(Baoquangngai.vn)- Em Nguyễn Thị Bích Ngọc (17 tuổi) ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức), nay đau mai ốm sống cùng người mẹ bị khuyết tật ở chân phải chật vật vượt qua cái nghèo để gắng gượng theo đuổi giấc mơ con chữ…
Nghèo khổ gặp bạo bệnh
Nhắc đến hoàn cảnh của Ngọc, nhà trường và hàng xóm ai cũng thương cảm, xót xa. Gia đình Ngọc chỉ có 2 mẹ con, sống trong căn nhà xập xệ ở cuối con hẻm của thôn.
Ngọc thay mẹ nấu rượu kiếm thêm tiền chạy thuốc thang cho mẹ |
Trước đây, mẹ Ngọc, bà Nguyễn Thị Liêm (54 tuổi) là con út trong một gia đình nghèo khó, đông con. Bà sinh ra đã bị dị tật ở chân phải, khiến việc sinh hoạt rất khó khăn. Dù biết bản thân chịu nhiều thiệt thòi nhưng bà luôn khát khao một lần làm mẹ. Và mơ ước của bà đã trở thành hiện thực khi ở tuổi 37 bà sinh bé Ngọc.
Bà Liêm ánh mắt buồn nhìn đứa con đang loay hoay trong bếp tâm sự: “Nhiều người can ngăn tôi – họ cho rằng một người khuyết tật “chăm mình chưa xong” huống chi có thêm một đứa con. Hơn nữa đứa trẻ khi sinh ra có số phận giống tôi thì khổ cả hai mẹ con. Nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ con, vì đó là mong ước lớn nhất trong cuộc đời tôi, tới nay nó lớn thế rồi đấy”.
Mang nặng đẻ đau, sinh con ra trong nỗi mặc cảm, nhưng bù lại là niềm hạnh phúc của người mẹ. Từ đó, bà đã có thêm cô con gái tạo nên một gia đình, nơi có mẹ, có con, dù rau cháo qua ngày nhưng tin vào con mà sống.
Cuộc đời bà Liêm là những tháng ngày tảo tần với bao cơ cực để nuôi con. “May mắn là tôi còn đôi tay lành lặn, trước kia khi còn sống chung với mẹ, chỉ lo việc cơm nước và sinh hoạt cá nhân. Từ khi có bé Ngọc, phải lo chăm sóc cho bé, chăn nuôi gia súc, gia cầm để kiếm tiền nuôi con” – Bà Liêm chia sẻ.
Hiện tại bà Liêm và bé Ngọc sống trong căn nhà 3 gian tềnh toàng, không có gì quý giá ngoài bầy heo cùng đàn gà sau nhà. Bà Liêm tâm sự từ hồi sinh con, cuộc sống vất vả hơn nhưng đổi lại 17 năm qua bà luôn vui vẻ và hạnh phúc khi nhìn bé Ngọc đang dần khôn lớn.
Hai mẹ con Ngọc chăm sóc cho nhau. |
Mỗi tháng, mẹ con chị nhận được khoản trợ cấp hộ nghèo là bốn trăm nghìn đồng. Với số tiền này, bà Liêm phải chi tiêu rất tiện tặn. Những lúc trở trời, đau ốm phải nhập viện, bà vẫn luôn cần sự giúp đỡ của các anh, chị em trong gia đình và bà con làng xóm.
Biết được gia cảnh khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ của xã cũng đã cho bà vay vốn mua bầy heo, có cái duy trì nguồn thu nhập chính cho cuộc sống hai mẹ con.
Cách đây hơn nửa năm, bà Liêm đã nhận thấy những dấu hiệu “lạ” về tình trạng sức khỏe của mình. Chân trái là chân trụ thường ngày giúp bà có thể đi lại nhưng lại đau nhức âm ỉ, ngày càng teo đi. Nhưng vì thương đứa con hiếu thảo lại học giỏi nên bà âm thầm chịu đựng để Ngọc yên tâm học hành.
Nhiều lần Ngọc hỏi thăm sức khỏe, bà Liêm đều bảo rằng mẹ ổn, chỉ đau nhẹ. Nhưng chân trái của bà ngày càng teo đi, Ngọc cố gắng thuyết phục mẹ đi khám. Đi bệnh viện huyện rồi đến tỉnh, ra Đà Nẵng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Hai tháng trở lại đây, đôi mắt bà Liêm lại có dấu hiệu mờ đi. Bà không dám đi khám vì sợ lại nhập viện mổ mắt với chứng bệnh đục thủy tinh thể, vừa phải mất một khoản tiền lớn không biết xoay sở như thế nào, Ngọc lại chuẩn bị vào năm học mới, bà Liêm không muốn Ngọc phải lo lắng thêm điều gì.
“Nhiều lúc ngồi bất lực nhìn nó lúi húi làm mấy công việc nặng nhọc mà tôi quặn lòng, cố giấu nước mắt, chỉ dám nép mình một góc cửa nhìn con, sợ bé Ngọc nó thấy nó lại buồn tủi”- Bà Liêm ngậm ngùi, vội đưa tay lau nước mắt.
“Con sợ mẹ sẽ không nhìn thấy con nữa”
Lớn lên bằng tình thương yêu, bao bọc của mẹ, từ nhỏ, Ngọc đã sớm nhận thức những tủi khổ của mẹ và hoàn cảnh nghèo khó của gia đình. Ngọc không bao giờ đòi hỏi quần áo đẹp, sách vở mới, hàng xóm, láng giềng xung quanh cho gì thì em nhận nấy.
Ngọc 11 năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi |
Nhà cách trường khá xa nhưng ngày nào Ngọc cũng đi học đúng giờ. Cô học trò thân hình nhỏ nhắn này luôn trân trọng từng phút giây được đến trường. Ở nhà, Ngọc cố gắng làm hết các bài tập, soạn bài và học thuộc bài trước, đến lớp chăm chú nghe thầy cô giảng bài để nhớ bài được sâu hơn. Ham học nên từ lớp 1 đến giờ, em luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Sự học của Ngọc ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết khi cánh cửa đại học đang cận kề. Tiền thuốc thang cho mẹ, tiền học phí, bao nhiêu khoản phải chi tiêu cho sinh hoạt của cả nhà lúc bấy giờ chẳng biết trông cậy vào ai. Ngọc bèn nghĩ cách nhận giày về may, tranh thủ lúc tối. Mỗi chiếc giày, Ngọc kiếm thêm được 3.000 đồng- 4.000 đồng.
Mỗi ngày bước chân ra khỏi nhà đi học, Ngọc cứ thấp thõm không yên, vì hơn ai hết Ngọc biết rằng bệnh tình của mẹ đang chuyển biến ngày càng xấu.
“Mẹ bị dị tật chân phải, nay chân trái của mẹ cũng dần teo đi. Đêm về cơn đau nhức cứ hành hạ mẹ, vậy mà nay ngồi ăn cơm cùng mẹ, lúc thấy em, lúc không thấy em, chỉ mờ mờ. Em sợ mẹ sẽ không nhìn thấy em nữa - Giọng nghẹn lại, Ngọc hướng mắt nhìn ra con kênh đầu ngõ mỉm cười như dặn lòng, tự an ủi mình rằng mẹ sẽ không sao.
Nụ cười đó thật bình yên, nhẹ nhàng không giống như quãng đời mà bà Liêm- mẹ Ngọc và Ngọc đã trải qua. Mong rằng những chuỗi ngày còn lại, hai mẹ con Ngọc sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn như chính con kênh xanh yên ả trước cổng nhà …
Bài, ảnh: Phạm Tiên