(Báo Quảng Ngãi)- Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, thì nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn tỉnh nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đủ sức để khơi dậy tiềm năng du lịch của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đội ngũ làm du lịch cộng đồng đa số chưa qua đào tạo. Trong ảnh: Đồng bào Hrê Ba Tơ trình diễn nghề đan lát. |
Toàn tỉnh hiện có 290 khách sạn, nhà nghỉ, với gần 2.200 lao động; 24 công ty, doanh nghiệp lữ hành. Nhìn chung, đội ngũ lao động ở lĩnh vực này hạn chế về trình độ chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng... trong việc phục vụ khách tham quan, lưu trú.
Điều đáng bàn là khi du khách người nước ngoài đến Quảng Ngãi tham quan các di tích lịch sử về hay thăm các trầm tích núi lửa trên đảo Lý Sơn, văn hóa Sa Huỳnh... các thuyết minh viên chưa được đào tạo tiếng Anh bài bản, do vậy chưa truyền tải được ý nghĩa văn hóa, lịch sử, cảm xúc đến du khách.
Chị Nguyễn Thị Hoài Tâm, chuyên viên Phòng VHTT huyện Đức Phổ cho hay, mỗi năm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Qua các hình ảnh tư liệu, hiện vật, bằng ngôn từ tiếng Việt chị đã giúp du khách hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tuy nhiên, đối với khách nước ngoài thì chủ yếu xem hiện vật, không nghe được lời thuyết minh, vì trình độ tiếng Anh của chị Tâm còn hạn chế.
Giám đốc Chi nhánh Công ty Vietravel Quảng Ngãi, ông Phan Long cho biết: Công ty hiện có 17 nhân viên, đều có trình độ cao đẳng, đại học. Khi mới tuyển dụng, công ty vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ. Nguồn lao động du lịch qua đào tạo rất khan hiếm. Ngoài nhân viên chính thức, công ty còn phải tuyển dụng lao động theo mùa.
Trưởng Phòng VH-TT huyện Ba Tơ Trần Thị Thanh Thúy chia sẻ: Ba Tơ hiện chỉ có 2 người làm công tác du lịch, trong đó có lãnh đạo phòng kiêm phụ trách mảng du lịch và 1 hợp đồng. Sắp đến thực hiện đề án tinh giảm biên chế, huyện không có người quản lý du lịch. Toàn huyện có khoảng 9 cơ sở lưu trú tự phát, 50 người làm du lịch cộng đồng, chủ yếu bằng niềm đam mê như múa, hát, đan lát, dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, chứ chưa qua đào tạo.
Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực du lịch. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch đã có những nỗ lực trong việc tăng cường gắn kết, nhằm xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy vậy, những hoạt động này vẫn ở phạm vi, quy mô nhỏ, chưa thể khỏa lấp được “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch của tỉnh. Những thiếu hụt về nhân lực du lịch chất lượng cao là một trong những trở ngại lớn đối với tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói./.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa: “Cần sự chung tay của các cấp, các ngành”
Sắp đến, Sở sẽ phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch từ nay đến năm 2020. Muốn đào tạo được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đòi hỏi các ngành, các cấp phải chung tay vào cuộc.
Đối với nhóm lao động phổ thông, các Sở NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH cần hướng đến đào tạo nghề trung cấp du lịch. Các trường cao đẳng, đại học nên mạnh dạn vào cuộc mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài sự chung tay của các ngành, thì Nhà nước cần phải có kinh phí để kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, tăng cường công tác đào tạo, mở lớp tập huấn nghiệp vụ, cấp thẻ và tăng cường số lượng hướng dẫn viên...
Huyện Lý Sơn đang là điểm đến thu hút du khách. Thế nhưng, nguồn nhân lực để quản lý, phục vụ du khách đa số chưa có trình độ chuyên môn. Toàn huyện hiện có 60 nhà nghỉ homestay, 7 khách sạn, 50 nhà nghỉ, 14 tàu cao tốc, khoảng 100 phương tiện xe ôm, xe tuk tuk, để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, đa số nguồn nhân lực này làm nghề du lịch tự phát, hầu hết chưa qua đào tạo, chưa có kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách mang tính chuyên nghiệp. Trong thời gian đến, huyện sẽ củng cố lại đội ngũ quản lý ngành du lịch; kiến nghị với ngành chức năng đào tạo nguồn lực du lịch mang tính chuyên sâu. Đối với người dân làm du lịch, huyện sẽ phối hợp với đơn vị chuyên môn đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cách quản lý lưu trú, vận tải, hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn một cách bài bản, khoa học. Phó Phòng VH-TT huyện Đức Phổ Trương Thị Hương:“Cần số lượng lớn nhân lực du lịch chất lượng cao”. Hiện nay, huyện đang thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch ở phía nam huyện, do vậy cần nguồn lao động chất lượng cao, với số lượng lớn. Vì vậy, huyện mong tỉnh, các ngành chức năng sớm mở các lớp tập huấn, nhằm bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; lưu trú; kỹ năng kinh doanh du lịch cho cộng đồng dân cư; kỹ năng xây dựng sản phẩm du lịch; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên... Nếu cho họ nghỉ việc, ở khu chứng tích không còn người để làm nhiệm vụ thuyết minh phục vụ khách tham quan. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ linh động trích nguồn kinh phí tự chủ để hợp đồng lại những nhân viên có trình độ chuyên môn cao, nhằm phục vụ khách đến tham quan.
MAI HẠ (thực hiện) |