Cần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã

09:06, 26/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã có vai trò, vị trí rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, là cầu nối trực tiếp giữa hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh ta đội ngũ CBCC cấp xã vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải tập trung khắc phục.  

Vừa thiếu, vừa yếu

Năm 2017, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) được giao biên chế 23 CBCC cấp xã, nhưng đến thời điểm này mới có 21 công chức, còn thiếu 2 công chức. Vậy nên, vị trí cán bộ chủ chốt của xã cũng phải kiêm nhiệm như Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Phó Chủ tịch UBND xã. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dõng Võ Văn Vinh cho biết, xã đang trong quá trình đô thị hóa, phấn đấu trở thành phường nên khối lượng công việc rất lớn, trong khi đó thiếu công chức xã nên gặp nhiều khó khăn.  

 

Công chức phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Công chức phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.


Không chỉ ở xã Nghĩa Dõng, mà tình trạng thiếu CBCC diễn ra ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương thiếu từ 1 - 2 công chức, thậm chí là 3-4 công chức. Ở huyện Sơn Tịnh, đến thời điểm này, tổng số định biên 11 xã của huyện là 219 người, được bố trí cho 11 chức danh cán bộ và 7 chức danh công chức. So với quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, thì huyện Sơn Tịnh được bố trí thấp hơn 36 định biên. Vì chưa được bố trí đầy đủ định biên, nên nhiều CBCC kiêm nhiệm chức danh, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với khối lượng công việc.
 

Thi tuyển công chức cấp xã


Dự kiến trong quý III/2018, tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển công chức cấp xã, với 110 chỉ tiêu. Các thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi (vòng 1 thi tin học trên máy tính và thi trắc nghiệm môn chuyên ngành; vòng 2 thi kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành). Thí sinh tham gia thi công chức cấp xã, phường, thị trấn ở miền núi yêu cầu phải tốt nghiệp cao đẳng, ở đồng bằng phải tốt nghiệp đại học, không phân biệt hệ đào tạo. Để đảm bảo công bằng, nghiêm túc, kỳ thi tuyển công chức cấp xã được tổ chức tương tự kỳ thi công chức cấp tỉnh. Việc ra đề và chấm thi đều do Bộ Nội vụ thực hiện.

Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Sơn Tịnh cho biết, hiện nay vẫn chưa có sự đồng nhất về văn bản quy định chế độ, chính sách. Đối với cán bộ đảng, đoàn thể ở xã không được hưởng 30% phụ cấp. Cán bộ xã được hưởng phụ cấp phân loại xã loại I là 10%, loại II là 5%; trong khi đó công chức không được hưởng, mặc dù công tác trên cùng địa bàn. Để tăng biên chế công chức cấp xã, UBND huyện Sơn Tịnh đề xuất giải pháp giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, vì thực tế một số lĩnh vực như: Tài nguyên và môi trường, địa chính - nông nghiệp- xây dựng... quy định mỗi xã từ 1- 2 công chức là quá ít, không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nhìn chung, trình độ, năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao so với trước. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số CBCC chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBCC chưa thường xuyên...

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ  

Ở huyện Sơn Tây, những năm trước đây, việc thiếu hụt CBCC và tình trạng CBCC  không đủ chuẩn đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở. Trước thực trạng này, huyện Sơn Tây đã ưu tiên phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ chuẩn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết, với đặc thù là huyện miền núi, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đã cơ bản chuẩn hóa được đội ngũ CBCC cấp xã, đáp ứng được nhu cầu của từng vị trí việc làm. Đến nay, hơn 99% cán bộ chủ chốt là bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã trên địa bàn huyện đều được chuẩn hóa. Đội ngũ CBCC cấp xã  nâng cao trách nhiệm trong giải quyết công vụ, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho nhân dân.

Cùng với huyện Sơn Tây, nhiều địa phương trong tỉnh hiện đang tập trung khắc phục những hạn chế, xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã đảm bảo về trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Bài, ảnh: NG.TRIỀU - X.THIÊN



 

Cần nhiều giải pháp đồng bộ


Đó là ý kiến của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khi bàn về việc nâng cao chất lượng CBCC cấp xã, nhằm giúp các địa phương ngày càng phát triển và phục vụ tổ chức, người dân được tốt hơn.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để: “Chú trọng trẻ hóa đội ngũ cán bộ”

Trẻ hóa đội ngũ CBCC cấp xã; luân chuyển cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; lựa chọn những cán bộ có trách nhiệm đưa về cấp xã công tác để hỗ trợ nhân dân, nhất là trong phát triển sản xuất là mục tiêu xuyên suốt mà huyện Sơn Tây đang nỗ lực thực hiện từ nay đến năm 2020. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện quan tâm hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho CBCC cấp xã. Trong đó, ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực là cán bộ trẻ. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện đã tạo cán bộ nguồn cho các nhiệm kỳ tiếp theo là 32 đồng chí, trong đó ưu tiên luân chuyển về cơ sở công tác 18 đồng chí.
 
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Tịnh Lê Văn Thảo: “Còn bất cập trong chính sách luân chuyển công chức”

Mục đích của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm hạn chế tiêu cực ở những chức danh nhạy cảm như: Địa chính, tư pháp và tài chính. Tuy nhiên, theo quy định  5 năm phải thay đổi môi trường làm việc ảnh hưởng đến tâm lý, sự phấn đấu của công chức. Để thích nghi với công việc ở môi trường mới cần phải có thời gian. Ở cấp xã điều kiện để thực hiện việc quản lý, điều hành tốt nhất là phải gần dân, sát dân mới nắm bắt được địa bàn quản lý. Nếu luân chuyển một công chức ở xã khác đến thì phải mất nhiều thời gian để thích nghi, quen việc.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Tây Trà Lê Minh Vương: “Cần nâng cao chế độ đãi ngộ đồi với cán bộ, công chức cấp xã"

Hiện nay, toàn huyện Tây Trà có 198 CBCC cấp xã. Hầu hết CBCC đều đã đạt chuẩn theo quy định. Do đặc thù miền núi, nên việc tiếp cận với các chính sách, giải quyết các thủ tục hành chính của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, CBCC xã phải “cầm tay chỉ việc” cho dân. Điều này đã phần nào tạo sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ với nhân dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ CBCC xã trên địa bàn còn yếu. Do đó, ngoài các lớp bồi dưỡng, đào tạo của huyện, thì các cấp, ngành cần có thêm chính sách, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC xã. Ngoài ra, cần nâng cao chế độ đãi ngộ đối với CBCC cấp xã ở miền núi.  

Chủ tịch UBND xã Sơn Long (Sơn Tây) Đỗ Thanh Vượt: “Cán bộ, công chức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm"

Những năm trước, cứ vào vụ hè thu thì người dân trong xã thường bỏ đất hoang. Để thay đổi tập quán này, vụ hè thu năm 2017, tôi thuê 3.000m2 đất của dân để trồng bắp. Ngay khi bắp đến kỳ thu hoạch cho năng suất cao, tôi cùng cán bộ xã mời dân đến tham quan mô hình và tuyên truyền cho người dân không bỏ đất hoang trong vụ hè thu. Thấy được hiệu quả kinh tế, nên trong vụ hè thu năm 2018 này, rất nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng bắp. Dẫn chứng điều này để thấy, CBCC cấp xã phải nâng cao trách nhiệm, gần dân, hiểu dân, phải gương mẫu đi đầu để bà con noi theo chứ không thể nói suông.


H.ANH - X.BẢO
(lược ghi)

 


 


.