(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị định 158/CP của Chính phủ, năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1000/QĐ-UBND về việc quy định những vị trí công tác "nhạy cảm” sẽ phải luân chuyển định kỳ nhằm đề phòng tiêu cực. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì quá trình tổ chức thực hiện công tác này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Luân chuyển là cần thiết
Cán bộ cấp xã, phường, thị trấn là những người hàng ngày tiếp xúc với nhân dân, trong đó tập trung nhiều nhất là cán bộ địa chính, tư pháp, tài chính… Do đó, nếu những cán bộ ở những vị trí này “không giữ mình” thì rất dễ xảy ra tiêu cực. Điển hình như, trong năm 2014, hàng loạt cán bộ tài chính ngân sách các xã: Sơn Nham, Sơn Hạ, Sơn Thành và Sơn Thượng (Sơn Hà) bị phát hiện có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính. Đặc biệt tại xã Sơn Thượng, qua luân chuyển công tác đối với bà Lê Thị Kiều Hoanh, cán bộ kế toán xã, cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm hàng trăm triệu đồng. Hay như ông Nguyễn Văn Toàn, cán bộ địa chính xã Bình Long (Bình Sơn) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân. Còn Nguyễn Diện, cán bộ địa chính xã Phổ Phong (Đức Phổ), sau khi nhận 54 giấy chứng nhận QSDĐ từ huyện về, thay vì cấp cho người dân thì ông lại ém trong tủ, gây bức xúc trong dư luận. Trước đó, ở xã Bình Minh (Bình Sơn) cán bộ phụ trách công tác thương binh - xã hội đã để tồn đọng hàng trăm hồ sơ của người có công...
Cán bộ ở bộ phận một cửa của UBND TP. Quảng Ngãi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 158/CP và UBND tỉnh ban hành Quyết định 1000 về việc quy định danh mục các vị trí công tác "nhạy cảm” sẽ phải luân chuyển định kỳ 3 năm/lần là hết sức cần thiết. Vị trí công tác "nhạy cảm” ở cấp xã, phường, thị trấn, gồm cán bộ các lĩnh vực: Địa chính - xây dựng, LĐ-TB&XH, Tư pháp hộ tịch, Tài chính - kế toán... Đây là bước đi quan trọng nhằm tiến đến chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ công chức (CBCC), làm lành mạnh hóa nền hành chính, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng nên được đông đảo người dân quan tâm theo dõi. Qua triển khai thực hiện bước đầu đã mang lại một số kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần chủ động ngăn chặn, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CBCC, phục vụ tốt hơn nhu cầu giải quyết công việc cho dân.
Theo đánh giá của lãnh đạo một số huyện, thành phố trong tỉnh, việc luân chuyển cán bộ xã, phường, thị trấn ở những vị trí “nhạy cảm” đã tạo sự cố gắng phấn đấu vươn lên của CBCC trong việc chấp hành giờ làm việc tại cơ quan, nỗ lực học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn; hạn chế tình trạng CBCC cửa quyền, hách dịch, bảo thủ, trì trệ trong công việc và các tiêu cực khác đối với nhân dân... Sau khi luân chuyển, một số cán bộ đã nhanh chóng hoà nhập môi trường làm việc mới, có cách làm hay, góp phần giải quyết nhanh các công việc của công dân,...Các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi… là những địa phương triển khai bước đầu có hiệu quả trong công tác này.
Sớm khắc phục những tồn tại
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một số cán bộ làm việc ở những vị trí “nhạy cảm” bị dư luận không tốt, nhưng một số địa phương không tiến hành kiểm tra, làm rõ trước khi chuyển đến địa phương khác làm dư luận bán tín bán nghi trong nội bộ và nhân dân. Thậm chí, nhiều cán bộ vừa nhận quyết định luân chuyển đã nghĩ ngay đến ngày… "hồi hương”. Với tư duy này, ở vị trí công tác mới, họ luôn luôn giữ mình, ngại va chạm, không thực sự gắn mình với cơ sở, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, dẫn đến hiệu quả của công tác luân chuyển chưa đạt yêu cầu. Trong quá trình luân chuyển, nếu không làm chặt chẽ và có sự giám sát thì cũng dễ phát sinh tiêu cực, vì trong số này cũng có người muốn xin đi nhưng cũng có người “không muốn rời ghế”... Đặc biệt là, một số cán bộ ở vùng bãi ngang ven biển do được phụ cấp 70% nên không muốn chuyển đến xã không phải bãi ngang.
Điều đáng nói nữa là, một số nơi tiến hành luân chuyển một cách rập khuôn, máy móc, làm xáo trộn tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Hiện nay, ở một số Đảng bộ cơ sở đang tiến hành đại hội đảng nhưng có huyện vẫn quyết định luân chuyển, gây khó khăn cho công tác nhân sự, tâm lý làm việc của cán bộ. Có huyện, việc luân chuyển cán bộ từ xã này sang xã khác và bố trí làm công tác địa chính, nhưng người này không có chuyên môn về địa chính khiến nhân dân và lãnh đạo lo lắng...
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tuy chưa tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 158/CP và Quyết định 1000 của UBND tỉnh, nhưng việc luân chuyển cán bộ ở những vị trí “nhạy cảm” được thực hiện trong thời gian qua cũng có mặt được và chưa được. Bởi có những vị trí chức danh chỉ có 1 người làm, nếu luân chuyển cán bộ này thì ai sẽ tiếp tục những công việc đó. Những vị trí công tác như địa chính- xây dựng, LĐ-TB&XH, tư pháp hộ tịch, tài chính -kế toán, là công việc gắn với chuyên môn đào tạo. “Nếu cứ 3 năm phải luân chuyển một lần thì những cán bộ làm công tác ở những vị trí nhạy cảm này vừa mới quen việc, quen địa phương thì lại luân chuyển, làm ảnh hưởng đến công tác điều hành của địa phương. Do đó, việc luân chuyển này nên kéo dài 5 năm thì mới phù hợp”, ông Linh đề xuất.
*Ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà: Việc luân chuyển cán bộ ở Sơn Hà xuất phát từ yêu cầu giải quyết công việc của nhân dân, nên thực hiện bảo đảm đúng quy trình, công khai, dân chủ. Nhờ làm tốt công tác này mà bản thân mỗi cán bộ được luân chuyển đã phát huy năng lực, nhiệt tình trong công việc, biết lắng nghe ý kiến của người dân để giải quyết công việc. Qua luân chuyển cán bộ kế toán xã mà huyện phát hiện những sai phạm về quản lý ngân sách ở xã Sơn Thượng, Sơn Thành, Sơn Hạ... với số tiền hàng trăm triệu đồng. Nếu không luân chuyển thì “cũng khó” phát hiện được các sai phạm trong quản lý tài chính. Với quan điểm quy rõ trách nhiệm cá nhân, huyện đã xử lý nghiêm khắc những cá nhân sai phạm. *Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức: Thực hiện Nghị định 158/CP của Chính phủ và Quyết định 1000 của UBND tỉnh, Mộ Đức tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ lãnh đạo của huyện. Sau hội nghị, hằng năm huyện ban hành kế hoạch về luân chuyển các vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc huyện quản lý. Theo đó, huyện có 100 công chức, viên chức nằm trong danh mục chuyển đổi vị trí công tác và huyện đã thực hiện luân chuyển được 37 công chức. Trong đó có 15 công chức xã, thị trấn. Số công chức, viên chức được luân chuyển đã nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt công việc, tham mưu tốt cho thủ trưởng cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là hạn chế các tiêu cực... *Ông Nguyễn Vỹ - Trưởng Phòng Nội vụ TP.Quảng Ngãi: Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của 22 công chức, viên chức thành phố và xã phường làm công tác địa chính, kế toán. Cán bộ luân chuyển thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, làm chuyển biến tích cực công tác chuyên môn ở cơ sở. Thời gian tới, thành phố tiếp tục chủ trương luân chuyển cán bộ ở những xã mới sáp nhập nhằm tạo điều kiện để họ rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, phấn đấu, trưởng thành; đồng thời góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín ở địa phương. Tuy nhiên, việc luân chuyển này cần phải linh hoạt về thời gian và những ngành, nghề, vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, không nên cứng nhắc thời hạn 3 năm mà có thể là 4 - 5 năm. *Ông Trần Hồng Long - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà: Việc luân chuyển cán bộ tài chính kế toán, địa chính vào thời điểm giữa năm đã gây cho địa phương không ít khó khăn. Tịnh Hà là địa phương có diện tích rộng, dân số đông lại đang có nhiều dự án triển khai xây dựng có liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, như đường cao tốc, Trung tâm huyện lỵ nên cần cán bộ địa chính có kinh nghiệm để giải quyết công việc. Thế nhưng, huyện luân chuyển cán bộ địa chính của xã đi Tịnh Bắc và chuyển 1 cán bộ có trình độ chuyên môn là xây dựng về địa phương. Để cán bộ mới chuyển về sớm nắm bắt công việc, xã sẽ phân công một Phó chủ tịch ủy ban hỗ trợ bước đầu... *Chị Nguyễn Thị Mèn, kế toán xã Ba Xa: Trước khi được luân chuyển lên Ba Xa, tôi làm kế toán tại xã Ba Lế từ năm 2008 - 2013 và không để xảy ra sai phạm gì trong quản lý tài chính, ngân sách. Lên xã Ba Xa, tuy xa, nhưng đường đi thuận lợi hơn so với vào xã Ba Lế. Khi nhận quyết định luân chuyển về Ba Xa, tôi không bỡ ngỡ gì, bởi khi được tuyển dụng, tôi xác định làm việc ở đâu cũng là làm việc và có luân chuyển đi đâu tôi cũng sẵn sàng. Trước khi lên đây, huyện có thông báo luân chuyển tôi vào Ba Nam, rồi Ba Bích, nhưng khi đó tôi đang mang thai và nuôi con nhỏ nên được hoãn. Về làm công tác kế toán ở xã Ba Xa tôi tiếp cận ngay với công việc và môi trường làm việc mới. |
Bài, ảnh: Bá Sơn