(Báo Quảng Ngãi)- Công tác điều dưỡng người có công (NCC) là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với NCC với cách mạng. Ở tỉnh ta, công tác điều dưỡng NCC đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Tuy nhiên, công tác điều dưỡng NCC vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.
Khỏe thể chất, vui tinh thần
Công tác điều dưỡng NCC vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa đáp ứng nhu cầu của đối tượng NCC trong công tác chăm sóc sức khỏe. Tại tỉnh ta, Trung tâm Điều dưỡng NCC được thành lập từ năm 2006. Người có công đã và đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh đều nhận định rằng, quãng thời gian điều dưỡng tại trung tâm chẳng những giúp khỏe về thể chất mà còn vui về tinh thần.
Thời điểm này, trung tâm đang đón tiếp hàng trăm lượt NCC về điều dưỡng tập trung. Trong khuôn viên xanh mát của trung tâm, từng tốp những cụ già ngồi trò chuyện với nhau về gia đình, con cái, nhớ về những ngày tháng chiến đấu anh dũng để quê hương được giải phóng.
Các đối tượng người có công được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. |
Trong khu vực nhà y tế, một số cụ đang ngồi thư giãn trên ghế rung, số khác đang được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe, cấp phát thuốc bổ. Trung tâm được xây dựng gần biển nên những đợt gió biển mang theo hơi nước mát lạnh cũng xua bớt cái nóng ngày hè, tạo không khí dễ chịu cho các cụ. Cụ bà Nguyễn Thị Tư (75 tuổi, thương binh 3/4, ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) hồ hởi bảo: “Ở đây vui lắm. Được gặp bạn bè cũ, rồi được chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ. Không khí lại trong lành, thoáng đãng nên sức khỏe cũng tốt lên. Có một số người còn được đi du lịch 2 ngày ở tỉnh khác nữa, nhưng sức khỏe mình không cho phép nên phải ở lại đây, cũng tiếc lắm”.
Công tác điều dưỡng luân phiên NCC luôn được Trung tâm chú trọng. Việc tổ chức đón tiếp và chăm sóc sức khỏe được thực hiện chu đáo. Trung tâm đã phân công các y sĩ, điều dưỡng viên theo dõi sức khỏe của từng đối tượng NCC, căn cứ vào tình trạng bệnh tật, sức khỏe của từng người để chỉ định phương thức chăm sóc và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với tuổi già và bệnh lý. Bên cạnh việc chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho NCC, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, tổ chức các đoàn đi tham quan khu di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh; tổ chức nói chuyện thời sự, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 200 NCC của tỉnh được đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng NCC ở một số tỉnh lân cận.
Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh thực hiện điều dưỡng tập trung cho khoảng 2.000 – 2.200 đối tượng/năm. Song song với hoạt động điều dưỡng, trung tâm còn nuôi dưỡng các đối tượng NCC đơn thân, không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh. Vợ chồng ông Lê Quý Đẩu (89 tuổi) và bà Trần Thị Luật (90 tuổi) đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm cho biết: “Về sinh sống ở đây, tôi được cán bộ, nhân viên chăm sóc tận tình, chu đáo. Chúng tôi thấy rất thoải mái và yên tâm, vì nơi đây thật sự đã trở thành mái nhà nghĩa tình để chúng tôi vui sống quãng đời còn lại”.
Vẫn còn hạn chế
Tỉnh ta hiện có hơn 50.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đều thuộc diện điều dưỡng và phục hồi sức khỏe, trong đó có 1.175 trường hợp thuộc diện điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần và số còn lại thuộc diện điều dưỡng hai năm một lần. Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH phân bổ chỉ tiêu điều dưỡng cho tỉnh khoảng từ 25.000-30.000 đối tượng NCC. Trong khi đó, với quy mô 80 giường của Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh, mỗi năm tỉnh ta chỉ thực hiện điều dưỡng tập trung cho khoảng hơn 2.000 lượt NCC là quá ít với chỉ tiêu được phân bổ, số còn lại phải thực hiện cấp tiền điều dưỡng tại gia đình. Ông Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, đối với công tác điều dưỡng tại gia đình, việc sử dụng số tiền được cấp thường không đúng với mục đích là điều dưỡng, nâng cao sức khỏe cho NCC.
Ông Hải cho biết thêm, việc điều dưỡng NCC tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh hằng năm đều không hoàn thành chỉ tiêu. Đơn cử như năm 2014, chỉ tiêu điều dưỡng tập trung cho 2.000 đối tượng nhưng đến cuối năm trung tâm chỉ tổ chức được 26 đợt điều dưỡng cho 1.668 lượt NCC. Lý do vì một số đối tượng NCC không muốn đi điều dưỡng tập trung tại một địa điểm nhiều lần. Một số địa phương thiếu quan tâm trong khâu tổ chức, xét chọn đối tượng đi điều dưỡng tập trung, không tìm hiểu rõ mong muốn của đối tượng cũng như sức khỏe của đối tượng có đáp ứng được việc đi lại hay không. Công tác tuyên truyền chưa sâu sát đến với các đối tượng khiến nhiều đối tượng NCC vẫn chưa nhận thức được lợi ích từ việc điều dưỡng tập trung…
Một vấn đề cần được quan tâm nữa là tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh hiện đang nuôi 10 đối tượng NCC có hoàn cảnh neo đơn. Do chưa có nhà nuôi dưỡng nên trung tâm phải sử dụng cơ sở điều dưỡng, vì thế số giường phục vụ cho công tác điều dưỡng bị giảm bớt. Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có hơn 30 đối tượng NCC có hoàn cảnh neo đơn, có nhu cầu vào sống tại trung tâm. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân sự như bác sĩ, nhân viên phục vụ cũng là một trong những khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh.
Có thể nhận thấy, nhu cầu được điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe của NCC với cách mạng ở tỉnh ta là rất lớn. Để thực hiện tốt chính sách chăm sóc, điều dưỡng NCC đòi hỏi cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách một cách tốt nhất.
*Ông Đinh Xuân Sâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Tỉnh ta đã đề nghị với Trung ương xem xét và cho chủ trương để đầu tư xây dựng cơ sở II của Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh với quy mô trên 100 giường để có thể tăng số lượng NCC được điều dưỡng tập trung hằng năm lên khoảng 5.000 người. Hiện tại, Sở đang triển khai xin hỗ trợ kinh phí của Tổng cục Chính trị- Bộ Quốc phòng để xây dựng nhà nuôi dưỡng trong khuôn viên trung tâm với quy mô nuôi dưỡng khoảng 20 đối tượng. Đồng thời, Sở cũng đã có kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác điều dưỡng đảm bảo hơn, nhất là điều dưỡng tập trung. Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát chế độ điều dưỡng, cấp đúng, cấp đủ đối với đối tượng điều dưỡng tại gia đình, đảm bảo đối tượng sử dụng số tiền đó đúng theo quy định, mục đích mà chính sách đề ra. *Ông Đinh Duy Long – Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh: Nhân lực và cơ sở vật chất của Trung tâm Điều dưỡng NCC vẫn còn thiếu và yếu. Nhu cầu bức thiết nhất của Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh hiện nay là con người để phục vụ cho công tác nuôi dưỡng, nhất là công tác y tế hiện vẫn chưa đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các đối tượng NCC. Hiện trung tâm chỉ có 1 y sĩ trong biên chế và 1 điều dưỡng hợp đồng. Trung tâm cần được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phục hồi sức khỏe, vật lý trị liệu nhằm nâng cao chất lượng của công tác điều dưỡng tập trung. Ngoài ra, nguồn kinh phí cũng cần được quan tâm hơn nữa để có thể tổ chức thêm nhiều chương trình văn nghệ, các chuyến tham quan… để tạo tinh thần thoải mái, phấn khởi cho đối tượng NCC trong thời gian điều dưỡng tại trung tâm. *Ông Nguyễn Thám (68 tuổi, thương binh 2/4), ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức: Tôi đi điều dưỡng tập trung lần này là lần thứ 3. Đây là dịp tôi được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, tôi cảm thấy chính sách điều dưỡng rất thiết thực. Tuy nhiên, tại địa phương tôi ở, có nhiều anh em thương, bệnh binh được hưởng chế độ điều dưỡng tập trung, họ cũng rất muốn đi nhưng lại chưa được chọn đi lần nào. Cũng có người đã đi nhiều lần, không muốn đi nữa nhưng cán bộ LĐ-TB&XH của địa phương vẫn gửi giấy mời đi. Thiết nghĩ việc lựa chọn đối tượng đi điều dưỡng tập trung cần phải tham khảo ý kiến của từng đối tượng để tránh tình trạng như đã nói ở trên. |
Bài, ảnh: Xuân Hiếu