Có ai thấu hiểu nỗi khổ của cha, mẹ hôm nay?

02:01, 08/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, con cái đông, nhiều phụ huynh ít có thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái đến nơi đến chốn, đứa nào học được lớp , cấp nào thì hay lớp, cấp ấy, đứa nào học không nổi nữa thì ở nhà làm ruộng hoặc tự kiếm nghề mà làm mà ăn.

Nhưng thời ấy, con trẻ, thanh thiếu niên ít bị hư hỏng, sa sút như bây giờ. Thầy Lê Trung Tiên, nguyên Hiệu trưởng Trường Khuyết tật trẻ em tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Vợ chồng tôi sinh con ra cũng chẳng đầu tư, giáo dục gì mấy, nhưng 3 đứa con tôi lại đều chăm ngoan, trưởng thành vì con cái chúng tôi có điều may mắn được lớn lên trong thời buổi môi trường văn hóa, xã hội còn trong lành, ít bị tác động của cái xấu. Còn nay, môi trường xã hội, giáo dục thay đổi nhiều, thói hư, tật xấu đầy rẫy, dễ ảnh hưởng, tác động xấu đến con trẻ, nên chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả, lo lắng của các bậc làm cha làm mẹ hiện nay”.


Những phụ huynh mải mê kiếm tiền; những gia đình, hạnh phúc hôn nhân đổ vỡ... dẫn đến bỏ bê, để mặc con trẻ sống tự do và trượt dài vào những thói hư, tật xấu, vi phạm pháp luật... vẫn còn, nhưng chỉ là số ít, hiện tượng nhỏ lẻ. Có thể nói, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống của đại bộ phận cán bộ, nhân dân mấy năm nay được cải thiện, số lượng con cái trên từng gia đình ít đi, nhận thức về việc nuôi dạy con trẻ của phụ huynh tốt hơn, hầu hết phụ huynh đã dành sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, đầu tư học tập cho con em ngày một tốt hơn. Đây là gam màu chủ đạo, đáng mừng về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của gia đình đối với việc nuôi dạy, giáo dục con trẻ.

Tuy nhiên, số con trẻ, thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, đua đòi, sa sút về đạo đức, lối sống... lại có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ nghịch với sự quan tâm, trách nhiệm cao của các bậc phụ huynh. Chị N.T.T, 45 tuổi, giáo viên một trường THCS ở huyện Sơn Tịnh trần tình: Ông, bà ta từng nói: “cha, mẹ sinh con, trời sinh tính”, hai đứa con trai của tôi đúng như vậy. Là một nhà giáo, tôi đã dành nhiều thời gian và vận dụng các kinh nghiệm, biện pháp hay (được học tập và giáo dục học sinh ở tại trường, lớp)  cho việc dạy dỗ con cái của mình, các cháu lúc nhỏ còn nghe lời; lên lớp lớn, chúng bướng bỉnh, toàn nghe lời bạn bè, người ngoài, cúp cua, nghỉ học, suốt ngày lêu lổng, đi chơi bời với bạn bè xấu. Giờ đây, vợ chồng tôi rất buồn vì thật sự chào thua, không tài nào “quản được hai cậu con trai nữa rồi”.

Môi trường xã hội, văn hóa,  môi trường giáo dục hiện nay có quá nhiều thứ bất ổn, từng ngày tiêm nhiễm, đầu độc, làm hư hỏng con trẻ. Không ít phụ huynh có trình độ, kiến thức, kỹ năng tốt, từng thuyết phục, cảm hóa được bao nhiêu học sinh, thanh thiếu niên cá biệt, chưa ngoan, lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi bất lực, hết cách trong việc giáo dục và quản lý con của mình.

Có ai đó, đường con cái bằng phẳng, tốt đẹp, không gặp bất cứ trở ngại nào, thường không biết được nỗi khổ của các bậc phụ huynh có con cái hư hỏng và hay phê phán, đổ lỗi hết trách nhiệm thế này, thế nọ cho họ. Con trẻ luôn có đứa nọ, đứa kia, đứa nên, đứa hư. Con nên thì cha mẹ nhờ, con hư thì cha mẹ lãnh đủ. Biết làm sao bây giờ? Việc giáo dục con trẻ hôm nay thật sự là một bài toán vô cùng hóc búa và nan giải.

Ngoài vai trò, trách nhiệm của các đấng sinh thành, cần lắm trách nhiệm, sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội. Môi trường văn hóa, xã hội, các thể chế... luôn có tác động, ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của con trẻ.

ĐỖ TẤN NGỌC
 


.