Đề án "Mỗi xã một sản phẩm": Cần một quyết tâm cao

05:12, 17/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cả nước đang tích cực xây dựng đề án quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” để phê duyệt, đưa vào thực hiện. Đây là đề án nhiều ý nghĩa, song với Quảng Ngãi để đề án thành công, cần phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao.

Nơi vui mừng, chỗ băn khoăn

Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ngãi đang khẩn trương điều tra, khảo sát về sản phẩm, các tổ chức kinh tế, quy hoạch... để phục vụ việc xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trưng bày, bán sản phẩm mây tre đan từ cây lồ ô của huyện Tây Trà tại phiên chợ hàng Việt.
Trưng bày, bán sản phẩm mây tre đan từ cây lồ ô của huyện Tây Trà tại phiên chợ hàng Việt.


Với Quảng Ngãi, việc xây dựng đề án “mỗi xã một sản phẩm” vừa là niềm vui, vừa là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều địa phương. Những vùng đồng bằng, trung du, người dân đã và đang sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, nhưng chưa có cơ hội để phát triển thành sản phẩm hàng hóa thì rất vui mừng. Chẳng hạn như vùng trồng cây ăn trái Nghĩa Hành, hiện tại người dân nhiều xã đã xác định cây chôm chôm, sầu riêng là “sản phẩm địa phương” để có giải pháp nỗ lực nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, chờ đợi cú huých từ đề án nâng lên thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tại huyện đảo Lý Sơn, lâu nay hành, tỏi là sản phẩm nổi tiếng cả nước. Sau khi xác định lại “sản phẩm địa phương” sẽ có chiến lược bảo tồn, phát triển đúng hướng, giữ vững niềm tin tiêu dùng trong cộng đồng.

Với huyện miền núi Sơn Hà, sau khi có chủ trương xây dựng đề án “mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện đã mở diễn đàn tiếp thu ý kiến của đông đảo người dân để xác định đúng, trúng sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: “Khi các xã xác định sản phẩm, có thể nhiều xã cùng chọn một sản phẩm. Khi ấy huyện sẽ tập hợp lại và tổ chức theo cách “sản phẩm liên xã”. Địa phương rất hy vọng đề án sẽ tạo ra cú huých thực sự cho phát triển kinh tế nông thôn”.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sản phẩm địa phương của Quảng Ngãi phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ. Nhiều mặt hàng là sản phẩm đặc trưng của địa phương nhưng lại chỉ kéo dài chừng vài ba tháng, nên để phát triển thành sản phẩm tiêu biểu, có thể giới thiệu, quảng bá, phát triển thành sản phẩm hàng hóa là điều không thể.

Ngoài ra, với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều sản vật khi được phát hiện đã bị tư thương thu mua, tranh mua, tranh bán, dẫn đến khai thác tận diệt, có nguy cơ cạn kiệt. Đơn cử như huyện Sơn Tây, sau khi sâm cau được phát hiện, khai thác để ngâm rượu thì ồ ạt tư thương quảng bá “giá trị sâm cau” và đến tận các làng đặt cọc tiền để người dân lên rừng khai thác về bán cho họ, khiến sâm cau ở huyện này đang cạn kiệt.

Kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới

Phong trào “mỗi xã một sản phẩm” hiện tại được triển khai khá hiệu quả ở Quảng Ninh trong giai đoạn 2013 – 2016. Nguyên nhân được phân tích chủ yếu là nhờ vào sự tham gia đầy đủ của các “nhà": Khoa học, nhà nông, nhà chính sách, đặc biệt là Nhà nước với hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, đánh giá các sản phẩm chủ lực, truyền thống, đặc trưng mang tính chất vùng xã, liên xã, các sản phẩm mang đặc trưng cả tỉnh.

Trên cơ sở phát triển sản phẩm, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và trên 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã, đưa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương được đầu tư, khai thác có hệ thống. Theo thống kê, doanh số bán hàng trong 3 năm qua từ phong trào này của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 670 tỷ đồng, vượt gấp 3 lần so với đề án đặt ra.

  Giới thiệu, bán sản phẩm hành tím Lý Sơn tại  hội  nghị  kết nối cung cầu - Quảng Ngãi 2017.
Giới thiệu, bán sản phẩm hành tím Lý Sơn tại hội nghị kết nối cung cầu - Quảng Ngãi 2017.


Tại Quảng Ngãi, trước khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo triển khai xây dựng đề án “mỗi xã một sản phẩm”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã có văn bản gợi ý các địa phương triển khai các mô hình phát triển cây, con, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong đó, ngoài mô hình chăn nuôi bò, heo, trâu, các huyện còn được chỉ rõ một số mô hình đặc trưng như Minh Long là cây chè, Sơn Tây chọn cá tầm...

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế dựa vào các mô hình kinh tế này hiện nay vẫn nhiều bấp bênh. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân – chủ thể của các mô hình vẫn chưa nhận thức đúng vấn đề. Sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là những cán bộ chuyên trách hỗ trợ nông hộ chưa kịp thời. Và sau nhiều năm loay hoay, cả tỉnh hiện nay vẫn chưa có nhiều vùng chuyên canh. Đối với miền núi, ngoại trừ Sơn Hà, thì 5 huyện còn lại vẫn chưa có vùng chuyên canh rau màu và vẫn chủ yếu là phát triển cây keo, cây mì theo kiểu tự phát như lâu nay.

Khu vực nông thôn Quảng Ngãi có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là nơi sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Nơi đây có các nghề thủ công truyền thống và có nguồn lao động khá dồi dào. Việc xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm” là cần thiết, nhằm khơi dậy tinh thần "khởi nghiệp" của đội ngũ nông dân hiện nay. Tuy nhiên, để thành công, cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học với sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của chính quyền và ngành chức năng. Một ý nghĩa khác của “Đề án mỗi xã một sản phẩm” mang lại đó là điều hòa dân cư. Một khi cuộc sống nông hộ có nhiều chuyển biến, thu nhập từ làm nông, làm nghề truyền thống có thể sống tốt thì sẽ khắc phục,  hạn chế nông dân ly hương đến các thành phố lớn làm ăn.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền: "Mục tiêu của đề án này là tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn là xu thế mới hiện nay. Qua đó hướng đến xây dựng sản phẩm của 3 cấp: Sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm cấp huyện, xã mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu".

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Vinh: “Sơn Tịnh hiện có nhiều sản phẩm đặc trưng bao gồm cả sản phẩm công nghiệp, công nghiệp nông thôn và nông sản. Trong đó có mặt hàng dưa hấu đã xuất khẩu nhiều năm nay. Tuy nhiên, để xây dựng đề án “mỗi xã một sản phẩm” và triển khai thực hiện thành công cũng không phải dễ dàng. Có thể chọn, xây dựng thì dễ nhưng đưa sản phẩm đó phát triển bền vững, trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế nông thôn còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó lo nhất là đầu ra cho sản phẩm. Một sản phẩm tiêu biểu phải gắn liền với đầu ra thuận lợi, lợi nhuận kinh tế cao. Cái này thì cực kỳ khó trong bối cảnh hiện nay”.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Tây Bùi Đức Thạch: “Nghe đề án này triển khai thì địa phương phấn khởi. Tuy nhiên xét lại thì thấy trên địa bàn tuy có sản phẩm đặc trưng, về hình thức có thể đăng ký là sản phẩm tiêu biểu của xã như sâm cau, ớt xanh, gạo lúa rẫy... Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm không mang tính hàng hóa, việc khai thác đưa ra thị trường lâu nay mang tính tự phát nhỏ lẻ. Hơn nữa, nếu xây dựng là sản phẩm tiêu biểu của địa phương thì phải có quy hoạch cụ thể sản xuất, đăng ký chất lượng sản phẩm. Nếu đăng ký ồ ạt theo phong trào, không tính toán cho phát triển trong tương lai thì sẽ thất bại”.


THANH NHỊ (thực hiện)

 

 


.