Chồng chéo trong việc cấp, sử dụng đất rừng sản xuất

05:01, 09/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất sản xuất lâu đời của người dân lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho đất rừng phòng hộ và quá trình quy hoạch đất rừng phòng hộ lại chồng lên đất sản xuất của dân, dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài. Làm gì để giải quyết rốt ráo tình trạng trên đang là vấn đề cần sớm có lời giải hợp lý.

TIN LIÊN QUAN

Tranh chấp dai dẳng

Lâu nay, câu chuyện chồng chéo giữa việc quy hoạch và sử dụng đất lâm nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch rừng, quy hoạch đất sản xuất của người dân mà còn bộc lộ những bất cập trong công tác phối hợp giữa Sở NN&PTNT (đơn vị quản lý rừng) và Sở TN&MT (đơn vị quản lý đất).

Những năm đầu thập niên 90, công tác giao đất, giao rừng được Nhà nước khuyến khích nhân dân khai hoang đất để sản xuất, trong đó có đất rừng, bao gồm cả rừng nghèo, rừng sản xuất. Do người dân tập trung khai hoang trồng rừng hoặc các loại cây lâm nghiệp khác trước khi có Nghị định 02/CP năm 1994 và Nghị định 163 năm 1999, nên khi công tác quản lý đất đai bắt đầu đi vào nền nếp thì việc cấp sổ đỏ cho người dân, cho chủ rừng phải được thực hiện.

Vụ việc tưởng chừng chẳng có gì thì năm 2007 việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng được thực hiện, dẫn đến nhiều diện tích đất sản xuất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, rừng dự án (do BQL rừng phòng hộ các địa phương làm chủ), nên xảy ra tranh chấp, do trước đó diện tích đất sản xuất đã được cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 300ha rừng trong quá trình cấp GCNQSDĐ bị chồng lấn. Trong đó, hai địa phương là Sơn Tây và Minh Long có tỷ lệ đất chồng lấn nhiều nhất. Cụ thể, huyện Sơn Tây có khoảng 93ha và Minh Long 45,6ha. Do đất đã có sổ đỏ, đã sản xuất lâu đời, nhưng nay nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, nên người dân kiên quyết không bàn giao đất cho các BQL rừng phòng hộ.

Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất trước đây người dân sản xuất, sau đó theo chủ trương thực hiện các dự án trồng rừng, người dân được vận động “góp đất” để hưởng lợi sau này. Tuy nhiên, đến nay các dự án rừng này đã nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, nên gỗ trồng dù đến tuổi vẫn không được phép khai thác, nên nhiều người dân đã lén lút chặt phá rừng để lấy đất sản xuất.

Lỗi do... địa hình phức tạp?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Ngãi, việc quy hoạch đất lâm nghiệp được thực hiện vào năm 2004 và đến năm 2006 thì thực hiện việc quy hoạch ba loại rừng. Do làm đứt đoạn và không giải quyết dứt điểm được những tồn tại trước đó, nên khi rà soát và quy hoạch ba loại rừng mới dẫn đến tình trạng nhà dân, đất sản xuất lâm nghiệp, thậm chí là các nhà công vụ, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Một trong những nguyên nhân được Sở TN&MT giải thích cho tình trạng cấp GCNQSDĐ chồng chéo giữa đất rừng phòng hộ và đất sản xuất lâu đời của người dân là do trước đây các địa phương hầu như không xét đến yếu tố quy hoạch đất lâm nghiệp, mà thực hiện theo hiện trạng đất sản xuất của người dân. Hơn nữa, tại thời điểm đó chưa có bản đồ địa chính đất lâm nghiệp dẫn đến không có cơ sở để đối chiếu, rà soát mà chỉ cấp GCNQSDĐ theo kết quả đo vẽ độc lập từng thửa đất, nên độ chính xác không cao.

Rừng phòng hộ tại xã Sơn Long (Sơn Tây) đang bị rừng sản xuất của người dân
Rừng phòng hộ tại xã Sơn Long (Sơn Tây) đang bị rừng sản xuất của người dân "bám" sát nút.


Hàng trăm hécta đất chồng chéo, tranh chấp không chỉ ảnh hưởng đến công tác phát triển và giữ rừng phòng hộ, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo ông Đinh Quang Ven - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, có hai vấn đề trong câu chuyện đất rừng chồng chéo, trong đó việc quy hoạch đất rừng phòng hộ là không sai, nhưng vấn đề là chỉ quy hoạch không rồi bỏ đó, dẫn đến đất người dân sản xuất lâu nay nằm trong rừng phòng hộ. Còn việc cấp sổ đỏ thì không để ý đến quy hoạch.

“Quan điểm của huyện là nếu đất sản xuất của người dân giờ nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, thì phải giải quyết tạo được sự hài hòa cho người dân và các BQL rừng. Cái nào có lợi thì phải thực hiện sớm, chẳng hạn đó là đất sản xuất của người dân thì phải đền bù cho dân hoặc giao cho dân quản lý trồng rừng, giữ rừng và Nhà nước hỗ trợ hằng tháng cho người dân, dựa trên diện tích đất mà người dân sản xuất lâu nay giờ nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Nhiều trường hợp người dân trồng keo đến ngày khai thác thì không được xã, kiểm lâm cấp phép khai thác gỗ, bởi lý do diện tích đất trên nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Đây là vấn đề cần sớm giải quyết, bởi thiệt hại trước mắt là người dân đang phải hứng chịu”, ông Ven nói.

Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, việc quy hoạch đất lâm nghiệp được tiến hành qua nhiều giai đoạn và diện tích không thay đổi, nhưng cơ cấu về loại rừng thay đổi rất lớn. Đối với Quyết định 154 thì rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 203 nghìn ha (71%), rừng sản xuất hơn 80 nghìn ha (29%). Diện tích như nhau, nhưng cơ cấu loại rừng thay đổi lớn và chưa chính xác. Sau đó thực hiện Nghị định 170 và 200 về việc rà soát các nông lâm trường. Đồng thời quá trình giao đất không chính xác là do giao theo ranh giới hành chính là chính, chứ không bám sát thực địa hiện trạng rừng.

“Sau khi thống kê các bất cập, UBND tỉnh đã quyết định chuyển 7.759ha từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất (5.774 ha) và mục đích khác (1.985 ha). Tuy nhiên, do đất lâm nghiệp có diện tích lớn, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn và công tác quản lý đất của các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát nên mới dẫn đến những bất cập”, ông Hải giải thích.

Câu chuyện chồng chéo trong quy hoạch và cấp GCNQSDĐ đang là vấn đề cần sớm có lời giải để việc quy hoạch ba loại rừng đi vào nền nếp, rừng được giữ và quan trọng hơn hết là ổn định được đời sống người dân, tránh tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ.

Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, xã rà soát, thống kê cụ thể từng vị trí đất do người dân đang sử dụng được quy hoạch rừng phòng hộ. Nếu diện tích nào không thuộc tiêu chí phòng hộ xung yếu thì lập thủ tục chuyển đổi sang rừng sản xuất để cấp sổ đỏ cho người dân. Đối với diện tích mà bắt buộc phải quy hoạch vào mục đích rừng phòng hộ, thì phải thực hiện quyết liệt không để người dân tự ý phá, trồng rừng mới trong mục đích khai thác gỗ cá nhân và kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm.


Bài, ảnh: L.ĐỨC - P. DANH
 

Giao đất phải căn cứ vào quy hoạch ba loại rừng

 

Ông Nguyễn Đại
Ông Nguyễn Đại

Quy hoạch ba loại rừng đã có, việc cấp GCNQSDĐ “bị lỗi” thì phải sửa chứ không thể nói trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT hết được. Có nơi, có lúc cấp huyện cấp sổ đỏ đất rừng cho dân nằm trong “lõi” rừng phòng hộ và có sổ đỏ nhưng không xác định được vị trí đất. Thử hỏi trách nhiệm này thuộc về ai? Chúng tôi không phủ nhận trách nhiệm của mình, nhưng cần phải nhìn nhận một cách công tâm và cùng nhau thực hiện.

Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại giải bày về tình trạng chồng chéo trong cấp đất, giao đất rừng và quy hoạch ba loại rừng hiện nay.

PV: Theo ông, tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất rừng hiện nay là do đâu?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Từ 2009 đến nay, rừng trồng phòng hộ, rừng tự nhiên phòng hộ đều giao cho các BQL rừng phòng hộ. Rừng tự nhiên sản xuất giao cho hai công ty: Lâm nghiệp Ba Tơ và Lâm trường Trà Bồng. Quá trình lập thủ tục giao rừng do Kiểm lâm làm và Sở TN&MT giao đất. Đối với diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp rừng phòng hộ thì sau này rà soát lại mới phát sinh ra. Chồng lấn ở đây là đất giao cho BQL và các hộ dân từ khi có quy hoạch 3 loại rừng.

PV: Trong trường hợp tại các vị trí đất người dân đang sử dụng không nhất thiết quy hoạch rừng phòng hộ mà vẫn quy hoạch dẫn đến quá trình chồng lấn?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Cũng có một vài điểm và Sở NN&PTNT đã xử lý tại Quyết định 2480 rồi. Theo quan điểm của sở là chỗ nào nằm trong quy hoạch mà chuyển ra ngoài được thì chuyển, còn chỗ nào xung yếu thì phải giữ nguyên để giữ rừng.

PV: Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm chính trong việc này thuộc về Sở NN&PTNT. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Khi giao đất thì phải căn cứ vào nhiều quy hoạch, trong đó có quy hoạch đất lâm nghiệp. Trách nhiệm hiện tại có yếu tố “lịch sử” nên phải xem giấy, thời điểm cấp mới xác định được sai ở đâu. Đồng thời, cần xem xét từng trường hợp cụ thể chứ không thể nhìn tổng thể mà nói trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT được. Quan trọng nhất là quá trình cấp GCNQSDĐ phải công tâm, tuân thủ quy hoạch. Trong đó, có việc cấp GCNQSDĐ nằm sâu trong lõi rừng. Trách nhiệm thì chưa nói đến, nhưng người dân được giao quyền sử dụng đất rồi thì phải giải quyết quyền lợi của người dân. Bây giờ phát hiện ra những cái sai thì cần phải phối hợp để sửa và làm rõ trách nhiệm.

L.Đ

 

 


.