(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum đã phối hợp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. Đã có nhiều hội nghị được tổ chức và ký kết các văn bản phối hợp, nhưng rừng vẫn bị tàn phá. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ khu vực giáp ranh mới hết cảnh bị “chảy máu rừng"?
Rừng vẫn mất
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum là 3 tỉnh có ranh giới liền kề, là nơi tập trung nhiều diện tích rừng tự nhiên nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, có trữ lượng gỗ lớn, tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Vạt rừng tự nhiên tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Trà Vân (Nam Trà My) - Sơn Bua (Sơn Tây) bị tàn phá. Ảnh: LÊ ĐỨC |
Từ năm 2011, ba tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh. Sau thời gian ký kết, Chi cục kiểm lâm 3 tỉnh đã thường xuyên thực hiện chế độ trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, xâm chiếm đất rừng. Mặc dù vậy, tình trạng rừng giáp ranh bị tàn phá vẫn diễn ra.
Theo thống kê, từ năm 2014-2016, cả ba tỉnh phát hiện, xử lý 678 trường hợp phá rừng, tịch thu hơn 1.600m3 gỗ các loại, trong đó có nhiều khối gỗ thuộc các nhóm quý hiếm; tịch thu 15 ô tô, 75 xe máy... Xử lý hình sự 7 vụ, xử lý hành chính 656 vụ và tồn đọng 15 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 5,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý nhiều trường hợp săn bắt, mua bán động vật hoang dã quý hiếm cũng như các phương tiện vận chuyển, khai thác gỗ trái phép, kể cả vũ khí là súng tự chế của lâm tặc. Riêng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã phát hiện, lập biên bản vi phạm 76 vụ, tịch thu hơn 182m3 gỗ, 13 xe ô tô, 8 xe máy cùng nhiều vật dụng khác và phạt hành chính, nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng.
Lập “cổng gác rừng” Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh dẫn đầu đoàn công tác có chuyến khảo sát và làm việc tại địa bàn 2 xã giáp ranh là Trà Vân (Nam Trà My) - Sơn Bua (huyện Sơn Tây), hai xã giáp ranh thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng và đào đãi vàng trái phép. Qua làm việc hai bên thống nhất chủ trương thiết lập chốt, trạm kiểm tra lâm sản nằm trên đường Đông Trường Sơn, tại địa phận xã Trà Vân. |
Đi dọc tuyến đường Đông Trường Sơn từ xã Sơn Long (Sơn Tây) đến xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi chứng kiến hình ảnh những mảng rừng bị “đục khoét”. Tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Sơn Lập – Ngọc Tem được chia cách bởi con sông Đăk Snghé, những cánh rừng già bạt ngàn xuất hiện những thân cây rừng nằm trơ trọi với vết cưa máy đã cũ.
Còn ngược tuyến đường Đông Trường Sơn, tại khu vực giáp ranh giữa các xã Sơn Bua (Sơn Tây) – Trà Xinh (Tây Trà) – Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), bên những cánh rừng nằm cạnh con đường mới mở là những thân cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc. Bên dưới những mầm xanh của lúa rẫy, bắp đang dần mọc lên.
Không chỉ rừng bị tàn phá mà dòng suối Bua chảy từ Trà Vân qua Sơn Bua nhiều năm qua không lúc nào trong xanh, mà thường vàng đục. Lý giải nguyên nhân, ông Đinh Quang Ven - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng, nước có màu vàng đục là do ở thượng nguồn người dân đào đãi vàng trái phép.
Những cánh rừng giáp ranh giữa Sơn Bua – Trà Vân bị tàn phá cũng là tình cảnh chung của rừng phòng hộ Thạch Nham tiếp giáp giữa huyện Ba Tơ – Kon Plông. Dọc theo Quốc lộ 24 từ chân đèo Violắc đến xã Hiếu (Kon Tum), rừng xanh bị những nhóm người du canh lấn dần, nhất là khu vực thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, những cánh rừng già đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Giữ rừng bằng cách nào?
Con số hơn 1.600m3 gỗ được lực lượng chức năng bắt giữ chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, còn thực tế số lượng gỗ mà “lâm tặc” đưa ra khỏi rừng trót lọt thì chưa thể thống kê được. Lý giải cho câu chuyện mất rừng, mới đây tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum – Quảng Nam, các địa phương cho rằng nguyên nhân là do địa bàn giáp ranh quá rộng, địa hình hiểm trở, nằm xa trung tâm hành chính các địa phương nên khó khăn trong công tác phòng và chống phá rừng. Ngoài ra, do đặc thù của từng địa phương nên chưa có sự đồng bộ trong công tác phối hợp, tổ chức triển khai tuần tra, truy quét, xử lý các đối tượng vi phạm vùng giáp ranh.
Ông Ngô Vĩnh Phong - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ cho rằng, công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc nhưng nhiều lúc rất gian nan, không chỉ địa bàn rộng, nhân lực ít mà đối tượng phá rừng rất tinh vi, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn như báo tin giả, cử người cảnh giới để báo tin khi lực lượng đi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, “lâm tặc” còn dùng phương tiện vận chuyển chủ yếu xe hết niên hạn sử dụng, biển số giả và vận chuyển vào ban đêm, ngày lễ, cuối tuần... Nhiều đối tượng còn chống đối, đe dọa hành hung lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, để giữ được rừng việc trao đổi thông tin phải được thực hiện thường xuyên giữa lãnh đạo của 3 Chi cục hoặc thông qua các phòng, ban chuyên môn. Quá trình phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét phải thống nhất xây dựng phương án xử lý. Đồng thời, thay đổi cách tuyên truyền, bởi lâu nay chúng ta tuyên truyền chung chung, chưa sát thực tế. Thời gian tới cần tuyên truyền một cách sâu rộng, mọi lúc, mọi nơi, để người dân hiểu lợi ích của rừng.
L.ĐỨC-NG.KHÂM
Để bảo vệ tốt rừng giáp ranh, Sở NN&PTNN 3 tỉnh cần rà soát các văn bản để tham mưu cho các cấp chính quyền bổ sung, phù hợp với tình hình thực tế. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác bảo vệ rừng. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong thực thi công vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại cơ sở, không để điểm nóng về phá rừng xảy ra tại địa bàn. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, kịp thời tổ chức truy quét bảo vệ rừng tại cơ sở. Kiên quyết đấu tranh chống việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Để bảo vệ rừng giáp ranh thì phải chủ động phòng ngừa từ xa, chứ để phá rừng rồi mới giải quyết hậu quả thì mọi việc đã rồi. Đồng thời, phải gắn việc tuyên truyền với nâng cao hiệu quả từ rừng cho người dân tại từng khu vực, đặc biệt là tuyên truyền thông qua già làng, trưởng bản, người uy tín. Ngoài ra, phải nâng cao đời sống vật chất cho người dân thì họ mới không phá rừng. Đối với vấn đề xâm lấn vùng giáp ranh phải xử lý kiên quyết, kịp thời, linh hoạt không để xảy ra phức tạp về tình hình an ninh trật tự. *Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông (Kon Tum) Võ Minh Văn: L.Đ-N.K |