Khu bảo tồn biển Lý Sơn: Cần có giải pháp bảo vệ hiệu quả

03:12, 29/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2017, Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã được UBND tỉnh quyết định thành lập. Cùng với đó là việc thiết lập các điểm nghiêm cấm hoạt động đánh bắt hải sản, đặc biệt là ở vùng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn. Thế nhưng, hiện nay tình trạng khai thác hải sản trong khu vực bảo tồn biển Lý Sơn diễn ra tràn lan, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

 Tình trạng khai thác thuỷ sản trong khu vực bảo tồn biển Lý Sơn vẫn đang diễn ra, nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
Tình trạng khai thác thuỷ sản trong khu vực bảo tồn biển Lý Sơn vẫn đang diễn ra, nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
Theo thống kê của  huyện Lý Sơn, có khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng khi thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Được biết, việc hỗ trợ cụ thể cho các hộ dân bị ảnh hưởng đang chờ tỉnh ra nghị quyết thực hiện. Bài toán sinh kế cho những hộ dân bị ảnh hưởng từ Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nếu không sớm được giải quyết, thì tình trạng ngư dân “tận diệt” hải sản trong khu bảo tồn biển vẫn còn tiếp diễn.

 

Chi Cục phó Chi cục Thuỷ sản, Giám đốc BQL khu Bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn: "Sẽ khảo sát và quy hoạch lại hợp lý"

Trong năm 2018, UBND tỉnh đã thông qua kế hoạch đầu tư phát triển Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư trên 42 tỷ đồng xây dựng khu bảo tồn biển Lý Sơn, giai đoạn 2018-2022. Trong đó, chú trọng nghiên cứu khoa học và phục hồi hệ sinh thái gồm: Bảo vệ nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái san hô, thảm cỏ biển, giám sát đa dạng sinh học, môi trường nước trong khu bảo tồn; thiết lập rạn nhân tạo làm nơi sinh sản, sinh trưởng của các loài thủy sinh có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí; du nhập, nuôi trồng các loại giống bản địa có giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ điều tra, khảo sát và quy hoạch lại khu bảo tồn biển Lý Sơn cho hợp lý; thực hiện các chương trình như: Phục hồi các rạn san hô, thảm cỏ biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bổ sung vào trong vùng biển của khu bảo tồn những loài động vật quý hiếm mà lâu nay bị cạn kiệt do khai thác.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương: "Cần có chính sách hỗ trợ những hộ bị ảnh hưởng"

Qua đối thoại giữa chính quyền và người dân bị ảnh hưởng, phần lớn các hộ dân đều có nguyện vọng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, để cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn để ra vùng lộng và vùng khơi khai thác, hoặc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, như chuyển làm các dịch vụ khác.

Địa phương cũng đã đề nghị tỉnh, nhất là cơ quan chủ quản trong khu bảo tồn biển là Sở NN&PTNT quan tâm, sớm ban hành chính sách và sớm hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Với 500 hộ dân bị ảnh hưởng, khi chưa được hỗ trợ thì chúng tôi cũng không thể cấm ngư dân khai thác trong khu vực bảo tồn. Địa phương chỉ còn cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và chấp hành nghiêm các quy định, quy chế bảo tồn biển; đồng thời khuyến cáo ngư dân không nên đánh bắt gần bờ.

 

Ngư dân Nguyễn Cung, xã An Vĩnh (Lý Sơn): "Phải hỗ trợ thỏa đáng cho ngư dân"

Chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt ven bờ từ xưa đến nay. Việc bảo tồn biển là cần thiết, nhằm bảo vệ hệ sinh thái, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, để phát triển bền vững.

Ngư dân chúng tôi đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên, nếu bây giờ Nhà nước cấm khai thác hải sản ở khu vực bảo tồn, thì phải nghiên cứu để hỗ trợ thỏa đáng cho ngư dân. Khi chưa tạo điều kiện để ngư dân ổn định cuộc sống, thì buộc lòng chúng tôi phải tiếp tục đánh bắt để sinh sống chứ không còn cách nào khác.

Ông Mai Văn Thanh, ở xã An Hải (Lý Sơn): "Cần thực hiện tốt việc bảo tồn"

Tôi nghĩ rằng, khi đã có quy định thì phải thực hiện nghiêm, không cho bất cứ ai vào bãi san hô để khai thác.
 
Với những người làm dịch vụ lặn biển ngắm san hô như chúng tôi rất mong muốn việc bảo tồn vùng biển ven bờ Lý Sơn được thực hiện tốt hơn.
 
Đối với du khách khi lặn biển, chúng tôi yêu cầu tuyệt đối không bẻ, phá san hô. Khi những rạn san hô được phục hồi phát triển, không chỉ là tái tạo hệ sinh thái biển mà còn có thể "hái" ra tiền từ du lịch lặn biển.
 

 
 Ngư dân Lý Sơn khai thác ven bờ cần được hỗ trợ để chuyển đổi nghề phù hợp.
Ngư dân Lý Sơn khai thác ven bờ cần được hỗ trợ để chuyển đổi nghề phù hợp.


 

Khu bảo tồn biển Lý Sơn có tổng diện tích 7.925ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113ha; được chia thành 3 vùng chức năng: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 620ha; vùng phục hồi sinh thái có diện tích 2.024ha; vùng phát triển có diện tích 4.469ha và vành đai bảo vệ với diện tích khoảng 2.500ha.

Đây là một trong 16 khu bảo tồn biển trong cả nước, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. Việc thành lập khu bảo tồn này với mục đích tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả mục tiêu: Bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rong biển, cỏ biển, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, duy trì và cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn.

 

 


XUÂN THIÊN
(thực hiện)
 


.