(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, hàng chục hecta đất sản xuất nông nghiệp ở cánh đồng Bàu Nhá, thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền và Gò Lăng, thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa không thể sản xuất do ngập nước và ô nhiễm.
Làm nông những phải mua lúa
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Bàu Nhá- nơi trước đây là vựa lúa của xã Nghĩa Điền, ông Lê Tôn Phúc- Trưởng thôn Điền Chánh giọng trầm buồn, nói: “Vụ đông xuân đã sản xuất gần 1 tháng nay, nhưng hơn 120 hộ nông dân ở xứ đồng 25ha này không thể xuống giống được”. Theo lời ông Phúc, thực trạng này xảy ra hơn chục năm nay, trong khi người dân trong thôn sống chủ yếu dựa vào cây lúa. Nhìn những thửa ruộng trước kia thu hoạch hai vụ lúa ăn chắc, năng suất 5-6 tấn/ha/vụ, nhưng nhiều năm nay đành bỏ hoang, bà con ở đây tiếc đứt ruột.
25ha đất nông nghiệp ở đồng Bàu Nhá hơn chục năm nay bỏ hoang vì chưa được tiêu thoát nước. |
Bây giờ không có đất sản xuất, họ phải chật vật tự kiếm việc làm, từ buôn bán nhỏ, làm thợ nề, chăn nuôi hoặc tha phương mưu sinh. “Ruộng bỏ hoang, dân không có công ăn việc làm, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi nhiều lần viết đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết. Ai đời làm ruộng mà phải mua lúa”, lão nông Hồ Văn Bình trăn trở, nói. Ông Bình có 3 sào lúa ở đồng này, nhưng không sản xuất được.
Ông Đặng Văn Tuyến - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền cho biết: Đồng Bàu Nhá cùng với đồng Ba Đơn thuộc thôn Điền An là nơi sản xuất lúa chính của xã. Cánh đồng này chạy dọc suối Ba Đơn và kênh Tư Nghĩa, hai con suối này hợp lưu đổ vào sông Bàu Giang đoạn thượng lưu cầu Xóm Xiếc. Những năm qua, khi nguồn nước Thạch Nham đi qua là cũng bắt đầu xảy ra ngập úng. Trong khi năng lực tiêu thoát của sông Bàu Giang bị suy giảm. Lòng sông xu hướng cạn dần và thu hẹp, vật cản phát sinh nhiều, lòng sông gấp khúc, bị xói lở, bồi lấp. Cùng với đó thì lượng nước đến từ suối Ba Đơn ngày càng lớn (do nước kênh Thạch Nham đổ trực tiếp vào suối), khiến lượng nước ở đây không thể tiêu thoát... dẫn đến tình trạng ngập úng.
Còn 4,2ha đất sản xuất nông nghiệp của cánh đồng Gò Lăng, thuộc thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ cũng rơi vào cảnh tương tự. Cụ ông Võ Miên, chỉ vào 2 sào ruộng bỏ hoang vì ngập úng, buồn bã nói: “Tấc đất, tấc vàng”, thấy ruộng cỏ dại, bèo mọc như nấm mà xót lắm. Nhưng không sạ được, cũng đành bỏ không. Vợ chồng tôi phải nuôi thêm gà, vịt kiếm sống qua ngày”.
Trưởng thôn An Hội Bắc 3, Nguyễn Thành Khiêm cho biết: Từ năm 2006 đến nay, diện tích này đều bị ngập úng không sản xuất được, do KCN Quảng Phú bắt đầu triển khai thi công đã làm cản trở dòng chảy, không tiêu thoát được nước, gây ngập úng cho diện tích đất sản xuất trên.
Tuyến kênh Bàu Lăng bắt đầu từ cống tiêu qua đường (thuộc thôn An Hội 3), chảy qua KCN Quảng Phú rồi đổ vào kênh Tư Nghĩa. Đoạn đầu từ cống tiêu đến giáp với KCN bị sạt lở gây bồi lấp lòng kênh. Ngoài ra, cỏ và bèo mọc nhiều trong lòng kênh gây cản trở dòng chảy tạo ngập úng cục bộ cho một số diện tích đất sản xuất lúa.
Cần sớm khơi thông
Để giải quyết bức xúc của người dân ở đồng Bàu Nhá, cuối năm 2015, UBND tỉnh bố trí vốn ưu tiên đầu tư tại Quyết định số 1722 để thực hiện công trình tiêu úng từ Bàu Nhá - Bàu Giang. Công trình do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư, với kinh phí 17 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng của huyện Tư Nghĩa là 2 tỷ đồng còn lại nguồn vốn bố trí của tỉnh. Dự kiến, công trình sẽ được triển khai giữa năm 2016. “Nếu công trình được triển khai không những đảm bảo khắc phục ngập úng, tránh việc lãng phí đất sản xuất nông nghiệp mà còn ổn định cuộc sống của hàng trăm hộ dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền Đặng Văn Tuyến kỳ vọng.
Còn hướng giải quyết đối với đồng Gò Lăng, Nghĩa Kỳ, ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa nêu giải pháp: "Sở NN& PTNT tỉnh đã tiến hành khảo sát lại và có kế hoạch kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để tiếp tục nạo vét đoạn kênh từ cống tiêu đồng Bàu Lăng đến giáp với KCN Quảng Phú và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án Chỉnh kênh Bàu Lăng KCN Quảng Phú) sớm hoàn thiện dự án để đảm bảo tiêu thoát nước".
Bài, ảnh: KN