(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, mạng xã hội (MXH) đã trở thành công cụ hữu ích được nhiều người sử dụng để chia sẻ, tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, nếu thiếu kiểm soát thì MXH sẽ để lại hậu quả khó lường đối với bản thân người dùng, gia đình và xã hội.
Phòng thực hành máy tính ở các trường phải cài đặt phần mềm quản lý để hạn chế học sinh sử dụng mạng xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) trong tiết thực hành tin học. |
Theo số liệu của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 360 MXH của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động và đang hoạt động. Trong khi đó, số người sử dụng MXH đông nhất thuộc về các dịch vụ nước ngoài, như Facebook, Youtube, Google+... với khoảng 64 triệu người dùng, đứng thứ 7 thế giới. Quảng Ngãi hiện có khoảng 40% số người sử dụng Internet tham gia MXH. Thời lượng sử dụng Internet và MXH trong một ngày của người Việt Nam khoảng 2-2,5 giờ, chủ yếu là giới trẻ có độ tuổi từ 15 – 45 (khoảng 4 - 4,5 giờ/ngày). Facebook và Youtube là những trang được sử dụng nhiều nhất.
Thời gian qua, có một số giáo viên, học sinh "nghiện" MXH, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Qua theo dõi, học sinh đã "nghiện" chơi Facebook, Zalo, Youtube... thường mắc bệnh trầm cảm, bỏ học, trốn học; giáo viên "nghiện" MXH dẫn đến thiếu tập trung trong việc chuẩn bị bài giảng, giảng trên lớp không tích cực. Vì vậy, phụ huynh phải cùng với nhà trường và xã hội chung tay giáo dục cho các em hiểu nhiệm vụ của học sinh chủ yếu là học tập, rèn luyện nhân cách; giúp các em xây dựng thời gian biểu ở nhà, nhằm hạn chế việc sử dụng MXH. Với giáo viên, ngành đã quy định trong giờ lên lớp không được sử dụng MXH, điện thoại phải đặt ở chế độ im lặng. Khi sử dụng Internet, giáo viên phải thẩm định các đường link cụ thể để hướng dẫn cho học sinh cách tìm kiếm tư liệu học tập. Các phòng thực hành máy tính phải cài đặt các phần mềm quản lý để kiểm soát tiến trình học tập của học sinh trong từng tiết học, nhằm ngăn ngừa sử dụng MXH.
Ngành sẽ tiếp tục xem xét, ban hành văn bản tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng MXH hợp lý hơn, tránh tình trạng bình luận, chia sẻ những thông tin sai sự thật.
Mạng xã hội là một thế giới phẳng, “ảo” nhiều hơn thật. Trong 10 năm trở lại đây, MXH tràn ngập làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị, văn hóa, đời sống xã hội của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Mạng xã hội đã trở thành "chất" gây nghiện đối với nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhiều người mất thời gian để lướt Facebook, nảy sinh bệnh vô cảm, thờ ơ với cuộc sống thật. Có không ít người đã dùng MXH gây mất uy tín cho cá nhân, tổ chức xã hội. Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ngãi có 10 vụ vi phạm khi sử dụng MXH, chủ yếu là tung tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự, uy tín cá nhân, xúi giục, kích động chống đối Nhà nước...
Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua. Luật này tạo thuận lợi trong việc quản lý MXH. Các địa phương nên tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia MXH từng cá nhân phải hết sức tỉnh táo; phải biết cách nhận biết thông tin nào có lợi ích cho bản thân, quốc gia, thông tin nào sai lệch, để chia sẻ hay bác bỏ.
Trong tình hình mới hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng. Các thế lực thù địch, tội phạm đã sử dụng MXH (website, weblog, blogger, facebook...) đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại, công kích, bôi nhọ, gây chia rẽ nội bộ, nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương, đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia trên không gian mạng.
Do vậy, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực trên, trong thời gian đến, ngành sẽ chủ động nghiên cứu đầy đủ cơ sở pháp lý, lý luận, tổng kết thực tiễn để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng”, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về chính trị, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân khi tham gia trên không gian mạng; biết phân biệt đúng – sai, tốt – xấu, để tự “tẩy chay, nói không” với tài liệu xấu, độc hại. Đồng thời, phát hiện, tố giác những hành vi lợi dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán tài liệu gây phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc...
Nhà tôi có nhiều thế hệ sinh sống. Ngày trước, nhà chỉ có mỗi cái điện thoại để bàn, ai liên hệ việc gì cả nhà đều chia sẻ với nhau. Giờ thì bọn trẻ đứa nào cũng có điện thoại di động thông minh. Tuy có nhiều tiện ích, nhưng việc bọn trẻ ngồi đâu cũng "dán" mắt vào điện thoại, đứa thì lướt facebook, đứa đọc báo mạng... khiến người già như vợ chồng tôi cũng thấy buồn tẻ.
Nhiều lúc muốn nghe các con nói chuyện cơ quan, xã hội, các cháu nói chuyện học hành hằng ngày... để biết mà chia sẻ động viên, nhưng cứ về đến nhà là chúng nhìn chằm chằm vào cái điện thoại, cuộc sống cứ ngày càng xa cách.
Vợ chồng tôi có 5 người con, trong đó 3 đứa định cư tại TP.Hồ Chí Minh, 2 đứa học qua cao đẳng, đại học rồi đi xuất khẩu lao động. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng. Các con mua cho cái điện thoại thông minh, mỗi lần nhớ con cháu, vợ chồng tôi dùng Messenger để kết nối nói chuyện, xem luôn cả hình ảnh, rất thuận tiện.
Nhà làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nhờ kết nối với bạn bè thông qua MXH, tôi đã chia sẻ, trao đổi thông tin để nuôi và bán kén hiệu quả. Nếu làm chủ được MXH thì công cụ này rất tiện ích, gắn kết bạn bè, người thân gần nhau hơn, công việc kinh doanh cũng hiệu quả hơn.
TRƯỜNG AN (thực hiện)