(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh đã dự trữ đủ nguồn hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, người dân vẫn không khỏi băn khoăn vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của hàng hóa mỗi khi Tết đến Xuân về...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguồn hàng dồi dào, giá ổn định...
Những ngày này, tại siêu thị Co.opmart, không khí Tết dường như đã ngập tràn qua những gian hàng được bày trí bắt mắt. Đặc biệt, tại khu vực trưng bày các nhóm hàng bình ổn giá như đường, dầu ăn, bánh kẹo... đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan, mua sắm. “Bánh, kẹo năm nay có nhiều mẫu đẹp, lạ mắt, giá lại rẻ hơn ngoài chợ”, vừa chọn mua bánh, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) vừa góp chuyện. Không chỉ bà Hạnh mà khách hàng tìm đến siêu thị Co.opmart đều chung nhận định: Tết này, nhiều mặt hàng như bánh kẹo, thực phẩm chế biến, dầu ăn… được nhà sản xuất chăm chút hơn về mẫu mã, chủng loại kèm nội dung câu chúc ý nghĩa nhằm đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng.
Thịt gia súc - mặt hàng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng bởi vấn đề VSATTP |
Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Giám đốc Co.opmart, để phục vụ nhu cầu mua sắm nhân dịp Tết Nguyên đán của người dân, ngay từ đầu tháng 10.2015, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để chủ động nguồn hàng. Đồng thời bố trí 12 tỷ đồng (trong đó doanh nghiệp 7 tỷ đồng, UBND tỉnh cho mượn 5 tỷ đồng) thực hiện bình ổn 9 nhóm hàng gồm đường, dầu ăn, bánh kẹo, lương thực, trứng, thịt gia súc gia cầm (GSGC), nước mắm và rau, củ, quả nên giá bán “mềm”, chất lượng đảm bảo.
Năm 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh đã thành lập 787 Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, giám sát 25.839 cơ sở SXKD thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 222/3.395 cơ sở vi phạm các điều kiện về VSATTP bị xử lý; trong đó có 123 cơ sở vi phạm bị xử lý phạt tiền trên 299 triệu đồng, 94 cơ sở bị cảnh cáo và 18 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng tiến hành thu và xét nghiệm 3.798 mẫu sản phẩm, trong đó có 169 mẫu không đạt các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh... |
Còn tại Siêu thị Nghĩa Hành, cùng với việc bố trí khu vực hàng bình ổn giá, đơn vị còn tổ chức thực hiện các chuyến hàng phục vụ Tết cho người dân tại 4 huyện miền núi là Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà và Sơn Tây. “Hoạt động này không chỉ giúp người dân miền núi tiếp cận những sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt nhất, giá cả phù hợp nhất, mà còn góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn”, bà Trần Thị Loan - Quản lý Siêu thị Nghĩa Hành bày tỏ. Do vậy nên ngay ngày đầu tiên “xuất quân”, rất nhiều mặt hàng của siêu thị Nghĩa Hành như đường, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo và thực phẩm chế biến... được người dân địa phương mua mạnh.
Cùng với Siêu thị Co.opmart và Nghĩa Hành, một lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết cũng được tiểu thương ở các chợ, cửa hàng tạp hóa gấp rút tập kết. Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thì hàng hóa Tết năm nay đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại; giá bán cũng không có gì biến động so với năm ngoái. Riêng mặt hàng rau, củ, quả dự báo sẽ không lâm vào cảnh “khan hàng, giá cao” như mọi năm.
...nhưng vẫn lo hàng kém chất lượng
Theo cam kết của Siêu thị Co.opmart và Nghĩa Hành, toàn bộ sản phẩm, hàng hóa phục vụ Tết (kể cả hàng bình ổn được thực hiện từ ngày 9.1 đến 7.2.2016 ) không chỉ có giá bán “mềm” mà còn đảm bảo chất lượng, ATVSTP. Bởi, nhà cung cấp sản phẩm cho siêu thị phải là doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện và thói quen mua hàng hóa tại siêu thị, mà một bộ phận lớn người dân chọn sắm Tết ở các chợ, cửa hàng tạp hóa – những điểm vốn rất khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó, nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn và “lọt” đến tay người tiêu dùng cũng không có gì khó hiểu. Ví dụ như mặt hàng thịt GSGC.
Đơn cử như hồi Tết Ất Mùi 2015, một cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn huyện Mộ Đức đã thịt heo nái rồi bán theo giá… heo rừng!. Hay như mặt hàng rau, củ, quả, dù Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thông tin vui rằng, năm 2015, đơn vị đã thu gần 100 mẫu rau, thịt để kiểm nghiệm nhưng kết quả có chưa đến 1% mẫu rau còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tuy ý thức người sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng người tiêu dùng vẫn lo sản phẩm rau, củ, quả sẽ bị sử dụng các hóa chất “kích thích” để lớn nhanh, sai quả nhằm kịp thu hoạch bán Tết.
Lo lắng trên không phải không có cơ sở khi công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các ngành chức năng chỉ như “đánh trống bỏ dùi”. Bởi, theo báo cáo của Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi, năm 2015, đơn vị này đã kiến nghị xử lý hình sự 4 cơ sở có hành vi vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu về ATVSTP. Vậy nhưng 4 cơ sở này chỉ bị Sở KH&ĐT thu hồi giấy phép kinh doanh, còn phía Công an vẫn chưa vào cuộc.
Ngoài sự bất chấp của các chủ cơ sở SXKD, sự thiếu quyết liệt của các ngành chức năng, thì chính ý thức của người tiêu dùng đã vô tình tạo điều kiện để hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP có cơ hội tồn tại. “Hiếm khi tôi thấy khách hàng mua sản phẩm mà xem hạn sử dụng, lô gô hay hỏi thăm tên công ty, đơn vị sản xuất của nước nào, có đảm bảo uy tín và chất lượng hay không”, bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa Vàng Hương, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết.
Mong rằng dịp Tết Nguyên đán năm nay, những khúc mắc trên sẽ được các ngành chức năng tháo gỡ, góp phần giúp người dân có một cái Tết an toàn, tiết kiệm và vui tươi.
*Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Võ Văn Kỹ:“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi thói quen của người sản xuất và tiêu dùng”. Từ nay đến cuối tháng 1.2016, chúng tôi đẩy mạnh việc thu mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, đặc biệt là tồn dư chất cấm và thuốc bảo vệ thực vật trong rau, thịt GSGC. Tuy nhiên, cái khó của việc chấn chỉnh tình trạng mất ATVSTP là một bộ phận người dân thích mua sắm hàng hóa ngay trên vỉa hè, cũng như chưa hình thành thói quen giám sát chất lượng sản phẩm như truy hỏi về nguồn gốc, xuất xứ... Đặc biệt, người dân chưa mạnh dạn thông báo đến ngành chức năng khi phát hiện những cơ sở SXKD, sản phẩm nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và ATVSTP. Trong khi đó, vấn đề ATVSTP dù “nóng” nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền các địa phương. *Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nguyễn Văn Oai:“Chính quyền cơ sở phải nâng cao vai trò giám sát, quản lý”. Một số địa phương cho rằng, với những cơ sở đăng ký kinh doanh nhỏ, lẻ thì họ đã có trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh, còn kiểm tra chất lượng và ATVSTP của sản phẩm là việc của ngành y tế. Đã thế, công tác quản lý rời rạc, chưa có sự thống nhất chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan là Sở Công thương, Sở Y tế, Sở NN&PTNT nên nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh dường như đang bị “thả nổi” về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Khắc phục tình trạng này, sắp tới chúng tôi kiến nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh tăng cường vai trò và trách nhiệm của tuyến cơ sở, cộng đồng dân cư. Đồng thời phân cấp rõ trách nhiệm, vai trò kiểm tra, giám sát và quản lý của các đơn vị liên quan. *Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Nguyễn Thịnh:“Đa dạng hóa sản phẩm phải đi kèm với chất lượng”. Theo phản ánh của các tiểu thương và người dân địa phương, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Điều đáng mừng là hiện giờ giá bán các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm trên địa bàn huyện vẫn ở mức bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, vì năm nay UBND tỉnh không thực hiện chương trình bình ổn giá hàng hóa ở các huyện đồng bằng, lại chỉ có hai siêu thị là Co.opmart và Nghĩa Hành tham gia nên người dân huyện Đức Phổ cũng gặp bất lợi trong việc mua sắm hàng hóa. Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm Tết, UBND huyện Đức Phổ đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng nguồn hàng ở chợ, cửa hàng tạp hóa, nhằm tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá. *Ông Võ Công Thanh, xóm Mới, xã Bình Trung (Bình Sơn):“Cần công khai danh tính cơ sở sản xuất và sản phẩm không đảm bảo ATVSTP”. Thông tin cơ sở này, sản phẩm nọ kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP được báo, đài nói hằng ngày. Tuy nhiên, thông tin chúng tôi cần biết là: Sản phẩm đó tên gì? Do cơ sở nào sản xuất? Vi phạm các yêu cầu gì, mức độ đến đâu? Sản phẩm đang được bán ở đâu, giá cả thế nào?… thì tìm hoài chẳng thấy. Không lẽ mỗi khi mua hàng, chúng tôi lại tra hỏi và người bán liệu có nói “đừng mua sản phẩm này, nó không đảm bảo chất lượng”?. Bây giờ, cơ sở nào vi phạm, vi phạm cái gì thì phải minh bạch, công khai rộng rãi; thậm chí phải dán thông báo thông tin vi phạm tại các cửa hàng, đại lý thì chúng tôi mới biết mà tránh. |
Bài, ảnh: MỸ HOA