguyễn Nghiêm lãnh đạo các hội viên còn lại thực hiện chủ trương vô sản hoá, cử một số cán bộ liên hệ với các tổ chức cộng sản trong nước.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng và đến giữa tháng 3/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập do ông làm Bí thư lâm thời. Tháng 6 năm đó, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I, tiến hành tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, Nguyễn Nghiêm được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 01/8/1930, Đảng bộ tổ chức rải truyền đơn, treo biểu ngữ ở nhiều nơi trong tỉnh, khiến kẻ địch hoang mang, ảnh hưởng của Đảng bộ bắt đầu lan rộng trong quần chúng. Đêm 07/10/1930, Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo trên 5.000 người xuống đường biểu tình, mít tinh tấn công và làm chủ huyện đường Đức Phổ cho đến sáng hôm sau. Ngày 13/10, Tỉnh ủy họp ở làng Nghĩa Lập (huyện Mộ Đức), chủ trương tiếp tục biểu tình công khai và về tổ chức, Tỉnh ủy chia làm hai bộ phận: bộ phận phía Nam tính từ sông Trà Khúc trở vào do Nguyễn Nghiêm lãnh đạo, phía Bắc tỉnh từ sông Trà Khúc trở ra do Phan Thái Ất phụ trách. Nguyễn Nghiêm đi Quảng Nam tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, xin chỉ thị về việc dấy lên cao trào mùa Xuân năm 1931. Khi về đến Bình Sơn, ông lọt vào tay địch nhưng trốn thoát được, lên Trà Bình. Sau đó, theo ủy nhiệm của Xứ ủy, ông vào Bình Định, Phú Yên để củng cố các tổ chức cơ sở Đảng.
Sau cuộc biểu tình đầu năm 1931, địch bắt mẹ, vợ và đốt nhà Nguyễn Nghiêm, treo giải thưởng cho ai lấy được đầu ông. Ba Tỉnh uỷ viên ở phía Nam tỉnh bị bắt. Nguyễn Nghiêm chuyển cơ quan Tỉnh ủy từ Tân Hội về Gò Huyện (huyện Mộ Đức). Các Đảng viên dự bị được lệnh thoát ly. Tỉnh ủy phát động “3 ngày căm thù” (16,17,18/02/1931), làn sóng đấu tranh vùng lên mạnh. Địch ra sức khủng bố, truy lùng. Nguyễn Nghiêm phải cải trang dời về Sông Vệ, sau đó về làng An Đại (huyện Tư Nghĩa). Trên đường đi nắm tình hình, Nguyễn nghiêm bị bắt đêm 15/1 năm Tân Mùi (06/3/1931).
Trong tù Nguyễn Nghiêm giữ vững ý chí cách mạng. Mặc cho thực dân Pháp và Tuần vũ Nguyễn Bá Trác lôi kéo, dụ dỗ, tra tấn, ông vẫn giữ tròn khí tiết, tìm cách móc nối với phong trào, xây dựng Chi bộ Đảng trong tù. Không lay chuyển được ý chí của người Cộng sản trung kiên, địch đem Nguyễn Nghiêm ra “xử trảm” theo Luật Gia Long, tại bãi sông Trà Khúc vào 3 giờ sáng 23/4/1931.
Theo Website UBND tinh Quảng Ngãi