Cần sớm có giải pháp cho các cơ sở dạy nghề

06:03, 11/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng kiên cố, mua sắm trang thiết bị hiện đại, song nhiều trung tâm dạy nghề trong tỉnh lại vắng bóng học viên. Vậy đâu là lời giải cho thực trạng đó?

TIN LIÊN QUAN


Đầu tư không theo nhu cầu

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Lý Sơn được xây dựng trên diện tích 5.000m2, gồm: 4 phòng dạy nghề, 6 phòng học, dãy nhà hiệu bộ, tường rào cổng ngõ, với tổng kinh phí đầu tư 14,8 tỷ đồng. Sau đó, trung tâm được Sở LĐ-TB&XH đầu tư thêm hơn 2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy nghề và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Song, từ ngày hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, cơ sở vật chất của trung tâm vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.

Nhiều thiết bị dạy học ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lý Sơn bị bỏ không.
Nhiều thiết bị dạy học ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lý Sơn bị bỏ không.


Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lý Sơn Trần Ngọc Bích, cho biết: Trung tâm có chức năng đào tạo các ngành nghề, gồm: Điện dân dụng, chăn nuôi, chế biến thủy sản, trồng trọt, nghiệp vụ du lịch, lễ tân nhà hàng. Tuy nhiên, từ tháng 9.2013 đến nay, trung tâm chỉ đào tạo được gần 300 học viên (chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ du lịch). Riêng năm 2016, không có học viên nào đăng ký học. Lý giải vấn đề này, ông Bích nói: Nhu cầu học nghề của người dân trên đảo không nhiều; nhiều ngành nghề đào tạo chưa thật sự phù hợp với thực tế địa phương, dẫn đến không thu hút được người học. Điều này khiến nhiều trang thiết bị, dụng cụ dạy nghề của trung tâm bị xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí nghiêm trọng.

"Việc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lý Sơn có rất ít học viên theo học trong nhiều năm là sự lãng phí cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn ngân sách của huyện cấp hằng năm. Vì không những phải trả lương cho 2 viên chức trong biên chế mà còn có 7 người trong diện hợp đồng. Huyện đã có đề án kiến nghị với cơ quan chức năng của tỉnh xin giải thể hoặc sáp nhập trung tâm vào Trường THPT Lý Sơn. Như vậy mới khai thác hiệu quả cơ sở vật chất của trung tâm. Ở Lý Sơn, nếu đào tạo nghề thì tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nghiệp vụ du lịch".
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn
NGUYỄN VIẾT VY
"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở đào tạo nghề, do đó, cần có sự sắp xếp, phân công lại cho phù hợp. Ví dụ, đơn vị nào có thế mạnh ở ngành nghề nào nên tập trung vào đào tạo ở ngành nghề đó. Các cơ sở cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu nhà trường với người học, với xã hội bằng chất lượng sản phẩm “đầu ra”. Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, một trong những định hướng mà các cơ sở đào tạo cần làm là, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng của doanh nghiệp. Có như thế, học viên ra trường mới có cơ hội tìm việc làm nhiều hơn".
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng
NGUYỄN XUÂN BẮC

 


Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu (TTDNKM) huyện Sơn Tịnh cũng không khá hơn. Đây là một trong 10 TTDNKM trên toàn quốc, được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư thí điểm giai đoạn 2012 - 2015. Trung tâm thành lập nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc tại các xí nghiệp, công ty ở KCN VSIP và KCN Tịnh Phong... Theo đó, trung tâm được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 38 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề là 33,8 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sau khi rót về 10,3 tỷ đồng để đầu tư, thì nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề bị "khóa sổ", nên chủ đầu tư không tìm ra được nguồn vốn thay thế. Vì thế, công trình khởi công vào tháng 8.2013, thì đến tháng 3.2014 phải tạm dừng thi công, do hụt vốn.

Theo kế hoạch ban đầu, cuối năm 2014, TTDNKM huyện Sơn Tịnh sẽ đưa vào hoạt động, nhưng mục tiêu đó không hoàn thành, công trình xây dựng dở dang, phơi nắng mưa từ nhiều năm nay, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, được sự đồng ý của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 2.12.2016, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 213/QĐ-UBND về việc chuyển giao Dự án TTDNKM từ Sở LĐ-TB&XH cho Trường CĐ Công thương TP.Hồ Chí Minh với mục tiêu là có kinh phí trả nợ cho nhà thầu xây dựng và tiếp tục thi công, đưa công trình vào sử dụng, nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất đã được ngân sách đầu tư.
 

Khi học nghề là lựa chọn cuối cùng

Hiện nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người học. Nguyên nhân do phần lớn phụ huynh, học sinh đều có chung tâm lý không theo học được trường chuyên nghiệp nào thì mới đăng ký học nghề. Em Nguyễn Thị Thu Uyên, học sinh một trường THPT trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, cho biết: Năm nay, em đăng ký thi vào Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh và cũng chưa nghĩ đến việc đăng ký học ở trường nghề. Theo Uyên, học đại học mới có cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định.  

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT ngày 19.10.2015 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Quảng Ngãi đã sáp nhập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm GDNN - GDTX và giao cho các huyện quản lý về tài chính và con người; còn các sở ngành quản lý về chuyên môn.

Theo các chuyên gia giáo dục, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, từng bước khẳng định vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề phải tự khẳng định giá trị với xã hội bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, để người học ra trường có việc làm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH

 

Chỉ đào tạo nghề thì khó duy trì sự tồn tại

Đó là chia sẻ của ông Phạm Hoàng Ngọc Khôi - Giám đốc Trường CĐ Công thương TP.Hồ Chí Minh- Cơ sở Quảng Ngãi về giải pháp đưa các trung tâm dạy nghề đi vào hoạt động.

Theo ông Khôi, sau khi hoàn thiện dự án, Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu (TTDNKM) huyện Sơn Tịnh sẽ trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học kết hợp với việc đào tạo nghề. Có như vậy, trung tâm mới phát triển được, chứ chỉ đào tạo nghề thì rất khó khăn. Trung tâm ra đời sẽ phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào đào tạo, sản xuất phục vụ đời sống, nhất là trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp thực phẩm, y - dược tạo nền sản xuất xanh - sạch; bảo vệ sức khỏe người dân,  nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của Quảng Ngãi.

PV: Xin ông cho biết, sau khi nhận bàn giao, TTDNKM huyện Sơn Tịnh đã được trường đầu tư như thế nào?

Ông PHẠM HOÀNG NGỌC KHÔI: Khi tiếp nhận dự án đang đầu tư dở dang (thi công được 30 - 35%) và các hạng mục để ngoài trời nhiều năm, nên đã xuống cấp rất nhiều. Trường đã thuê tư vấn rà soát tất cả các hạng mục xây dựng và điều chỉnh lại thiết kế các hạng mục công trình, đến tháng 12.2017 công trình đã được đầu tư đạt trên 70%. Dự kiến đến tháng 8.2018, trung tâm sẽ được hoàn thiện tất cả các hạng mục còn lại của dự án để đưa vào hoạt động theo đúng cam kết của nhà trường với UBND tỉnh.

PV: Định hướng phát triển cụ thể của trung tâm là gì, thưa ông?

Ông PHẠM HOÀNG NGỌC KHÔI: Khi trung tâm đi vào hoạt động (khoảng tháng 8.2018), trường vạch ra 3 dấu mốc lớn. Đó là, trong năm 2018, trung tâm tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, sản xuất một số loại nấm ăn, dược liệu; giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tiếp tục sản xuất các loại rau, nấm ăn, nấm dược liệu (linh chi, đông trùng hạ thảo...), cung ứng giống cây trồng, nghiên cứu trồng các loại cây dược liệu, đào tạo chuyển giao công nghệ; giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục đẩy mạnh hệ thống sản xuất và công tác chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung nghiên cứu, sản xuất thực phẩm chức năng từ cây dược liệu, đẩy mạnh công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật...

PV: Vậy việc đào tạo nghề sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông PHẠM HOÀNG NGỌC KHÔI: Theo đề án phát triển công nghiệp, thì nhu cầu sử dụng lao động tại các KCN của tỉnh trong thời gian đến là rất lớn. Vì vậy, ngoài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất, đào tạo chuyển giao công nghệ theo hướng công nghệ sinh học, trường sẽ tiếp tục đầu tư trung tâm thành khu đào tạo ngắn hạn các ngành: Kỹ thuật điện - điện tử, điện công nghiệp, cơ khí, da giày, may công nghiệp, viễn thông... và các hạng mục phụ trợ khác, để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho KCN VSIP và các KKT, KCN của tỉnh. Trường vẫn thực hiện mục tiêu đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho các công ty, xí nghiệp có nhu cầu; đồng thời liên kết với các đơn vị tìm đầu ra cho học viên.


NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)

 


 


.