(Baoquangngai.vn)- Bị suy thận nặng trong lúc mang bầu và được các bác sĩ khuyên phải bỏ thai nhi nhưng người mẹ nguyện đánh đổi cả mạng sống để con được chào đời. Những ngày tháng có con, người mẹ ấy lại rơi không biết bao nhiêu nước mắt khi đau đáu nghĩ về tương lai...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đã hơn 2 năm kể từ khi sinh đứa con đầu lòng, chị Phạm Thị Ngọc Giàu (34 tuổi) ngụ thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) vẫn đều đặn một tuần 3 lần đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi để chạy thận. Căn bệnh nan y đã khiến gia cảnh chị Giàu đã nghèo càng nghèo hơn, trong khi sức khỏe chị ngày càng đi xuống.
Đánh cược mạng sống vì con
Chị Giàu và chồng- anh Phạm Chí Hùng (36 tuổi) kết hôn với nhau từ năm 2008 khi họ cùng là công nhân cao su ở Bình Phước. Khi về ở chung một nhà, họ cùng dắt nhau lên Kon Tum đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Trong suốt thời gian 5-6 năm sau ngày cưới, chị Giàu cũng đã mang bầu 3-4 lần, nhưng lần nào đi khám, các bác sĩ cũng bảo thai nhi không có tim thai nên phải bỏ.
Mãi đến giữa năm 2014, trong lúc đang đi làm thuê, phát hiện mình có bầu nên chị Giàu vội vàng cùng chồng đi khám và nhận được tin vui. Thế nhưng, mang bầu đến tháng thứ 3, khắp người chị Giàu ngứa ngáy, cơ thể sưng phù. “Hai vợ chồng lo lắng quá nên cùng đưa nhau xuống Bệnh viện Chợ Rẫy khám. Khám xong bác sĩ thông báo tôi bị suy thận rất nặng và khuyên phải bỏ thai nhi, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Nghe xong tay chân tôi bủn rủn, đi cũng không nổi”- chị Giàu nhớ lại.
Chị Giàu đã vất vả đấu tranh với bệnh tật để đứa con trai bé bỏng được chào đời. |
Với niềm mong mỏi có con từ lâu, chị Giàu bàn với chồng phải giữ con bằng mọi giá, kể cả đặt cược với tính mạng của mình. Trước quyết tâm của chị Giàu, các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đồng ý với tâm nguyện giữ con lại, nhưng yêu cầu chị Giàu phải nhập viện điều trị.
Với những bệnh nhân khác, chỉ lọc máu ba lần/tuần và màng lọc thay sau mỗi ba lần, nhưng chị Giàu là trường hợp đặc biệt buộc phải lọc máu đến sáu lần/tuần và chỉ dùng màng lọc một lần, dù chi phí tăng. Nhìn khát vọng sống và khát khao mong chờ đứa con của bệnh nhân, của gia đình, các bác sĩ đều quyết tâm đi đến cùng.
Vì không có tiền nằm viện nên hai vợ chồng xin ở trọ bên ngoài. Hàng ngày vợ chồng chị nhận cơm từ thiện sống đỡ qua ngày. Mãi đến tháng thứ 6, vì không chịu nỗi nên chồng chị đưa vào viện nằm và các bác sĩ chỉ định phải mổ gấp mới cứu được con.
Sau khi sinh, chị Giàu bất tỉnh, còn đứa con trai vừa chào đời vì chưa đủ tháng nên cũng chỉ tròn 8 lạng. Nằm lồng kính được 2 tháng, con trai chị được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để được điều trị mắt vì nguy cơ cháu bị hư mắt do nằm lồng kính quá lâu. Còn chị vẫn tiếp tục nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy để được chạy thận.
Xen vào câu chuyện của vợ, anh Phạm Chí Hùng, chồng chị Giàu kể: “Lúc đó là quãng thời gian khó khăn nhất của hai vợ chồng. Tôi vừa phải chạy qua chăm con, vừa chạy qua chăm vợ. Buổi trưa, chiều đi xin cơm, tối đến nằm ở các hành lang, vỉa hè bệnh viện. Suốt quảng thời gian hơn 1 năm trời, mãi đến cuối năm 2015, hay tin ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có máy chạy thận, hai vợ chồng mới ôm con, xin về để được ở gần nhà điều trị”.
Nếu mai này, mẹ không còn nữa...
Để chuẩn bị cho cháu ngoại chào đời và nuôi con trọng bệnh ở phương xa, bà Đỗ Thị Được, mẹ ruột chị Giàu chạy vạy được 20 triệu đồng mang vào làm chi phí. Nhưng số tiền ấy như hạt cát nhỏ bé trong sa mạc mênh mông. Tích tắc đã chẳng còn đồng nào.
“Nghe bà con nói ở Quảng Ngãi cũng có máy chạy thận nên tôi mới đưa hai mẹ con về. Tôi cũng nói với nó, thôi thì bệnh của con, con có chết ở Quảng Ngãi mẹ cũng đỡ, chứ con chết ở xa, mẹ lấy gì đưa con về, lấy gì mẹ nuôi cháu khôn lớn”- bà Được ngậm ngùi chia sẻ về bất hạnh của gia đình.
Ngôi nhà cũ của gia đình chị Giàu. |
Cũng theo lời bà Được, kể từ khi được đưa về Quảng Ngãi, một tuần 3 buổi, chị Giàu đều phải lên Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chạy thận. Tính mạng của chị Giàu bây giờ như ngàn cân treo sợi tóc. Bà con thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn quá lại mang bệnh tật nên ai cũng thương, người cho 50-100 nghìn mua sữa cho con.
Phần anh Hùng, chồng chị Giàu cứ một buổi đi xúc cát thuê, buổi còn lại phải về chăm vợ con nên thu nhập bấp bênh vô cùng. “Khoản vay 20 triệu để chạy chữa lúc nó sinh giờ cũng chỉ trả được tiền lãi, còn gốc vẫn giữ nguyên. Chính quyền thấy thế cũng động viên, xét hộ cận nghèo. Bởi vậy nên chi phí chạy chữa thận cũng đỡ được phần nào”- bà Được nói.
Khi được hỏi về những dự định tương lai, chị Giàu đưa mắt nhìn quanh khắp căn nhà dột nát cùng chiếc xe máy cà tàng- là tài sản giá trị nhất trong nhà, rồi bật khóc nức nở: “Sống đến từng này mà chẳng có gì cho con cả. Hồi xưa chỉ mong sao đứa con nó chào đời khỏe mạnh. Giờ thì mong sao con trai mình, mai này nếu không còn mẹ, nó vẫn khỏe mạnh, khôn lớn và được học hành như bao đứa trẻ khác”.
Ngơ ngác nhìn mẹ khóc, cháu Phạm Chí Cường (2 tuổi, con trai chị Giàu) sà vào lòng mẹ như để vỗ về. Căn bệnh nan y của mẹ cũng để lại di chứng nặng nề đến cháu Cường khi đôi mắt cháu bị lệch một bên do nằm lồng kính quá lâu. “Mắt cháu bị như thế cũng do cha mẹ nó nghèo quá nên không có tiền chạy chữa. Tội nghiệp nó, từ khi chào đời đến giờ, cháu Cường chưa một lần biết đến sữa mẹ là gì”- bà Được chép miệng thở dài. Nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt đầy vết chân chim của người mẹ già.
Nước mắt chẳng bao giờ chảy ngược, cũng như tấm lòng của người mẹ lúc nào đau đáu nghĩ cho con mình. Bà Được vất vả chăm sóc con gái bị suy thận nặng mà không đong đếm công lao. Còn chị Giàu, chị đã dũng cảm sinh con với niềm khao khát mãnh liệt để con được sống. Và giờ, người mẹ ấy dù luôn trong tâm thế gần đất xa trời, vẫn chỉ nghĩ và lo về tương lai của con.
Bài, ảnh: An Điền
5701 0000 479377 tại Ngân hàng Đầu tư - Phát triển, chi nhánh Quảng Ngãi
Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Chị Phạm Thị Ngọc Giàu (34 tuổi) ngụ thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi hoặc Báo Quảng Ngãi, số 02 Cao Bá Quát, TP. Quảng Ngãi, hoặc qua số tài khoản Báo Quảng Ngãi:
|