(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần có biện pháp giải quyết, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những kết quả đáng khích lệ
Để thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh ta đã huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo tại các cơ sở dạy nghề với tổng kinh phí trên 125,7 tỷ đồng. Nhờ đó, trong giai đoạn 2010-2014, toàn tỉnh có 31.712 LĐNT được đào tạo nghề, trong đó 27.976 người có việc làm, thêm việc làm, được nâng cao tay nghề sau học nghề, đạt 88%. Điều đáng mừng là 878 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo và 1.027 hộ có người tham gia học nghề đã vươn lên có cuộc sống khá. Cũng từ đây, cơ cấu lao động trong nhóm ngành Công nghiệp – Xây dựng của tỉnh từ 22% (năm 2011) đã tăng lên 28% (năm 2014). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng khá nhanh, năm 2010 là 28%, năm 2011 là 30,5% và đến nay đạt trên 40%. Kết quả đó cho thấy, Đề án 1956 đã hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực LĐNT, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Đào tạo nghề may công nghiệp cho LĐNT tại một tổ hợp may công nghiệp tại gia ở huyện Tư Nghĩa. |
Nhiều địa phương, hội đoàn thể đã khảo sát, tổ chức dạy những nghề mà LĐNT đang cần, nên sau khi đào tạo đã phát huy được hiệu quả. Đơn cử là mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư, thuyền viên tàu cá cho ngư dân vùng ven biển, hải đảo. Từ mô hình tổ chức 1 lớp với 35 học viên tại xã Bình Châu (Bình Sơn), đến nay đã nhân rộng và tổ chức được 100 lớp với trên 3.000 ngư dân của 28 xã vùng ven biển, hải đảo. Ngoài ra, một số nghề được LĐNT “ưa chuộng” hiện nay là nghề xây dựng, nghề làm chổi đót, trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi… nên thu hút đông đảo học viên tham gia. Riêng ở các địa phương miền núi, nhiều lao động học nghề xây dựng đã phát huy được hiệu quả tay nghề, không những tự xây nhà cửa cho gia đình mà còn tham gia nhận thầu, nên tình hình khan hiếm thợ xây dựng trên địa bàn miền núi không còn bức bách như trước.
Vẫn còn “nút thắt”
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn gặp phải những “nút thắt” cần được tháo gỡ. Một trong những khó khăn, bất cập là việc tuyển dụng và sắp xếp cơ cấu đội ngũ giáo viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề (GDTX-HN&DN) tại các huyện chưa phù hợp. Điển hình là Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Trà Bồng có 4 biên chế, nhưng đều là cán bộ quản lý và cán bộ hành chính, không có giáo viên cơ hữu nào. Đó cũng là thực trạng chung của 10 Trung tâm GDTX-HN&DN còn lại trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ không có giáo viên, các trung tâm này phải ký hợp đồng thỉnh giảng với những cán bộ là kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nông dân sản xuất giỏi… Mà một khi phải ký hợp đồng thì phải mất thêm nguồn kinh phí để trả lương. Hơn thế, vì phần kinh phí trả lương cho giáo viên quá ít nên khó thu hút giáo viên thỉnh giảng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy nghề ở các huyện.
Đặc biệt, một số nghề nông nghiệp như: Trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản… hướng dẫn người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên nền tảng kinh nghiệm sẵn có được nhiều người học lựa chọn, song để phát huy hiệu quả kinh tế đòi hỏi có sự đầu tư lớn, trong khi mức vay hỗ trợ ưu đãi thấp. Điều này khiến không ít hộ nông dân sau khi học nghề đành phải bỏ ngang hoặc làm không tới nơi tới chốn vì khó khăn về vốn và kỹ thuật. Một bất cập nữa là, tinh thần tự giác học nghề của người dân chưa cao. Một bộ phận không nhỏ người lao động chưa nhận thức đúng đắn, chưa coi việc học nghề là nhu cầu thiết yếu để có thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống hay đơn giản là để nâng cao tay nghề. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền tới các tổ chức, đoàn thể và người lao động trên địa bàn về công tác đào tạo nghề.
Mặt khác, các cơ sở dạy nghề cũng chưa chủ động trong việc đào tạo và liên kết đào tạo. Trong năm 2015, có 28 cơ sở dạy nghề được phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT, tuy nhiêu chỉ khoảng 65% trong số đó có ký biên bản ghi nhớ liên kết đào tạo và cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, số còn lại vẫn loay hoay tìm “đầu ra” cho người lao động sau đào tạo nghề. Đồng thời, một số địa phương áp dụng kinh phí đào tạo nghề không trúng với nhu cầu của người lao động. Một số nghề phi nông nghiệp không “hút” được lao động tham gia học, mặc dù nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh rất cần, nhưng việc tuyên truyền chưa đúng nơi, đúng đối tượng, dẫn đến việc khó tuyển sinh hoặc lao động sau đào tạo không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Đơn cử như nghề may công nghiệp, mặc dù Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa (Cụm công nghiệp La Hà) trực tiếp đến tận các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để ký kết biên bản ghi nhớ đào tạo nghề và cung ứng lao động, nhưng hằng năm số lượng lao động sau học nghề đến làm việc tại doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và người lao động thường không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Để nâng cao hiệu quả dạy nghề cho LĐNT, trong thời gian tới, Sở sẽ khảo sát và xây dựng kế hoạch để các cơ sở dạy nghề và các trường có nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT đăng ký thực hiện theo các mục tiêu đào tạo theo nhu cầu người học, theo ngành nghề phù hợp với đặc điểm của địa phương (theo danh mục nghề đã phê duyệt), theo nhu cầu của doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Sở LĐ-TB&XH sẽ có trách nhiệm cùng với Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ trong việc bố trí, sắp xếp lại cơ sở dạy nghề, định mức giáo viên cơ hữu, giáo viên có trình độ sư phạm nghề cho các Trung tâm có tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. *Ông Võ Đình Tá - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề tỉnh: Nhà trường luôn tìm đầu ra cho người lao động sau học nghề, hằng năm đều ký biên bản ghi nhớ đào tạo nghề và cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nên số lượng LĐNT có việc làm sau đào tạo khá ổn định. Đối với nghề may công nghiệp, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn khi người LĐ ở nhiều địa phương không “mặn mà” với nghề này vì nhiều lý do như lương thấp, làm việc xa nhà… nên chúng tôi đang có hướng đào tạo các lớp may công nghiệp ngay tại các địa phương để cung ứng lực lượng lao động này cho các tổ hợp may công nghiệp nhỏ lẻ, đáp ứng được nhu cầu của LĐNT. *Ông Trình Công Đường – Phó Giám đốc Trung tâm GDTX-HN&DN huyện Trà Bồng: Những năm trước, Trung tâm cũng có đào tạo các ngành nghề may công nghiệp và gò hàn, nhưng qua thực tế cho thấy các nghề này không phù hợp với đặc điểm của lao động tại địa phương. Hầu hết số lao động qua đào tạo các nghề này chỉ làm việc tại các doanh nghiệp được một thời gian ngắn rồi bỏ về. Vì vậy, năm nay trung tâm đã tập trung đào tạo các nghề nông- lâm nghiệp, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động trong phát triển kinh tế gia đình, đồng thời chọn lựa những nghề phi nông nghiệp phù hợp và theo nhu cầu của người dân để đào tạo như nghề quấn chổi đót và xây dựng. *Chị Nguyễn Thị Kim Thời – thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa): Trước đây tôi cũng học qua nghề may, nhưng do không có chứng chỉ nên chỉ làm việc ở các cơ sở may tư nhân. Giờ tôi tự mở tổ hợp may công nghiệp tại nhà với khoảng 20 máy, giải quyết việc làm cho 20 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm không cao do các chị em đều là “tay ngang”. Được biết các tổ hợp may khác trong vùng có liên kết với Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi đào tạo nghề cho LĐNT tại chỗ nên tôi liên hệ và được nhà trường mở lớp may cho các chị em ngay tại cơ sở. Đây là cách làm hay, hiệu quả, vì nhiều chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể đến trường để học. Việc liên kết dạy nghề như thế này sẽ nâng cao tay nghề cho học viên và trong quá trình đó họ cũng vẫn có thu nhập. |
Bài, ảnh: Vũ Yến