Chỉnh trang lại vỉa hè đường Hùng Vương: Cần sự đồng thuận cao

01:11, 03/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để chỉnh trang đô thị, đối với tuyến phố Hùng Vương (đoạn từ Phan Đình Phùng đến ngã tư Bồ Đề), TP.Quảng Ngãi sẽ bứng, chặt bỏ rất nhiều cây xanh lớn dọc hai bên vỉa hè và trồng lại cây mới, đồng thời nâng cấp lại vỉa hè, hệ thống thoát nước...

Tuy nhiên, việc bứng, chặt bỏ cả trăm cây xanh trên tuyến đường cần có sự đồng thuận cao của người dân, các đơn vị chức năng và phải phù hợp với thực tiễn.

Sẽ chặt bỏ, di chuyển 159 cây xanh

Hệ thống vỉa hè, cống thoát nước trên tuyến đường Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng cách đây hơn 20 năm, đến nay đã xuống cấp, không thể tiêu hết lượng nước mưa, gây nên cảnh ngập cục bộ tại nhiều điểm. Riêng hệ thống cây xanh trên tuyến được trồng khá lâu và có quá nhiều chủng loại, khiến tuyến phố “chưa đẹp”.

Trước thực trạng trên, UBND TP.Quảng Ngãi quyết tâm chỉnh trang đô thị bằng việc đầu tư lại hệ thống thoát nước, vỉa hè và trồng cây xanh mới, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, để chỉnh trang tuyến phố có đến 84 cây xanh buộc phải bứng, di chuyển trồng ở nơi khác, 75 cây buộc phải chặt bỏ và chỉ để lại duy nhất cây xà cừ tại nút giao với đường Trần Hưng Đạo.

 Để chỉnh trang đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi sẽ cho bứng, đốn hạ 159 cây xanh các loại.
Để chỉnh trang đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi sẽ cho bứng, đốn hạ 159 cây xanh các loại.


Người dân sống dọc hai bên tuyến phố đều tỏ ra rất phấn khởi khi TP.Quảng Ngãi thực hiện chỉnh trang lại vỉa hè. Ông Nguyễn Đức Tưởng, ở tổ 6, phường Trần Phú cho rằng, việc chặt bỏ một số cây xanh lớn tuổi, không còn phù hợp, vì rễ cây gây hư hỏng nhà cửa, hoặc bứng đi nơi khác trồng để làm mới vỉa hè là rất cần thiết. “Việc chỉnh trang đô thị sạch sẽ, thông thoáng và hết cảnh ngập úng cục bộ là cần thiết.

Chúng tôi rất đồng tình với cách làm của TP.Quảng Ngãi”, ông Tưởng nói. Còn bà Lê Thị Diệu Nhi, phường Trần Hưng Đạo thì cho rằng, việc TP.Quảng Ngãi chọn phương án chặt bỏ và bứng số cây hiện tại, làm mới vỉa hè và trồng cây khác cùng chủng loại, để tuyến phố đẹp hơn là phù hợp với nguyện vọng của người dân.
 

"Đường Hùng Vương là một trong những tuyến đường trung tâm, lâu đời của đô thị Quảng Ngãi. Vì thế, để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trong việc chỉnh trang lại vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh trên tuyến, thành phố đã tham khảo ý kiến người dân, các cơ quan, đơn vị hai bên đường và đều nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, việc cùng lúc di dời, đốn hạ nhiều cây xanh như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tâm tư của cộng đồng. Do vậy, chúng tôi cần có sự góp ý rộng rãi của người dân, chuyên gia để khi thực hiện phù hợp với danh mục quy hoạch cây đô thị. Nếu nhận được sự đồng thuận của người dân và các tổ chức, tôi tin việc chỉnh trang sẽ góp phần tạo bộ mặt mới cho đô thị Quảng Ngãi".
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi PHẠM TẤN HOÀNG

Tuy nhiên, việc cùng lúc bứng, hạ 159 cây xanh trên tuyến phố lớn trong khi mật độ cây xanh trên địa bàn TP.Quảng Ngãi còn ít, nên cũng có những ý kiến cho rằng việc làm này chưa ổn. Bởi chi phí để làm rất lớn, cộng với đó là số cây trồng mới sẽ mất thời gian khá lâu mới có bóng mát.

Lắng nghe, tiếp thu để thực hiện cho phù hợp

Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, việc chọn phương án đốn hạ và bứng, di chuyển một số cây đến vị trí trồng mới là cần thiết. Bởi hệ thống cây xanh trồng trước đây rất lộn xộn, không ngay hàng và nhiều chủng loại.

Trong khi đó, để chỉnh trang đô thị thì phải lát lại vỉa hè, làm mới hệ thống cống thoát nước, mà cây xanh hiện tại nằm chồng lên cống thoát nước, nên rất nhiều cây buộc phải đốn hạ, chứ không thể bứng được.

“Trước khi làm, chúng tôi cũng nghiên cứu, khảo sát và tính toán chi tiết, kể cả mời người dân sống hai bên đường, các cơ quan hành chính dọc hai trục đường để lấy ý kiến. Thực tế, dưới nền vỉa hè hiện hữu có rất nhiều hạ tầng cáp quang nên để đào, bứng cây di dời đi nơi khác là rất khó. Có những cây không bứng được, hoặc bứng nhưng trồng không sống, như hai cây xoài trước cổng UBND TP.Quảng Ngãi, hoặc hàng cây đuôi công. Đối với các cây như phượng, muồng, bằng lăng... sẽ cho di dời và tìm vị trí thích hợp để trồng, dù chi phí di dời đắt gấp nhiều lần so với trồng mới”, ông Nguyên nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi bứng hạ số cây đang tồn tại trên tuyến đường Hùng Vương, sẽ trồng hai bên vỉa hè hai hàng cây lộc vừng. Lý do TP.Quảng Ngãi chọn loại cây này là vì cây lộc vững có bóng mát rộng, chiều cao không lớn, nên không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống điện chiếu sáng. Đồng thời, người dân và các cơ quan hành chính trên tuyến cũng tán thành.

Theo ông Nguyên, chắc chắn việc phá bỏ hàng cây xanh tồn tại hàng chục năm giữa lòng đô thị sẽ có “lời ra tiếng vào”, nên thời gian tới sẽ có báo cáo thành ủy và các cơ quan chức năng. “Là cơ quan tham mưu trực tiếp trong phát triển đô thị, chúng tôi hạn chế tối đa việc chặt hạ cây xanh. Việc chỉnh trang lại vỉa hè tuyến đường Hùng Vương hiện tại mới chỉ là phương án và thành phố rất mong đón nhận nhiều ý kiến đóng góp, phản biện tích cực của người dân, cơ quan chuyên môn. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, tiếp thu ý kiến để có phương án, thực hiện phù hợp.

“Bên cạnh nỗi lo về dư luận khi thực hiện đốn hạ hàng cây, TP.Quảng Ngãi còn một nỗi lo nữa là đến giờ vẫn chưa tìm được phương án để trồng 84 cây xanh dự kiến sẽ bứng đưa đi nơi khác và con người, kinh phí ở đâu để chăm sóc”, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Nguyên cho biết.

Bài, ảnh: L.ĐỨC- P.DANH


 

Đốn hạ, bứng cả trăm cây xanh ở đô thị phải thận trọng

 

Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng xoay quanh việc TP.Quảng Ngãi chủ trương chỉnh trang đô thị đường Hùng Vương, trong đó buộc phải đốn hạ và bứng 159 cây xanh các loại.

“Cây xanh là “lá phổi” của đô thị, việc bứng, đốn hạ để chỉnh trang vỉa hè, hệ thống thoát nước và trồng mới đồng nhất một loại cây là cần thiết, nhưng phải thật thận trọng và cần có sự đồng thuận, thống nhất cao từ chủ trương đến người dân”, ông Hoàng nói.

PV: Để có sự đồng thuận của người  dân trong việc bứng, hạ cây xanh trên tuyến đường Hùng Vương theo ông cần làm những gì?

Ông NGUYỄN CÔNG HOÀNG: Việc trồng thay thế cây xanh đô thị phải triển khai hết sức thận trọng, trong đó phải đánh giá kỹ hiện trạng từng cây xanh hiện hữu, cây nào giữ lại, cây nào buộc phải thay thế (không chặt bỏ mà chỉ bứng dịch chuyển trồng ở nơi khác). Bên cạnh đó, lựa chọn cây trồng thay thế phù hợp với cảnh quan của tuyến đường và đặc biệt là phải đảm bảo vị trí trồng mới hợp lý hơn cây trồng cũ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bứng chuyển chi tiết, bứng cây nào trồng thay thế lại cây đó, không làm ồ ạt. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền, giải thích cụ thể, tạo sự đồng thuận cho người dân... Nếu triển khai thận trọng như vậy thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.

PV: Trong số 159 cây xanh phải thay thế thì có đến 75 cây bị chặt bỏ, điều này liệu có “gây sốc” với người dân?

Ông NGUYỄN CÔNG HOÀNG: Nếu thành phố đã triển khai một cách thận trọng các công việc nêu trên trước khi triển khai thực hiện dự án thì chắc chắn sẽ không có chuyện “gây sốc” với người dân. Tuy nhiên, ở đây tôi đề nghị không nên chặt bỏ mà chỉ bứng dịch chuyển trồng ở vị trí khác phù hợp đối với những cây bị thay thế, vì thực tế cây xanh nào dù xấu hay đẹp cũng đều góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan và có giá trị riêng của nó. Để có được một cây xanh như vậy mất rất nhiều thời gian chăm sóc, bảo vệ. Việc chặt bỏ là lãng phí và chắc chắn sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân.


NGỌC QUANG (thực hiện)

 


 


.