Tránh bị động trong đầu tư công

09:04, 02/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, nhưng khi được cấp vốn, nhiều dự án lại kéo dài, khiến cho vốn đầu tư không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn trải cũng làm cho hiệu quả đầu tư công không đạt như mong muốn.

TIN LIÊN QUAN

Làm gì để tăng tính hiệu quả đầu tư công, giảm áp lực cho nguồn lực đầu tư... là điều tỉnh cần thực hiện sớm.

Nhiều dự án phải thu hồi vốn

Trong danh mục các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2021, có nhiều dự án quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai, một số dự án lại giải ngân không hết vốn. Để “giải cứu” nguồn vốn "tồn đọng", UBND tỉnh phải ra quyết định thu hồi, điều chuyển sang các dự án khác có khối lượng công việc hoàn thành lớn, để giải ngân.

Bên cạnh các dự án trọng điểm, trong giai đoạn 2017-2021 nguồn vốn đầu tư công phải tập trung cho dự án cầu Cửa Đại.
Bên cạnh các dự án trọng điểm, trong giai đoạn 2017-2021 nguồn vốn đầu tư công phải tập trung cho dự án cầu Cửa Đại.


Đơn cử như dự án Công trình hoạt động thanh, thiếu nhi Tỉnh đoàn, do khối lượng thực hiện đạt thấp, nên UBND tỉnh phải thu hồi hơn 3 tỷ đồng, để điều chuyển sang dự án khác.
 

Giải ngân chậm phải điều chuyển vốn sang dự án khác

Để đảm bảo công tác đầu tư công hiệu quả, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện và đảm bảo công tác giải ngân, để tăng hiệu quả đầu tư công. Đối với các dự án khởi công mới, phải đẩy mạnh công tác GPMB, hoàn chỉnh các bước thủ tục đầu tư để triển khai khởi công chậm nhất trong quý II/2018 và phấn đấu đến 31.1.2019 giải ngân 100% vốn được giao. Riêng các dự án chuyển tiếp từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chậm nhất đến 30.11.2018 phải giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn. Với các chủ đầu tư, trong 3 tháng liên tiếp tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của tỉnh, thì phải có phương án xử lý hiệu quả. Trong đó, điều chỉnh kế hoạch từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.

Tương tự là dự án xây dựng 8 khu tái định cư, tái định canh do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, đến ngày 15.11.2017, chủ đầu tư vẫn còn hơn 30 tỷ đồng không thể giải ngân hết, trong khi đây là nguồn vốn “đáo hạn” phải xin lại sau khi đã được chuyển tiếp.

Để “gỡ” số tiền trên, tỉnh phải thu hồi và điều chuyển sang hai dự án đã có chủ trương đầu tư, cũng như tăng tốc tiến độ thi công các công trình, để có khối lượng đảm bảo cho công tác giải ngân. Bởi nếu không giải ngân được, thì Trung ương sẽ thu hồi. Tuy vậy, nguồn vốn này vẫn không thể giải ngân hết trong năm 2017, nên bị “rớt” lại khoảng 600 triệu đồng.

Không chỉ hai dự án trên mà rất nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kế hoạch vốn, cũng như kế hoạch đầu tư trung hạn của tỉnh.

Còn bị động trong phân bổ vốn

Nguồn vốn đầu tư công chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu hằng năm của tỉnh và phân bổ của Trung ương. Song, nhiều dự án dù được đưa vào kế hoạch trung hạn vẫn không thực hiện được, bởi nguồn vốn không đáp ứng đủ. Trong khi đó tỉnh còn phải “chia lửa” cho một số dự án cấp bách, khiến nhiều dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn không thể thực hiện.

Dự án đập ngăn mặn sông Trà Bồng, ban đầu nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Tuy nhiên, khi dự án thép Hòa Phát đầu tư tại KKT Dung Quất, thì dự án này cần phân bổ vốn để đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, dự án cảng Bến Đình (Lý Sơn), theo thiết kế ban đầu có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, nên tỉnh rút tổng vốn đầu tư dự án xuống còn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đội vốn hơn 50 tỷ đồng.

Cầu Thạch Bích là một trong những dự án đang cần vốn để hoàn thành.
Cầu Thạch Bích là một trong những dự án đang cần vốn để hoàn thành.


Đối với dự án Tỉnh lộ 623B đi suối nước nóng Nghĩa Thuận, khi thu hút dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng tắm bùn khoáng suối nước nóng Nghĩa Thuận, tỉnh phải bố trí 70 tỷ đồng để đầu tư tuyến đường này. Dù khi lập kế hoạch vốn các dự án đầu tư trung hạn, thì dự án này không có trong danh mục đầu tư, nhưng khi thu hút nhà đầu tư, thì tỉnh phải xoay xở để bố trí đủ vốn mở đường phục vụ nhà đầu tư.

Bài, ảnh: NGỌC QUANG


 

Siết chặt quản lý để tăng hiệu quả đầu tư công

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Trọng liên quan đến quá trình phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ông Trọng cho biết, hiện nay việc phân bổ vốn đầu tư chủ yếu là tập trung cho các dự án nằm trong danh mục đầu tư trung hạn. Tuy nhiên, tùy theo thực tế có thể điều chỉnh danh mục đầu tư đối với từng dự án cụ thể. Quá trình sắp xếp danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và chủ yếu tập trung vào những dự án đã khởi công, để các dự án này sớm hoàn thành theo kế hoạch. Đối với những dự án khởi công mới, nếu nguồn vốn cần bố trí cho những dự án phát sinh trong thực tế, thì phải “ngắt” lại và phân bổ sau. Nhưng dù phân bổ thế nào thì việc theo dõi tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án sẽ được siết chặt hơn.

PV: Vốn đầu tư công mỗi năm được phân bổ theo nghị quyết của HĐND tỉnh, dường như nguồn vốn để thực hiện các dự án khởi công mới quá ít?

Ông NGÔ VĂN TRỌNG: Về nguyên tắc, nguồn vốn đầu tư công mỗi năm phải ưu tiên bố trí vốn trả nợ công, bảo đảm vốn cho dự án chuyển tiếp, vốn cho dự án ODA và các dự án PPP. Sau khi đáp ứng tất cả các vấn đề trên, mới xem xét các dự án khởi công mới. Thế nhưng, khi phát sinh dự án có tính cấp bách, quan trọng, thì phải ưu tiên bố trí vốn, bởi nếu không thực hiện sẽ không đáp ứng nhu cầu phát triển trong thực tế. Ngoài ra, trung ương có quy định hạn chế khởi công mới mà tập trung vốn cho các dự án đang thực hiện để đủ điều kiện sớm hoàn thành.

Cũng xin nói thêm, việc “cắt” các dự án nằm trong danh mục đầu tư trung hạn không phải không thực hiện, mà vì nguồn lực hiện nay có hạn, nên phải phân bổ sao cho hợp lý, để tránh tình trạng dàn trải nguồn vốn đầu tư.

PV: Dường như có quá nhiều dự án phát sinh khiến cho nguồn vốn đầu tư công trung hạn bị động?
Ông NGÔ VĂN TRỌNG: Tất nhiên là có. Trong quá trình thực hiện chúng tôi có dự lường, nhưng nhiều khi vẫn bị động, bởi những dự án đầu tư cấp bách phát sinh mà tỉnh chưa thể dự đoán hết được. Và đã là dự án cấp bách thì phải ưu tiên làm trước, nên có thể chi “vượt khung”, để dự án đó hoàn thành sớm. Điều này làm cho một số dự án nằm trong kế hoạch chưa thể thực hiện được.

PV: Để nâng cao chất lượng đầu tư công năm 2018 và những năm tới, tỉnh cần làm gì, thưa ông?

Ông NGÔ VĂN TRỌNG: Trước hết, phải tuân thủ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, bởi kế hoạch này đã được  thông qua. Trong kế hoạch đầu tư công cần xác định rõ: Năm nào? Dự án nào khởi công mới? Được bố trí bao nhiêu tiền?... và theo đó thực hiện. Tuy nhiên, thực tế nguồn lực đầu tư còn phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách. Bởi nếu nguồn thu ngân sách không đạt chỉ tiêu đề ra, thì không thể bố trí được. Và thực tế hai năm 2016 - 2017, trung ương bố trí vốn đầu tư công cho tỉnh chỉ xấp xỉ 70% kế hoạch vốn trung hạn đã phê duyệt.

Riêng năm 2018, công tác giao kế hoạch vốn sớm hơn năm 2017, thủ tục đầu tư làm chủ động hơn. Đến cuối tháng 12.2017, cơ bản phê duyệt dự án xong và khi có vốn là tổ chức đấu thầu, để triển khai thi công. Ngay từ đầu tháng 3, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường giải ngân sớm, nên đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư công năm 2018 đã giải ngân đạt khoảng 6%.

Đến ngày 15.11.2018, nếu dự án nào còn vốn mà chưa giải ngân hết, thì sẽ cắt và điều chuyển. Với cách làm này, tôi tin đến tháng 11.2018 về cơ bản tỉnh sẽ giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2018.

 LÊ ĐỨC (thực hiện)

 

 


.