Năm học mới, nỗi lo cũ

10:09, 23/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến hẹn lại lên, đầu năm học mới các bậc phụ huynh lại lo lắng khi nhà trường yêu cầu nộp nhiều khoản tiền. Điều đáng nói là có nhiều khoản thu không rõ ràng, được thu dưới danh nghĩa Hội Cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp. Vậy liệu ngành giáo dục có chấn chỉnh được tình trạng lạm thu diễn ra tại các trường học?
Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) trong giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) trong giờ học.

 

Các khoản thu của Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) dành cho học sinh khối lớp 2.
Các khoản thu của Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) dành cho học sinh khối lớp 2.


Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Kiên: “Nghiêm khắc xử lý các trường hợp thu,  chi trái quy định”

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, các khoản thu theo quy định do nhà trường trực tiếp thu, gồm: Học phí; dạy thêm, học thêm theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND; bảo hiểm y tế học sinh.

Các khoản thu của tổ chức đoàn thể trong nhà trường gồm: Quỹ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; quỹ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; quỹ hội cha mẹ học sinh. Trong đó, quỹ hội cha mẹ học sinh phải được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Sở GD&ĐT đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các khoản thu, chi trong năm học này và các năm học trước, sẽ nghiêm khắc xử lý các trường hợp thu, chi trái quy định nếu có. 

Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng: “Nhà trường không được phép thu bất kỳ khoản nào ngoài quy định”

Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi đã chỉ đạo các trường thông báo công khai các khoản thu để phụ huynh biết các khoản nào thu theo quy định và khoản nào thu hộ... Các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và được bố trí kinh phí dành cho các hoạt động. Vì vậy, các trường không thể thu bất kỳ khoản kinh phí nào để phục vụ hoạt động của nhà trường.

Phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra đầu năm học. Sẽ khó khăn để phát hiện những khoản thu ngoài quy định, vì các trường có những cách “lách” văn bản quy định, như giao cho giáo viên chủ nhiệm hay ban đại diện cha mẹ học sinh để thu hộ... Do đó, phòng sẽ kiểm tra việc thu, chi của nhà trường từ phụ huynh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) Võ Tấn Anh: “Huy động kinh phí từ các nguồn tài trợ, viện trợ và từ nguồn thu đúng quy định”

Để xây dựng đơn vị khang trang, đảm bảo môi trường học tập tốt cho học sinh, nhà trường đã làm công tác xã hội hóa huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau như: Huy động từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân... theo đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về thực hiện việc tiếp nhận viện trợ, tài trợ. Năm học vừa qua, nhà trường đã làm lại hệ thống thoát nước, lót gạch block ở sân trường, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh, đảm bảo mỹ quan sân trường.

Còn việc thu, chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường được thực hiện theo đúng quy định trong Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường.

Anh Lê Văn Minh, phụ huynh của một học sinh lớp 1 ở huyện Nghĩa Hành: “Cần công khai các khoản thu"

Đầu năm học 2019 - 2020, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và đưa ra các khoản thu. Riêng con tôi phải nộp hơn 1,9 triệu  đồng. Ngoài ra, Hội cha mẹ học sinh còn thu các khoản “tự nguyện” như: Tiền hỗ trợ làm sân trường tối thiểu 200 nghìn đồng/học sinh; tiền mua quạt 60 nghìn đồng/học sinh. Phụ huynh chúng tôi thường không biết rõ quy định về các khoản thu, nên nhà trường hoặc Hội cha mẹ học sinh nói bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu.

Tuy nhiên, theo tôi đối với các khoản thu được đóng góp trên tinh thần tự nguyện phải được sự đồng ý của phụ huynh và đóng theo khả năng của từng người thay vì quy định mức tối thiểu. Nhà trường phải có dự trù các khoản thu và thông báo cho phụ huynh trước. Khi được sự đồng thuận của phụ huynh thì trường mới thu và công khai các khoản thu; tránh trường hợp một số trường chỉ thông báo miệng trong cuộc họp phụ huynh, nhằm “lách” quy định.

Chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh  

Trong thời gian qua, Ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường học chưa thực hiện đúng trách nhiệm quy định tại Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, được ban hành tại Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT. Theo nhiều phụ huynh học sinh, chưa tính các khoản tiền mua sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh,  ngay sau khi họp phụ huynh đầu năm học mỗi học sinh phải đó1ng các khoản tiền trên, dưới 2 triệu đồng cho nhà trường. Đây là gánh nặng đối với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp. Do vậy, các ngành chức năng cần phải có giải pháp hữu hiệu để chống tình trạng lạm thu trong trường học.

 

DUY PHƯƠNG 
(thực hiện)
 

 


.