Bội chi khám, chữa bệnh BHYT

08:09, 30/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện đang đối diện với nỗi lo vượt dự toán chi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Có đơn vị chưa hết năm đã sử dụng sắp hết số tiền được giao. Đây là “bài toán” đau đầu cho các thầy thuốc, khi phải vừa lo điều trị bệnh nhân hiệu quả, vừa phải lo làm sao để tránh vượt quỹ, vượt trần quy định. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để sử dụng và quản lý hiệu quả quỹ KCB BHYT?  

TIN LIÊN QUAN

Bệnh nhân BHYT được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân BHYT được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Quang Danh: “Các bệnh viện cân nhắc trong hoạt động KCB để tránh“vỡ quỹ”

Trên cơ sở nguồn quỹ được giao từ trung ương, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT trong năm cho tất cả các đơn vị KCB BHYT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến tháng 8.2019, qua rà soát cho thấy, một số cơ sở KCB có chi phí bình quân nội trú, ngoại trú cao hơn mức bình quân chung cả nước. Chi phí bình quân tiền giường/lượt điều trị tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ chỉ định vào điều trị nội trú của các bệnh viện cao 10,2%, hơn mức bình quân chung toàn quốc (9,2%).

Hiện chi phí tiền lương của cán bộ y tế được tính trong giá khám bệnh, giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật. Để tăng nguồn thu, một số cơ sở KCB đã kê thêm giường bệnh, tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật dẫn đến gia tăng chi phí KCB.

Ngành y tế phải phân tích các nguyên nhân, đâu là do cơ chế, đâu là do khách quan hay chủ quan, từ đó có các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục. Các bệnh viện cần cân đối nguồn quỹ được giao theo hằng tháng, quý, giảm thiểu các chi phí chưa hợp lý, lạm dụng (nếu có), để tránh tình trạng bội chi như hiện nay, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Ngọc Lân: “Dự toán được giao năm 2019 thấp so với năm 2018, khiến bệnh viện gặp khó”

Năm 2018, bệnh viện được chi 221 tỷ đồng, nhưng vượt quỹ 17 tỷ đồng. Năm 2019, dù tăng giường bệnh kế hoạch từ 800 lên 900 giường và tiếp nhận hơn 2 nghìn thẻ BHYT từ bệnh nhân thuộc Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung cao chuyển về, nhưng dự toán được giao chỉ 193,5 tỷ đồng. Bệnh nhân tăng, chi phí điều trị không thể cắt giảm. Trong 8 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã chi KCB  BHYT 158,5 tỷ đồng, vượt 23% dự toán cả năm. Từ giờ đến cuối năm, dự báo bệnh nhân gia tăng, nhưng chỉ còn lại 35 tỷ đồng, bội chi là khó tránh khỏi.

Bệnh viện gặp nhiều áp lực trong chi KCB BHYT, nếu không đảm bảo quỹ dự toán giao, việc đảm bảo lương, chế độ phụ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công tác chỉ định thuốc, dịch vụ cận lâm sàng sẽ thắt chặt hơn, quyền lợi người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bệnh viện mong muốn hai ngành y tế và BHXH xem xét bố trí nguồn dự toán được giao cho đơn vị hợp lý hơn để đảm bảo hoạt động.

Phó Giám đốc BVĐK tư nhân Phúc Hưng, bác sĩ Thái Thị Hồng: “Với cơ sở y tế tư nhân, không thể để bội chi KCB BHYT”

Đối với bệnh viện tư nhân, tự bỏ kinh phí xây dựng và nguồn tài chính duy trì hoạt động của bệnh viện với hàng trăm nhân viên, cán bộ y tế đều phụ thuộc vào nguồn thu KCB từ bệnh nhân. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 700 bệnh nhân. Trong đó có 50% bệnh nhân khám BHYT và điều trị nội trú khoảng 70 bệnh nhân. Ngoài gói dự toán giao KCB BHYT thấp (không quá 1 tỷ đồng/tháng - PV), bệnh viện cân đối không để vượt chi phí được giao, còn lại chủ yếu dựa vào nguồn thu KCB  dịch vụ theo yêu cầu.

Ngoài KCB BHYT theo bệnh lý người bệnh, những chỉ định dịch vụ tăng thêm hỗ trợ điều trị đều phải được người bệnh đồng ý, bệnh viện mới triển khai và thu phí. Riêng tiền giường điều trị nội trú, bệnh nhân cũng chọn gói tiền giường theo yêu cầu, thấp nhất là 300 nghìn đồng, cao nhất là 1,5 triệu đồng, người bệnh phải tự trả tiền. Đối với KCB BHYT diện ngoại trú, gói định mức khống chế là 150 nghìn đồng/bệnh nhân/ lượt khám BHYT, còn lại bệnh nhân muốn làm dịch vụ thêm đều phải bỏ chi phí.   
         
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, bác sĩ Châu Nguyễn Thương: “Cần quan tâm đến y tế miền núi”

Gần 100% bệnh nhân miền núi đến KCB đều sử dụng thẻ BHYT. Vì vậy, hoạt động của đơn vị đều dựa vào nguồn quỹ BHYT. Tuy nhiên, dự toán BHYT giao năm 2019 quá thấp so với năm 2018 và không phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Hiện dự toán được giao chỉ hơn 4,4 tỷ đồng. Trong khi năm 2018, đơn vị được giao 7,8 tỷ đồng (bao gồm chi phí chi đa tuyến). Do vậy, bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi phải lo nâng cao chất lượng điều trị, vừa phải lo giữ quỹ KCB BHYT. Với dự toán 2018, bệnh viện vượt quỹ gần 3 tỷ đồng. Như vậy, với kinh phí thấp như hiện nay, thì rất khó cho đơn vị hoạt động KCB.

Bên cạnh đó, giường bệnh kế hoạch chỉ 50 giường, nhưng do có thời điểm đông bệnh nhân, trung tâm phải kê thêm giường thực kê, có thời điểm tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân điều trị. Theo đó, tiền giường/lượt điều trị tăng. Chúng tôi đề nghị giao dự toán cao hơn hoặc bằng năm 2018, để đảm bảo nguồn chi KCB BHYT, nâng cao chất lượng y tế miền núi.

Thạc sĩ nội khoa Nguyễn Lê Hòa - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK tỉnh: “Lo vượt dự toán, áp lực rất lớn cho thầy thuốc trong chỉ định điều trị”

Khoa Hồi sức - tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nặng, thời gian nằm viện kéo dài và sử dụng nhiều dịch vụ y tế, chi phí đối với một số bệnh nhân lên đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Hằng ngày, ngoài áp lực tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải đối mặt với nỗi lo vượt dự toán chi, sợ xuất toán, nên cũng “chùn tay” khi kê đơn thuốc. Chúng tôi phải “cân đo đong đếm” rất kỹ lưỡng, vì BHYT còn “soi” luôn cả các dịch vụ liên quan đến chỉ định của thầy thuốc. Nhiều bệnh nhân cần kháng sinh, mỗi loại thuốc có chi phí tiền triệu, nhưng phải cân nhắc và phải trình lãnh đạo duyệt. Dù đối mặt với áp lực bội chi KCB BHYT, nhưng là thầy thuốc chúng tôi cũng phải ưu tiên quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu, cân đối trong điều trị để làm sao người bệnh mau hồi phục nhất có thể.

                                    

Dự toán chi KCB BHYT đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 hơn 620 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí phát sinh trong 8 tháng đầu năm 2019 của các cơ sở KCB BHYT đã hơn 455,4 tỷ đồng, tăng 11,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phần gia tăng chi phí tập trung chủ yếu là tiền giường, thuốc, thủ thuật - phẫu thuật, vật tư y tế. 

  
KIM NGÂN  

(thực hiện)

 

 


.