Nhà công sản: Công trình xuống cấp, xử lý loay hoay

07:05, 30/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tường mục loang lỗ vết nứt, nhiều mảng dầm bê tông nứt toạc lộ ra những thanh sắt đã gỉ, cầu thang bằng bê tông đổ sập được gia cố bằng cầu thang gỗ sập xệ nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào... Đó là tình trạng hiện nay của rất nhiều công trình nhà công sản trên địa bàn tỉnh.

Việc xử lý các công trình xuống cấp dù đã được bàn bạc rất nhiều nhưng hiện vẫn chỉ nằm trên... giấy, trong khi người dân đang sống trong nơm nớp lo sợ.
 

 

Ông Từ Văn Tám - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Thực trạng nhà sở hữu Nhà nước đang xuống cấp đe dọa đến tài sản, tính mạng người sử dụng là có thật. Sở đã lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra và kiến nghị lên tỉnh. Tuy nhiên, đến nay nhiều căn nhà có nguy cơ đổ sập vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể. Thời gian tới chúng tôi sẽ lập các đoàn đi kiểm tra thực tế, đánh giá lại toàn bộ các công trình. Nếu cần kiểm định thì xin ý kiến của UBND tỉnh để kiểm định lại kết cấu. Nếu không đảm bảo an toàn sẽ xin tỉnh chỉ đạo di dời người dân đi nơi khác và tháo dỡ công trình.

Những ngôi nhà... chờ sập

Tuyến đường Hùng Vương được xem là con đường đẹp nhất TP.Quảng Ngãi, với rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, xen kẽ vào đấy là những căn nhà... chờ sập. Trong đó, ngôi nhà số 427-429 Hùng Vương, khu tập thể của cán bộ  Bệnh viện Đa khoa tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Phía bên trong căn nhà là những mảng tường loang lỗ vết nứt, nhiều mảng bê tông vỡ toạc. Trần nhà nhiều điểm trơ ra những thanh sắt mục gỉ. Phần cầu thang làm lối đi chung của hàng chục hộ dân ở tầng 2 bị hư hỏng, nên người dân đã gia cố bằng cách làm cầu thang gỗ. Tuy nhiên, cầu thang này hiện nay đã hư hỏng và mỗi khi có xe tải lớn chạy ngoài đường cầu thang lại rung lên bần bật.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, nguyên hộ lý Bệnh viện Đa khoa tỉnh sống trong căn nhà tập thể này từ năm 1983 đến nay cho biết, trước đây gia đình bà được cấp cho một phòng ở trên tầng 3, sau đó vì nhà xuống cấp, sức khỏe chồng bà yếu, không đi lại được nên bà xin chuyển xống tầng trệt. Dẫn chúng tôi vào trong căn phòng rộng chưa đến 20m2, tối om, bà Hiếu bảo đó là nơi sinh hoạt của ba thế hệ, với 7 con người.

Chỉ tay lên tường nhà bong tróc bà Hiếu bảo không chỉ chật chội, tăm tối mà chỉ cần một trận mưa lớn là nước cống tràn vào nhà rất hôi thối. Để chứng minh ngôi nhà đã quá xuống cấp, bà Hiếu lấy tay vịn nhẹ vào bức tường ngay lập tức một mảng tường rệu rã rơi xuống đất. “Bệnh viện, Sở Xây dựng lên gặp mặt dân, họp nhiều lần rồi nhưng mãi đến nay vẫn chưa có biện pháp nào để người dân chúng tôi an tâm cả. Nhà nước phải kiên quyết, một là thu hồi, hoặc là có biện pháp gia cố, hoặc cho ý kiến người dân đang sống được phép gia cố để bảo vệ tính mạng”, bà Hiếu nói.

Tương tự, ngôi nhà số 56 Ngô Quyền, hiện có 9 hộ dân đang sinh sống. Theo quan sát của phóng viên, ngôi nhà này đang xuống cấp nghiêm trọng. Đánh giá về độ an toàn của ngôi nhà, một cán bộ của Sở Xây dựng cho biết, mức độ an toàn hiện nay... bằng không! Được biết, căn nhà trên được xây dựng cách đây hơn 40 năm do Công ty Thương nghiệp Hà Tây sử dụng, sau đó bàn giao lại cho cán bộ nhân viên công ty ở. Hiện kết cấu không còn đảm bảo do không được duy tu, bảo dưỡng, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Mất mỹ quan đô thị

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 công trình nhà dân dụng thuộc sở hữu Nhà nước đang xuống cấp và được các đơn vị sử dụng đề nghị sửa chữa, nâng cấp hoặc tháo dỡ để đầu tư mới.

Khu tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh xuống cấp, có nguy cơ đổ sập.
Khu tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh xuống cấp, có nguy cơ đổ sập.
 
Bể chứa nước có tuổi thọ cả trăm năm cần có biện pháp để đảm bảo an toàn.
Bể chứa nước có tuổi thọ cả trăm năm cần có biện pháp để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh các căn nhà, khu tập thể cũ kỹ thì một công trình được xây dựng có tuổi thọ lên đến cả 100 tuổi đang tồn tại, đó là bể nước thành phố được người Pháp xây dựng nằm cạnh Bưu điện tỉnh. Theo đánh giá, công trình trên đã quá tuổi, nguy cơ sập đổ rất cao nếu không có biện pháp gia cố. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về công trình này. Trong đó, có ý kiến đề nghị cải tạo để đảm bảo an toàn. Còn nếu không an toàn thì tháo dỡ. Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi, đây là vấn đề khá nhạy cảm, bởi công trình này như một di tích có nhiều ý nghĩa lịch sử, gắn với người dân xứ Quảng. Thời gian đến chúng tôi sẽ đề xuất thành phố mời đơn vị kiểm định đến kiểm tra,  để có hướng xử lý.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi, cho biết, đi trên các trục đường cứ nhà nào xuống cấp, rệu rã thì đích thị đó là nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Những công trình nhà cũ này đã và đang làm mất mỹ quan đô thị. Các sở, ngành và UBND tỉnh cần phải có phương hướng xử lý để vừa khai thác được lợi thế của tài sản nhà nước, lại đảm bảo an toàn cho người dân cũng như mỹ quan chung.

Theo ông Nguyên, hầu hết các công trình nhà sở hữu Nhà nước hiện nay được các đơn vị giao quản lý cho thuê không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều cơ quan nhà nước phải đi thuê nhà dân làm trụ sở là một bất cập. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho rằng, cái khó hiện nay là một số căn nhà không còn hồ sơ chứng minh đó là tài sản nhà nước, do thất lạc. Đồng thời, người dân cũng không có một cơ sở pháp lý nào chứng minh là đã được cơ quan chức năng cấp cho ở để được tái định cư. Và việc các cơ quan chức năng không thực sự quyết liệt trong việc giaiải quyết nên câu chuyện này cứ dùng dằng qua nhiều năm.

Phải thương mại hóa nhà công sản


Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC). Ông Quân cho biết, theo báo cáo của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi thì các tổ chức, cá nhân còn nợ tiền thuê nhà lên đến hơn 1,1 tỷ đồng. Đồng thời, rất nhiều căn nhà dù có tính thương mại cao, nhưng lại đang được cho thuê với giá quá bèo.

PV: Là đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý các công  trình trên, ông đánh giá thế nào?

Ông NGUYỄN TRUNG QUÂN: Hiện nay, UBND tỉnh giao cho Công ty quản lý 93 căn nhà trên toàn tỉnh. Hầu hết các công trình này đã xây dựng khá lâu và xuống cấp. Đặc biệt, là các công trình trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Nhiều công trình không được duy tu, bảo dưỡng nên mất an toàn nhưng nhiều người vẫn đang sinh sống. Tỉnh cũng đã có chỉ đạo giải quyết nhưng rất khó. Trong đó, muốn duy tu, sửa chữa hay tháo dỡ thì phải tìm chỗ ở mới đối với những hộ đang sử dụng hoặc thuê để kinh doanh. Đồng thời, phải tính đến phương án kinh doanh, vì nhiều ngôi nhà có địa thế rất lớn nhưng khai thác không hiệu quả.

PV: Theo ông để giải quyết vấn đề này chúng ta cần phải làm gì?

Ông NGUYỄN TRUNG QUÂN: Trước mắt, đối với những ngôi nhà nằm trong hẻm, không có địa thế kinh doanh nhưng trước đây cấp cho người dân ở thì phải đẩy mạnh việc hóa giá để người dân tháo dỡ, xây dựng lại để đảm bảo an toàn. Đối với những ngôi nhà có địa điểm tốt về thương mại, công ty đề xuất sẽ bỏ kinh phí ra duy tu, sửa chữa và cho người dân thuê lại theo giá thị trường. Đối với những căn đang cho thuê kinh doanh thì tiến hành chấm dứt hợp đồng thuê đất. Cái này khó hơn vì phải đền bù hợp đồng. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần phải có chỉ đạo cụ thể. Sau đó, tùy hiện trạng từng căn nhà mà công ty sẽ duy tu sửa chữa hay làm lại mới hoàn toàn, sau đó xin ý kiến của tỉnh để cho người dân, doanh nghiệp thuê lại theo giá thị trường. Có như vậy mới tăng tính hiệu quả về giá trị thương mại của tài sản Nhà nước.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 


.