Địa đạo Đám Toái

04:05, 05/05/2009
.

Địa danh này ở thôn Phú Qúy, xã Bình Châu (Bình Sơn) - nơi  quân và dân Quảng Ngãi từng  chứng kiến  nỗi đau: 66 người là thương bệnh binh, y bác sĩ, hộ lý và nhân dân điều trị, phục vụ tại địa đạo Đám Toái bị quân đội Mỹ giết hại dã man, thân xác vùi sâu dưới lòng đất cách nay 43 năm. Hàng vạn trái tim thuở ấy ngấn lệ, tiếc thương, ngày đêm cầu nguyện siêu thoát cho 66 con người đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc...

 

Du khách tham quan dưới hầm địa đạo.
* Ký ức còn đây

43 năm - một thời gian quá dài của cuộc chiến tranh tàn khốc đã trôi qua, nhưng ký ức về  ngày đau buồn đầy tang thương trên đất nghèo Phú Qúy vẫn còn in đậm, hiện hữu trong tâm trí của những người từng một thời "đấu" cùng bom đạn của kẻ thù trên vùng đất đầy lửa đạn. Những năm kháng chiến, Phú Qúy từng được coi là căn cứ có hệ thống đường hầm dài và rộng nhất ở huyện Bình Sơn, do chính tay người dân và bộ đội xã Bình Châu ngày đêm cật lực đào nhằm phục vụ đánh giặc và né tránh bom mìn của địch oanh tạc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Dưới nền đất của Phú Qúy thời đó có đường hầm sâu, dài hàng cây số.

 

Địa đạo Đám Toái - nơi tang thương nhất của Phú Qúy thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ được đào vào năm 1947. Đến những năm 1962 - 1965, địa đoạ Đám Toái được Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Tư lệnh Quân khu V chọn làm trạm phẫu thuật mang tên gọi A100. Khi đó, tất cả thương bệnh binh ở vùng Đông Sơn Tịnh và Đông Bình Sơn được đưa về A100 cứu chữa và điều trị. Ngày 9/9/1965, quân Mỹ phát hiện địa đạo Đám Toái, tất cả 66 người chưa kịp rời khỏi địa đạo này đã phải hy sinh cùng một giờ. Nhắc đến cái ngày định mệnh đã cướp đi 66 chiến sĩ, cụ Nguyễn Tới - người đang đảm nhiệm việc trông coi địa đạo Đám Toái và cũng là người có mặt gần địa đạo Đám Toái hôm đó nghẹn giọng nhớ lại: "Sáng 9/9/1965, sau khi Mỹ đưa quân vào bãi biển Ba Làng An đã đổ dồn lên đồi Phú Qúy lùng sục rồi phát hiện ra địa đạo. Lúc này trong địa đạo có rất nhiều thương bệnh binh bị thương trên chiến trường đang nằm điều trị. Chúng bao vây địa đạo, đến trưa thì dùng mìn cho nổ ở 3 lỗ thông hơi, đánh sập toàn bộ địa đạo khiến tất cả anh em trong hầm đều tử nạn".

 

Cụ Tới kể thêm: "Trong khi lùng sục, quân Mỹ còn phát hiện y sĩ Lâm và y tá Lệ (cả hai trực tiếp chăm sóc và điều trị cho thương bệnh binh trong địa đạo Đám Toái - PV). Y sĩ Lâm và y tá Lệ bị chúng bắt trói bên cạnh địa đạo rồi đặt mìn dưới chân cho nổ tung, thân xác họ hòa quyện cùng nhau...".

 

Sau khi đánh sập địa đạo Đám Toái, quân Mỹ rút quân khỏi làng Phú Qúy, quân dân xã Bình Châu dồn hết lên địa đạo Đám Toái với hy vọng mong manh sẽ cứu sống anh em đang nằm dưới địa đạo nhưng đã quá muộn - tất cả họ đều đã hy sinh.

 

* Đổi thay...

Giờ đây, Phú Qúy sau những tháng ngày bị cày xới bởi bom mìn đã thật sự thay da đổi thịt. Con đường liên thôn được bêtông hoá, cuộc sống của người dân cũng dần khấm khá, cái đói nghèo cũng lùi xa.

 

Sau 32 năm nằm lại dưới địa đạo, năm 1997, địa đạo Đám Toái được khai quật, 66 chiến sĩ hy sinh hồi đó được đưa lên khỏi miệng hầm rồi lập một nghĩa trang liệt sĩ ngay cạnh địa đạo Đám Toái ghi công. 66 ngôi mộ nhưng hầu như tất cả đều vô danh, chỉ biết được y tá Lâm quê huyện Đức Phổ, y tá Lệ thì không biết chị sinh ra ở vùng đất nào của Tổ quốc.

 

Trước đó, vào năm 1991, địa đạo Đám Toái được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia. Từ năm 1997, địa đạo Đám Toái được phục dựng trở lại như hiện trạng ban đầu với độ sâu dưới lòng đất 5m, rộng 1,4m, cao 1,6m. Một tượng đài được xây ngay trên địa đạo, trên tượng đài khắc họa hình ảnh của y sĩ Lâm và y tá Lệ trước lúc hy sinh. Hiện nay, địa đạo Đám Toái thường xuyên đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương. 66 liệt sĩ - 66 "bông hoa" của Tổ quốc hy sinh ở địa đạo Đám Toái sẽ mãi tỏa hương...

 

M.H


.