Nông dân lao đao vì ngập úng, dịch bệnh

03:02, 15/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết bất lợi, các loại dịch bệnh cũng bùng phát gây hại, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây trồng. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, đảm bảo thắng lợi vụ sản xuất đông xuân đang đặt ra cho người dân và ngành nông nghiệp nhiều thách thức.


Lao đao vì ngập úng

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống trên 38.800ha lúa đông xuân, đạt hơn 99,3% kế hoạch. Gần 60ha lúa chưa xuống giống tập trung tại khu vực dọc sông Thoa của huyện Mộ Đức và Đức Phổ, rộc Bầu Súng, xã Đức Chánh (Mộ Đức) và một phần ở xã Bình Chánh (Bình Sơn)... Điều đáng ngại là lịch thời vụ đã kết thúc từ ngày 10.1, nhưng hiện giờ, bà con nông dân các địa phương trên vẫn phải đợi nước rút để gieo sạ.

Nhiều diện tích lúa bị hư hại nặng do ngập úng.
Nhiều diện tích lúa bị hư hại nặng do ngập úng.


Dù biết xuống giống thời điểm này chẳng khác nào “đánh bạc” với trời, nhưng nông dân cho rằng, ngoài cây lúa, họ không thể sản xuất các loại cây trồng khác như bắp, đậu hay rau. Còn nếu chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì vốn đầu tư ban đầu lớn, cộng với đầu ra bấp bênh nên hiệu quả cũng không cao.

Trong khi đó, hàng nghìn nông dân ở huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức cũng thấp thỏm âu lo vì gần 100ha lúa bị thiệt hại rất nặng do đợt mưa vào đầu tháng 2. Tại xã Đức Phong (Mộ Đức), trên 60ha lúa đang có nguy cơ bị chết, phải gieo sạ lại do ngập úng kéo dài. Theo phản ánh của người dân, tình trạng ngập úng vẫn thường xảy ra và tái diễn nhiều năm nay. Nhưng những năm trước, mức độ thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. “Hồi trước nước ngập vài ngày là rút dần nên cây lúa còn có cơ hội sống. Còn bây giờ, không hiểu sao mà nước ngâm lâu, cây lúa cũng chết dần chết mòn, không cứu được”, bà Nguyễn Thị Nhung, thôn Vân Hà, xã Đức Phong bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết thì tình trạng ngập úng kéo dài, lúa chết nhanh như hiện nay một phần do các cống tiêu của hệ thống tiêu úng thoát lũ sông Thoa chưa phát huy tác dụng. “Miệng cống nhỏ, rác thải ứ đọng, cộng với tấm chắn của cống làm bằng bê tông cốt thép nên đội dẫn thủy không chủ động điều tiết nước, mà phải để nước tự rút nên thời gian ngập úng kéo dài”, ông Bé khẳng định. UBND xã Đức Phong đã nhiều lần kiến nghị nhưng đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi vẫn chưa xử lý, khắc phục thực trạng này. Vì vậy, tại một số cống tiêu, người dân đã tự ý tháo dỡ các tấm chắn để tiêu úng.

Đối với số diện tích lúa bị hư hại nặng, không có khả năng phục hồi, chính quyền và nhân dân xã Đức Phong kiến nghị cấp trên xem xét hỗ trợ khẩn cấp các loại giống lúa cực ngắn ngày để gieo sạ lại.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Trong khi bà con vùng trũng lao đao vì ngập úng thì nông dân khắp nơi trong tỉnh cũng mất ăn mất ngủ với các loại dịch hại, đặc biệt là ốc bươu vàng và chuột.

 Người dân xã Đức Phong (Mộ Đức) tháo dỡ những tấm chắn tại cống tiêu để tiêu úng.
Người dân xã Đức Phong (Mộ Đức) tháo dỡ những tấm chắn tại cống tiêu để tiêu úng.


“Đầu vụ tôi đã đặt bã sinh học quanh ruộng nhưng chuột nhiều quá. Chỉ mới một đêm mà đám lúa xanh bị chuột cắn xơ xác, chỉ còn trơ gốc”, ông Cao Tấn Huy, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) cho biết. Không chỉ ông Huy, mà tình trạng “mạ xanh hóa rạ non” do chuột phá hại diễn ra trên khắp các cánh đồng trong tỉnh. TP.Quảng Ngãi là địa phương có diện tích lúa bị chuột gây hại nhiều nhất tỉnh, với gần 160ha nên người dân gặp nhiều khó khăn trong việc chia sẻ mạ dặm.

Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, do mưa lụt kéo dài nên chuột di trú, co cụm ở khu vực gò, đồi và ven khu dân cư. Vì vậy khi thời tiết thuận lợi, chuột có cơ hội bùng phát và gây hại. Diện tích lúa bị thiệt hại vì thế cũng sẽ không dừng lại ở con số 630ha.

Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, hiện nay nông dân trong tỉnh tích cực đặt bẫy, cắm hình nộm... để diệt và xua đuổi chuột. Tuy nhiên, theo ngành chuyên môn, chuột bùng phát cũng do chính quyền và người dân chủ quan. Ngay từ đầu vụ, dù Sở NN&PTNT đã chỉ đạo, nhưng chính quyền một số địa phương vẫn lơ là, không tổ chức phong trào ra quân diệt chuột.

Cùng với chuột, giai đoạn lúa đẻ nhánh - đứng cái, cộng với thời tiết ngày nắng, đêm và sáng sớm lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh, nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông bùng phát và gây hại trong thời gian tới. Vì vậy, nếu người dân không chủ động phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như năng suất lúa cuối vụ.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Cần thực hiện đúng quy trình phòng trừ các loại dịch hại

 

Đó là khuyến cáo của Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phạm Bá khi đề cập đến việc bảo vệ cây trồng trong vụ sản xuất đông xuân năm nay.

-PV: Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh gây hại trên các loại cây trồng hiện nay?

Ông PHẠM BÁ: Toàn tỉnh hiện có trên 1.100ha lúa bị chuột, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng và bệnh đạo ôn lá gây hại. Trong đó, có trên 310ha nhiễm trung bình và nặng. Với tình hình thời tiết hiện nay, cộng với cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái nên rất dễ bị các loại dịch bệnh gây hại. Đặc biệt là chuột và đạo ôn lá là hai đối tượng có nguy cơ bùng phát, gây hại trên diện rộng. Đối với các chân ruộng trũng, diện tích sạ muộn thì phát sinh sâu đục nõn và bọ trĩ gây hại mạ non.

Đối với rau màu, toàn tỉnh hiện có gần 1.900ha bắp, 1.900ha đậu phụng, gần 1.000ha đậu các loại và gần 4.100ha rau các loại đã được xuống giống, đạt 40 - 67% kế hoạch. Hiện nay, các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh lở cổ rễ và tua mực phát sinh và gây hại trên 247ha rau màu các loại. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc và các biện pháp phòng trừ, góp phần hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

-PV: Vậy các giải pháp để phòng trừ trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông PHẠM BÁ: Từ nay đến ngày 15.3 được xem là thời điểm bùng phát của dịch bệnh, đặc biệt với bệnh đạo ôn và đạo ôn cổ bông trên cây lúa. Cùng với điều kiện thời tiết ngày nắng, đêm và sáng sớm lạnh thì cây lúa cũng chuẩn bị bước vào thời kỳ tượng khối sơ khởi đòng trổ. Vì vậy, cây lúa ít hấp thu chất dinh dưỡng trong lần bón phân đợt 1. Khi bón phân đợt 2, trời lại nắng ấm, cây lúa “ăn” phân 2 lần nên thừa đạm. Điều này khiến sức chống chịu sâu bệnh của cây lúa yếu. Do đó, Chi cục đề nghị các địa phương khuyến khích nông dân thường xuyên thăm ruộng, phát quang bụi rậm xung quanh để đuổi chuột.

Ngoài ra, khi phát hiện lúa có dấu hiệu của bệnh đạo ôn (vết hình mũi kim trong sáng ngoài vàng), nông dân dừng bón tất cả các loại phân, kể cả phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng. Đồng thời giữ nước trong chân ruộng ở mức 5 - 7cm và sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Fujione, Bean, Plast. Đối với sâu cuốn lá, nếu mật độ 10 khép lá/1m2 thì dùng thuốc Dilan, Carater hay hợp chất Abamestin để diệt trừ.


M.H (thực hiện)

 

 


.