(Báo Quảng Ngãi)- Nuôi thủy sản và du lịch sinh thái nếu được “tích hợp” với nhau không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành thủy sản, du lịch, mà còn giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất để tăng thu nhập. Tuy nhiên, sự kết hợp này hiện chưa được ngành chuyên môn, chính quyền và người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện...
Với bờ biển dài khoảng 130km, cùng hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Ngoài khía cạnh sản xuất, những khu vực nuôi trồng thủy sản còn có thể trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút khách tham quan, nếu được đầu tư tương xứng và phù hợp.
Mô hình nuôi hải sâm kết hợp phục vụ du lịch sinh thái sẽ được triển khai thí điểm ở đầm nước mặn Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. |
Các khu vực đầm An Khê, nước mặn Sa Huỳnh (Đức Phổ); rừng dừa nước dọc sông Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); đầm nước ngọt Gò Mèn (Mộ Đức); hồ chứa nước Nước Trong (Sơn Hà), hay khu vực ven biển huyện Mộ Đức... được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, kết hợp với du lịch sinh thái, nhưng chưa được đầu tư khai thác.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa: “Công cụ thoát nghèo, đa dạng thu nhập cho nông dân”.
Đây là một sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn mang lại đột phá cho lĩnh vực kinh tế thủy sản cũng như du lịch. Hướng đi này cũng sẽ tạo tiền đề để phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với nguồn lực 38% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 60% cư dân nông thôn, nên phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn sẽ tận dụng được nguồn lực tự nhiên, con người, văn hoá... để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách tham quan, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững cả về kinh tế, văn hóa và môi trường.
Thực tế, sản phẩm du lịch này là sự kế thừa và phát huy phương thức nuôi trồng thủy sản truyền thống của người dân, nên việc thực hiện không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái cần phải đảm bảo các yếu tố: Tôn trọng cộng đồng và bản sắc văn hóa; kết hợp lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội; đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng, cũng như tính xác thực...
Vì vậy, bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, thì cũng cần có sự đầu tư nghiêm túc cho các dịch vụ phụ trợ; gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải tác động của thiên tai, bảo vệ môi trường... Ngoài ra, để sản phẩm du lịch này phát triển bền vững, các ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở cần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đảm bảo khu vực và đối tượng thủy sản được nuôi trồng phải phù hợp; còn người dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “sản phẩm sạch, dịch vụ tốt” .
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông: “Triển vọng, nhưng phải kiểm soát, không để phát triển tràn lan”.
Hiện nay, quỹ đất, diện tích mặt nước trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp, do áp lực của quá trình đô thị hóa. Do đó, việc nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế, cũng như tập quán và điều kiện sản xuất của người dân. Sản phẩm này không chỉ tạo điều kiện để người dân nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, mà còn mở ra triển vọng phát triển mới cho ngành nuôi thủy sản.
Chi cục Thủy sản sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn quy trình nuôi các đối tượng thủy sản cho các cá nhân, tổ chức. Đồng thời xây dựng, chuyển giao các mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch. Để tránh tình trạng phát triển tràn lan, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần đánh giá đúng - đủ tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo các tiêu chí an toàn về thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hải sâm Việt Nam Vũ Ngọc Tuyến: “Cần có quyết tâm của chính quyền và sự cam kết của người dân”.
Nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, ngoài hiệu quả kinh tế, phương thức du lịch này còn đề cao các giá trị tự nhiên, tập quán sản xuất và văn hóa của khu vực. Vì vậy, khi triển khai mô hình nuôi hải sâm kết hợp phục vụ du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở đầm nước mặn Sa Huỳnh, chúng tôi cố gắng duy trì đến mức cao nhất những yếu tố thuộc về tự nhiên, từ chăm sóc đến thu hoạch.
Tuy nhiên, nền tảng và hiệu quả của sản phẩm du lịch này phụ thuộc vào vai trò cộng đồng, cũng như tính chuyên nghiệp của cư dân trong quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ. Chính vì vậy, để tránh tình trạng sản phẩm du lịch “chết yểu”, bên cạnh nguồn lực của doanh nghiệp, cần có sự đồng hành và sáng tạo của người dân, sự chung tay của chính quyền các cấp và ngành chức năng, nhất là ngành du lịch và thủy sản. Mặt khác, người dân và các ngành chuyên môn cũng nên xác định rõ mục tiêu, ý nghĩa của sản phẩm du lịch để khỏi lúng túng khi triển khai thực hiện, hoặc chồng chéo trong khâu quy hoạch, quản lý.
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) Đào Thanh Công: “Khai thác phải gắn với bảo tồn”.
Xã Hành Tín Đông và các địa phương lân cận như Hành Thiện, Hành Tín Tây có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, gắn với nuôi trồng thủy sản. Ở địa phương có đập Suối Chí, nơi có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái; đồng thời là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách theo dòng du lịch về nguồn TP. Quảng Ngãi – Nghĩa Hành – Ba Tơ. Để khai thác tiềm năng của Suối Chí, UBND huyện đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng Khu du lịch sinh thái Suối Chí.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng đang vận động, khuyến khích người dân đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản gắn với phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để Khu du lịch sinh thái Suối Chí và các mô hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, thì việc khai thác phải gắn với bảo vệ nguyên vẹn những gì thuộc về tự nhiên, hoặc đầu tư xây dựng theo hướng càng gần tự nhiên càng tốt.
Ông Nguyễn Chí Dân, chủ quán Sen Thủy Tiên ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành): “Hiệu quả, nhưng không dễ làm”.
Năm 2014, tôi thuê 5ha ở đầm trũng Bàu Hữu, sau đó tiến hành cải tạo để trồng sen, nuôi thủy sản các loại, kết hợp phục vụ du lịch sinh thái. Ngoài việc ngắm sen nở, câu cá, bắt tôm, bắt cua... khách tham quan còn được trải nghiệm các dịch vụ uống cà phê trên ghe, chèo ghe thu hoạch sen, hoặc tự chế biến các món thủy sản được câu từ hồ... Đặc biệt, nhiều khách trẻ muốn trải nghiệm cảm giác được làm nông dân, nên tôi cũng giúp họ quây lưới ở một góc hồ, để nuôi cá, nuôi cua. Vì vậy, dù mới đi vào hoạt động nhưng quán Sen Thủy Tiên có lượng khách khá ổn định.
Tuy thiết thực và hiệu quả, nhưng nuôi thủy sản kết hợp du lịch sinh thái gặp khá nhiều trở ngại, nhất là việc lựa chọn địa điểm và huy động nguồn lực đầu tư. Địa điểm đầm Bàu Trũng “hợp” với phát triển du lịch sinh thái, nhưng thời hạn thuê đất chỉ có 5 năm, nên gặp khó trong việc quyết định đầu tư, cũng như mở rộng quy mô kinh doanh.
MỸ HOA
(thực hiện)