(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì dùng tiền ngân sách để xây chợ, Quảng Ngãi đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ. Nhà đầu tư và chính quyền cho rằng, làm thế là có lợi cho địa phương, nhưng tiểu thương lại than phiền ảnh hưởng đến buôn bán, thu nhập. Vậy thực chất xã hội hóa xây chợ thì ai được lợi?
Trước đây, hầu hết các chợ truyền thống ở Quảng Ngãi đều do ngân sách đầu tư xây dựng, quản lý và tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến năm 2016, Quảng Ngãi đã có 4 chợ xây dựng theo hình thức xã hội hóa, tức là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và kinh doanh các chợ: Châu Ổ, Bình Hải (Bình Sơn), Tịnh Hà (Sơn Tịnh) và Đức Phổ (Đức Phổ).
Phối cảnh một góc mô hình chợ Thu Lộ. |
Năm 2017, Quảng Ngãi tiếp tục cho chủ trương xã hội hóa xây chợ thêm 4 chợ khác, gồm 3 chợ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi là chợ Nghĩa Lộ (phường Nghĩa Lộ), chợ Thu Lộ (phường Trần Phú), chợ Nghĩa Dõng (xã Nghĩa Dõng) và chợ Di Lăng (Sơn Hà). Các dự án xây chợ này được giao cho 2 nhà đầu tư ngoài tỉnh, cụ thể: Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại Hacovina đầu tư xây 3 chợ: Nghĩa Lộ (191 tỷ), Nghĩa Dõng (93 tỷ) và Di Lăng (145 tỷ). Riêng chợ Thu Lộ do HTX Thanh Nhật - Thu Lộ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 96 tỷ đồng.
Các chợ xã hội hóa này đều đăng ký đầu tư với quy mô chợ hạng 1 và hạng 2 theo phương thức Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống. Trong đó, hai chợ Thu Lộ và Nghĩa Lộ đầu tư theo quy mô chợ hạng 1, xây nhiều tầng và diện tích lớn "bất thường". Chợ Nghĩa Lộ thiết kế ban đầu lên đến 5 tầng, diện tích ki-ốt đến 50 - 70m2. Thời gian kinh doanh chợ đến 50 năm, cá biệt chợ Di Lăng, thời gian đến 70 năm. Diện tích đất cấp cho xây chợ quá lớn, từ 5.000- 15.000m2/chợ. Điều đáng nói nữa là, các chợ này hiện chưa khởi công, nhưng các chủ đầu tư đã tổ chức kêu gọi đặt chỗ, đóng tiền thuê ki-ốt thông qua đơn vị cung cấp sản phẩm độc quyền.
Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Võ Quang: "Xã hội hóa xây chợ là rất cần thiết"
Trên địa bàn thành phố hiện có rất nhiều chợ xuống cấp, nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh rất cao. Trong khi ngân sách không đủ kinh phí để làm chợ thì xã hội hóa đầu tư xây chợ là cần thiết và là một xu thế tất yếu của tương lai.
Trưởng Phòng Thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng: "Hỗ trợ nhà đầu tư, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng chợ"
Khi nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng chợ là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, vì thế chính quyền sẽ quan tâm, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư.
Dự án chợ Thu Lộ đã được UBND TP.Quảng Ngãi kêu gọi, thu hút đầu tư từ lâu. Tháng 11.2017, UBND tỉnh đã ký quyết định chủ trương cho phép HTX Thanh Nhật - Thu Lộ thực hiện dự án.
Hacovina đầu tư xây chợ là vì quyền lợi 3 bên: Địa phương, tiểu thương và doanh nghiệp. Chúng tôi chủ trương phân dự án chợ thành hai khu: Quầy sạp chợ truyền thống và khu ki-ốt kinh doanh cao cấp từ 1 - 4 tầng.
Chợ Thu Lộ hiện nhiều chỗ rất sập xệ, mưa xuống là ngập và rất dễ xảy ra chập điện, gây cháy nổ, song tiểu thương lại không phải thuê với giá cao, có điều kiện hạ giá thành hàng hóa, thu hút khách hàng. Xây chợ mới, tiểu thương vui, nhưng rất lo lắng. Nếu giá thuê lô sạp mà cao, tôi không có tiền để vào chợ tiếp tục buôn bán. Mong nhà đầu tư phải công khai giá cả, phương thức cho thuê để tiểu thương biết.
Theo như nhà đầu tư trao đổi với tiểu thương, họ sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tiểu thương khi vào chợ mới. Nếu làm đúng cam kết này thì tiểu thương có lợi, vì có chỗ buôn bán khang trang. Thế nhưng, chỉ sợ là nhà đầu tư không thực hiện đúng lời hứa, cho thuê giá cao, tiểu thương không vào được chợ, không có việc làm, không có thu nhập, gây xáo trộn cuộc sống một bộ phận dân cư.
THANH NHỊ (thực hiện)