(Báo Quảng Ngãi)- Việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) ở địa phương nhằm từng bước quy hoạch các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất tập trung phát triển công nghiệp, tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động ... Tuy nhiên, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch CCN hiện nay trên địa bàn, nếu muốn đạt được mục tiêu này phải có sự định hướng sát thực hơn.
Hơn 50% CCN... trên giấy!
Tính đến thời điểm này, quy hoạch CCN tại các địa phương trong tỉnh đã đạt 40 cụm. Tuy nhiên, có đến 25 CCN vẫn... nằm trên giấy. Nhiều CCN trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt và hình thành, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa đi vào hoạt động, như CCN Long Mai (Minh Long), CCN Thạch Bích (Trà Bồng), CCN An Hải (Lý Sơn)...
Đường giao thông vào CCN Đồng Làng (Đức Phổ) chưa được hoàn thiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa. |
Hiện tại có 15 CCN đưa vào khai thác, với tổng diện tích 194ha; thu hút 104 dự án, tổng vốn khoảng 1.600 tỷ đồng. Trong số này, chỉ có 76 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, thu nhập bình quân khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Song vẫn có không ít CCN, dù đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng đến nay mới chỉ thu hút được 1- 3 DN nhỏ lẻ vào đầu tư, vì vị trí quy hoạch chưa thuận lợi, hạ tầng yếu kém. Nhiều nơi, CCN đã được giao đất, đầu tư một phần hạ tầng, nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thu hút được DN vào hoạt động. Có địa phương, việc quy hoạch CCN diện tích quá nhỏ, chỉ đáp ứng mặt bằng cho 1 DN vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như huyện Đức Phổ, hiện tại có 4 CCN, trong đó có 2 CCN hiện đã "lấp đầy 100%" diện tích đất, song chỉ có vỏn vẹn 4 DN vào hoạt động là CCN Phổ Phong (với 3 DN) và CCN Phổ Hòa (1 DN). Ông Nguyễn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: CCN Phổ Hòa được phê duyệt quy hoạch chỉ khoảng 4ha, đáp ứng duy nhất nhu cầu mặt bằng cho DN may Vinatex Đà Nẵng xây dựng nhà máy. "Khi thu hút DN về Đức Phổ, huyện giới thiệu nhiều vị trí xây dựng nhà máy, song DN này đều không nhất trí mà yêu cầu mặt bằng ngay trung tâm huyện để thuận lợi hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì không muốn mất nhà máy, với lượng công nhân thu hút dự kiến hơn 1.000 người, Đức Phổ đành bố trí cho nhà đầu tư vào CCN Phổ Hòa"- ông Nguyễn Thịnh nói.
Điệp khúc "lập" rồi "xin xóa"
Theo quy hoạch trước đây, huyện Bình Sơn đưa vào quy hoạch các CCN Bình Nguyên, Bình Hiệp và CCN Đông Nam thị trấn Châu Ổ. Tuy nhiên, theo quy hoạch mới, Bình Sơn đã xóa bỏ 2 CCN Bình Hiệp và Đông Nam thị trấn Châu Ổ. Đồng thời, xin tỉnh đưa vào quy hoạch mới 3 CCN gồm: Bình Mỹ, Bình Long và CCN Hậu cần nghề cá Bình Chánh. Đến nay, CCN Bình Nguyên đã được lấp đầy và giao hết đất cho nhà đầu tư, với 15 DN đăng ký hoạt động. CCN Bình Long mới thành lập, với mục tiêu giải quyết mặt bằng để di dời Nhà máy mì Tịnh Phong vào hoạt động, nhường mặt bằng của nhà máy cho KCN VSIP. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư hạ tầng, mặt bằng CCN Bình Long cũng như tiến độ di dời xây dựng nhà máy mì còn chậm trễ.
Huyện miền núi Sơn Hà, những năm 2000 quy hoạch CCN Sơn Thượng, với 13ha. Năm 2003, đã thu hút được dự án "Xí nghiệp chế biến lâm sản Sơn Hà" sản xuất tre xuất khẩu, do DN Tư nhân Công Nhường làm chủ đầu tư. DN đã đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, song đến năm 2006 thì dừng hoạt động. Đến nay, vấn đề diện tích đất đã giao cho DN này vẫn còn nhiều vướng mắc trong thu hồi, quản lý.
Năm 2015, huyện Sơn Hà xin tỉnh cho xóa quy hoạch CNN Sơn Thượng. Năm 2007, Sơn Hà tiếp tục xin quy hoạch và đầu tư CCN Sơn Hải, diện tích 2ha. Tuy nhiên, sau 8 năm hoàn thiện, CCN Sơn Hải không thu hút được dự án nào, nên vào năm 2015, huyện Sơn Hà lại "xin" tỉnh cho xóa. Vừa xóa xong 2 CCN này, Sơn Hà tiếp tục xin tỉnh cho quy hoạch CCN Sơn Hạ, với diện tích 25ha.
Thực tế, sẽ còn nhiều địa phương tiếp tục phải xin tỉnh cho xóa thêm một số CCN; đồng thời xin quy hoạch mới CCN khác ở vị trí mới, vì thực tế quy hoạch cũ đã không còn phù hợp. Như huyện Sơn Tây, theo quy hoạch phát triển CCN đến 2020, trên địa bàn có 1 CCN thị trấn Sơn Tây, diện tích 2ha. Tuy nhiên, tính khả thi của CCN này xem ra khó đạt, vì hiện tại thị trấn chưa thành lập, đồng thời vị trí quy hoạch thị trấn hiện đang xây trung tâm hành chính huyện, không còn phù hợp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Mới đây, huyện Sơn Tây trình UBND tỉnh cho phép thành lập CCN Sơn Tân (20ha) để thu hút một số dự án chế biến gỗ keo. Tuy nhiên, việc triển khai dự án mới về chế biến gỗ keo, nếu chỉ xuất thô đã bị Bộ NN&PTTN cấm, không được cấp phép thành lập mới.
Vẫn còn băn khoăn
Việc hình thành các CCN ở các địa phương là thật sự cần thiết, nhằm quy hoạch các hộ, DN sản xuất, kinh doanh vào một khu vực nhất định, vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
Mới đây, theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của UBND tỉnh, nêu rõ: Đối với các CCN đã thành lập và đang hoạt động phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tổng thể cho toàn bộ khu, CCN trước năm 2015. Còn đối với các CCN phát triển mới, chủ đầu tư hạ tầng phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tổng thể, đạt tiêu chuẩn theo quy định, trước khi cho các DN thứ cấp thuê để triển khai dự án. Riêng các nhà máy, cơ sở sản xuất trong CCN chỉ được phép đưa vào hoạt động khi đã đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định, trước khi thải vào hệ thống thu gom chung của toàn CCN. Thế nhưng, xem ra giải pháp bảo vệ môi trường này vẫn còn khá xa vời thực tế. Bởi hiện tại, tất cả các CCN trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Trong khi, kinh phí để xây dựng thì lại quá lớn, ngân sách nhà nước có hạn. Còn DN cũng bị giới hạn bởi gánh nặng tài chính nên chưa thể thực hiện được.
Trước thực trạng hoạt động của các CCN, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các địa phương đã rà soát, loại những CCN không hiệu quả ra khỏi quy hoạch. Tại cuộc làm việc với Sở Công thương ngày 5.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chỉ đạo: "Sở Công thương cần phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ hoạt động CCN, tham mưu cho tỉnh đề ra quyết sách trong thời gian tới. Tỉnh thu hút đầu tư, huyện cũng cần tập trung thu hút đầu tư, nhưng giải pháp phải khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, vốn ngân sách mà nhà đầu tư lại không về đầu tư trên địa bàn".
Ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa: Khó khăn tìm vốn đầu tư hạ tầng CCN. CCN La Hà, Tư Nghĩa được quy hoạch tổng thể 50ha. Trong đó giai đoạn I là 25ha, tổng mức đầu tư khoảng 24 tỷ đồng. Huyện Tư Nghĩa xác định, đây là khâu đột phá, giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Vì thế, huyện đang tìm nguồn đầu tư giai đoạn II diện tích 25ha nữa, nhưng quá khó khăn. Nhiều nhà đầu tư tìm đến, nhưng CCN La Hà chưa đáp ứng về mặt bằng nên mất cơ hội thu hút đầu tư. Ông Đoàn Hà Yên – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn: Kêu gọi đầu tư trước rồi mới quy hoạch CCN. Rút kinh nghiệm, huyện kêu gọi đầu tư trước rồi mới thành lập CCN sau, chứ không để xảy ra tình trạng quy hoạch treo nữa. Theo đó, khi nhà đầu tư có ý định đầu tư thì mới làm các thủ tục lập đề án thành lập CCN, làm sao vừa phù hợp với nhà đầu tư, phù hợp với từng vùng miền, đặc biệt là nguồn nguyên vật liệu và nhân lực tại chỗ, giúp DN giảm các chi phí về vận chuyển, nhà ở, đưa đón công nhân... Doanh nhân Nguyễn Thị Tường Anh (Khánh Hòa): CCN phải thuận lợi nhiều mặt. Việc quy hoạch CCN cần tính đến thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu, nhân công, giúp nhà đầu tư an tâm khi đến với địa phương. Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông hay diện tích mặt bằng quá nhỏ, hệ thống xử lý môi trường không đảm bảo sẽ là nhọc nhằn cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động. Quy hoạch CCN mang tính chất lâu dài, cần tính toán cẩn trọng, để phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, giúp nhà đầu tư, trong đó có chúng tôi về với Quảng Ngãi. |
T.NHỊ - H.HOA