Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Cần chính sách thiết thực

09:03, 01/03/2020
.
(Báo Quảng Ngai)- Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng và thiệt hại nhất định đối với doanh nghiệp (DN) của Quảng Ngãi. Chính quyền và các ngân hàng đã có những giải pháp hỗ trợ, nhưng để giúp DN vượt qua khó khăn cần phải có chính sách thiết thực hơn nữa.
 
Tàu cập cảng nhận hàng tại Cảng Dung Quất.                                                            ẢnH: T.NHỊ
Tàu cập cảng nhận hàng tại Cảng Dung Quất. ẢnH: T.NHỊ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng: "Không vì yêu cầu phòng dịch mà gây trở ngại hoạt động của doanh nghiệp"
 
Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực phòng dịch, trong đó có việc thực hiện nghiêm quy định kiểm tra y tế và cách ly những người đến từ vùng dịch, những lao động qua cảng Dung Quất, người Trung Quốc làm việc tại các DN trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra là để đảm bảo an toàn phòng dịch, vì sức khỏe cộng động. Các cơ quan chức năng tuyệt đối không vì yêu cầu phòng dịch mà gây trở ngại, khó khăn cho hoạt động của DN. Việc giải quyết thủ tục cho tàu cập cảng thực hiện kiểm soát chặt chẽ từ xa thông qua ứng dụng công nghệ điện tử; bốc xếp hàng hóa, xuất và nhập hàng ứng dụng máy móc hiện đại, hạn chế sử dụng đông lao động cùng một lúc; tập trung giải phóng bến bãi, thông quan nhanh gọn. Riêng về gói cơ chế chính sách như miễn tiền thuê đất, giảm, miễn và giãn thuế, đặc biệt ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn như logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch... khi nào Trung ương có quy định cụ thể, Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện ngay.
 
Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà: "Sẵn sàng kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa"
 
Hiện nay, tình trạng xuất khẩu nông sản của tỉnh có sự ảnh hưởng nhất định từ thị trường Trung Quốc do dịch Covid-19. Sở Công thương đã thống kê, báo cáo với tỉnh, Bộ Công thương về số lượng dưa hấu, ớt khả năng bị tồn đọng lên đến hơn 40.000 tấn và chờ đợi kết quả tháo gỡ, kết nối xuất khẩu từ Trung ương. Sở Công thương cam kết nếu DN nào tìm được thị trường xuất khẩu cho các nông sản này, Sở sẵn sàng làm cầu nối, phối hợp giải quyết nhanh gọn thủ tục để hoạt động thu mua, xuất khẩu nông sản được nhanh chóng. Về phía DN, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu, làm tiền đề để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
 
Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi Vũ Văn Hải: "Hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng hóa qua cảng nhanh chóng"
 
Tính đến giữa tháng 2.2020, tình hình xuất nhập khẩu của Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng hơn cùng kỳ năm 2019, với khoảng 1,6 triệu tấn hàng hóa qua cảng, thu về kim ngạch 256 triệu USD, thu nộp ngân sách gần 800 tỷ đồng (tương đương với hơn 28% kế hoạch năm). Một số DN hoạt động xuất khẩu tăng mạnh như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Thép Hòa Phát, Doosan Vina và hầu như các DN này ít chịu sự tác động từ thị trường Trung Quốc do dịch Covid-19 gây ra. Thực hiện chủ trương phòng chống dịch Covid-19, ngành hải quan đã tăng cường thông quan điện tử, giải quyết thông quan cho DN bằng luồng xanh và đỏ là chủ yếu (chiếm hơn 65%). Toàn ngành xem việc hỗ trợ DN giải phóng hàng hóa qua cảng nhanh chóng trong thời điểm yêu cầu phòng, chống dịch tăng cao như một mệnh lệnh, cùng cả nước vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế ổn định.
 
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh: “Nhiều chính sách ưu đãi tín dụng dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19"
 
Vietcombank – Chi nhánh Quảng Ngãi đã rà soát đối tượng khách hàng là các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, đợt đầu Vietcombank Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ cho 8 khách hàng là DN đang có tổng dư nợ cho vay 200 tỷ đồng, với mức giảm 1%/năm lãi suất Việt Nam đồng ngắn hạn.
 
Riêng các khoản vay mới đối với các khách hàng này cũng được hỗ trợ giảm lãi suất 1%/năm so với mức lãi suất thông thường. Bên cạnh đó, Vietcombank Quảng Ngãi cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi (thấp hơn 1%/năm) dành cho các khách hàng có hoạt động xuất khẩu trên 50% tại thị trường Trung Quốc đối với các khoản vay ngắn hạn Việt Nam đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang tiếp tục rà soát và triển khai hỗ trợ đối với các khách hàng cá nhân thuộc đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thời gian triển khai chính sách này kéo dài từ ngày 11.2.2020 đến hết 30.4.2020.
 
Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Thị Phúc: “Từ 17.2, giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19”
 
Hiện nay, BIDV Quảng Ngãi đang có rất nhiều khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh, trong đó có các mặt hàng xuất qua thị trường Trung Quốc như dăm gỗ, dưa hấu, mì, thủy sản và nhóm ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch.
 
Tạm thời tháo gỡ khó khăn, từ ngày 17.2 đến hết tháng 4.2020, BIDV Quảng Ngãi sẽ thực hiện gói cho vay mới dành cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức lãi suất ưu đãi thấp nhất thị trường hiện nay là 5,5%/năm (trước đây trên 8%/năm), thời hạn vay không quá 4 tháng. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận tín dụng, phòng giao dịch rà soát tất cả khách hàng cá nhân, DN có dư nợ tại BIDV Quảng Ngãi bị ảnh hưởng và báo cáo về Hội sở chính để có hướng chỉ đạo cụ thể.
 
Hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã triển khai gói chính sách hỗ trợ nhất định cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, thiệt hại từ doanh thu du lịch nếu dịch kéo dài hết quý I/2020 là 2,3 tỷ USD và đến hết quý II/2020 lên tới 5 tỷ USD, xuất khẩu dự báo giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái... Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định 155 ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, gồm khẩu trang y tế; nước rửa tay sát trùng.
 
Quảng Ngãi hiện chưa có ca nhiễm Covid-19 và công tác phòng dịch đang được tăng cường. Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế do dịch cúm này gây ra đã hiển hiện rất rõ. Một số DN sản xuất hàng hóa tồn kho, sản xuất cầm chừng, tiền xoay vòng chậm và nợ ngân hàng mỗi ngày một gia tăng. Tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ DN, nhưng vẫn mang tính tự phát và chưa thực sự tạo ra động lực giúp DN vượt qua khó khăn. Nhiều DN mong muốn trung ương và tỉnh cần sớm có chính sách cụ thể, đồng bộ, tạo thuận lợi để DN ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
THANH NHỊ
                 NHỊ HOA 
(thực hiện)
 

.