Nỗi lo khi xăng, dầu, điện tăng giá

10:03, 28/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa bước qua Tết, 3 mặt hàng cực kỳ quan trọng của đời sống là xăng, dầu, điện đồng loạt tăng giá. Điều này dấy lên mối lo ngại về việc tăng giá các hàng hóa thiết yếu khác trên thị trường.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù giá cả hàng hóa hiện tại chưa tăng nhiều, nhưng như quy luật khi xăng, dầu và điện tăng giá, ắt các hàng hóa, dịch vụ khác sẽ “té nước theo mưa”. Vì thế, việc kiểm soát giá cả của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo sự ổn định thị trường là việc làm cần thiết, thường xuyên, chứ không đợi đến khi giá tăng mới bắt đầu kiềm chế!

Giá cả rục rịch tăng

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, giá cả tháng 2 và nửa đầu tháng 3 năm 2015 không tăng, mặc dù đây là khoảng thời gian mua sắm cao điểm trong năm. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 3 đến nay, khi xăng, dầu và điện đồng loạt tăng giá, thị trường hàng hóa và dịch vụ đã bắt đầu rục rịch tăng theo. Một số doanh nghiệp vận tải trong tỉnh đã lên phương án điều chỉnh tăng giá cước vận tải hàng hóa, hành khách trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thị trường tiêu dùng, từ rau xanh đến thực phẩm tại các chợ cũng bắt đầu tăng giá bán, mặc dù việc tăng ở mức khá nhẹ.

 

Dầu, điện tăng giá, chi phí ra khơi của ngư dân cũng tăng đáng kể.
Dầu, điện tăng giá, chi phí ra khơi của ngư dân cũng tăng đáng kể.


Trao đổi với các tiểu thương tại chợ tạm TP.Quảng Ngãi về nguyên nhân vì sao tăng giá, họ đều trả lời rằng vì giá hàng hóa từ nhà sản xuất và giá cước vận chuyển hàng hóa đều đã tăng chút đỉnh, nếu cứ giữ nguyên mức giá cũ như trước kia thì lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Chị Bùi Thị Bích Hằng, chủ quầy sạp quần áo, mỹ phẩm tại chợ tạm TP.Quảng Ngãi cho rằng: “Trước đây, khi vận chuyển một kiện hàng từ Hà Nội hay Sài Gòn về chỉ tốn phí 400.000 đồng. Nhưng từ khi xăng, dầu tăng, giá cước đã tăng lên thêm 50.000 đồng/kiện hàng. Tăng giá thì mất khách mà không tăng thì thiệt thòi cho tiểu thương chúng tôi”.

Lĩnh vực chịu sự tác động rõ ràng của việc tăng giá xăng, dầu, điện đối với Quảng Ngãi là hoạt động nghề cá. Phiên biển “mở cửa biển” đầu năm, ngư dân ra khơi trong tâm thế rất thoải mái vì tất cả các hàng hóa liên quan đến một chuyến ra khơi đều ổn định. Thế nhưng, chuyến ra khơi thứ 2 trong năm của các tàu đánh bắt xa bờ thì mọi thứ đều đã “nhích” lên. Ông Nguyễn Tày, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), chủ tàu cá QNg 96503 TS cho biết: “Điện tăng giá dẫn đến giá thành đá cây tăng, dầu tăng, vị chi chuyến ra khơi thứ 2 này chủ tàu phải tăng thêm chi phí khoảng chục triệu đồng so với chuyến ra khơi hồi đầu năm”. Đối với ngư dân đánh bắt gần bờ, việc trữ đá lạnh dường như không đáng kể, dầu diezel sử dụng không nhiều nhưng từ sau khi dầu và điện tăng giá, mỗi phiên biển của ngư dân cũng tăng thêm 1 triệu đồng chi phí so với trước đó.

Dự báo về một “làn giá mới”

Theo báo cáo của Sở Công thương, tình hình giá tháng 2 đều giảm, do giá xăng, dầu được điều chỉnh liên tục giảm. Trong năm 2014, tính tổng cộng giá xăng, dầu giảm sâu đến hơn 7.000 đồng/lít. Xăng, dầu giảm dẫn đến những sản phẩm, dịch vụ có liên quan hai mặt hàng này đều giảm theo. Tuy nhiên, sang tháng 3.2015, chỉ số giá tiêu dùng khó lòng duy trì mức độ giảm do tác động của yếu tố điện, xăng và dầu tăng giá. Sự tăng giá cùng lúc của 3 mặt hàng tối quan trọng đến sản xuất, đời sống là ngẫu nhiên, song đã gây sức ép “kép” đến thị trường.

Qua theo dõi diến biến thị trường kể từ khi tăng giá xăng, dầu, điện cho thấy, việc tăng giá các mặt hàng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường hàng hóa khác. Do vậy, công tác quản lý giá cần thiết phải bám sát các tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết, kiểm soát phù hợp. Trong khi xăng, dầu và điện là các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng gần như cùng lúc, dẫn đến giá thành sản xuất hàng hóa thiết yếu khó giữ theo mức cũ. Do đó, việc đảm bảo nguồn hàng cho sản xuất và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không bị thiếu hụt, kiểm soát giá cả và giữ vững chỉ số lạm phát “một con số” là đòi hỏi mà không phải chỉ một phía cơ quan quản lý giá hay doanh nghiệp làm được.

Đặc biệt, việc tăng giá điện vào ngày 16.3 vừa qua thêm 7,5% đã chính thức làm gia tăng chi phí trong mỗi gia đình ít nhất là vài chục ngàn đồng tiền điện/tháng, nhiều thì có thể lên đến cả trăm ngàn đồng. Đối với doanh nghiệp, chi phí tiền điện tăng thêm khi điện tăng giá phải tính bằng con số tiền triệu. Những diễn biến tăng này nhiều khả năng khiến thị trường hàng hóa nói chung sẽ “té nước theo mưa”, tạo nên một mặt bằng giá mới.

Hiện nay, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Bộ Tài chính về bám sát các mục tiêu theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, thực hiện việc theo dõi sát tình hình diễn biến một số mặt hàng thiết yếu, có giải pháp bình ổn kịp thời. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiên quyết không cho điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý theo sự tăng giá của xăng, dầu, điện.

Ông Trần Quang Toản – Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng: Ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần phải dự báo và thông tin, định hướng cho người tiêu dùng tránh bị kích thích tăng giá theo yếu tố tâm lý. “Chúng ta phải chú ý tránh tác động tăng giá dây chuyền, "té nước theo mưa", vô tình sẽ làm cho giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao” – ông Trần Quang Toản lưu ý.

*Ông Đỗ Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GT&VT: Dịch vụ vận tải chưa có nhiều biến động tăng giá.
Cho đến thời điểm hiện nay, sau ngày 11.3.2015 mặc dù giá xăng tăng 1.610 đồng/lít, dầu tăng 710/lít nhưng tình hình hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Việc tăng giá cước dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa theo giá nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp còn e dè bởi ở thời điểm hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân đã giảm nhiều, các doanh nghiệp muốn thu hút khách về với doanh nghiệp mình nên cạnh tranh về giá. Hơn nữa, muốn tăng giá cước tương ứng với giá nhiên liệu tăng thì mất chi phí về kẹp chì đồng hồ tính tiền, chi phí kiểm định đồng hồ tính tiền taxi, do vậy việc tăng giá cước vận tải trên địa bàn tỉnh là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn luôn được Sở GTVT chỉ đạo, kiểm tra, góp phần ổn định giá cả thị trường sau khi xăng, dầu tăng giá.

*Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Hoạt động đánh bắt của ngư dân bị ảnh hưởng.
Việc tăng giá xăng, dầu, điện tất yếu sẽ đội chi phí của ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của ngư dân vẫn ổn định, không xảy ra sự xáo trộn. Hiệu quả đánh bắt của ngư dân chịu sự tác động của nhiều phía như an toàn ngư trường, giá bán hải sản, sản lượng đánh bắt. Nếu các yếu tố này được đảm bảo thì giá nhiên liệu có tăng chút đỉnh, ngư dân có thể vẫn chấp nhận được. Vì thế, hy vọng rằng, về lâu dài tình hình này sẽ được duy trì một cách ổn định, tạo điều kiện để ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

*Ngư dân Nguyễn Lợi, thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn: Giá cả ổn định, đời sống ngư dân đỡ vất vả.
Sự biến động giá, đặc biệt là giá dầu, giá điện đã tác động lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Suốt năm 2014, khi giá dầu liên tục giảm, giá điện không tăng đã phần nào nhẹ gánh lo cho mỗi chuyến ra khơi. Thế nhưng, giờ nhiều mặt hàng cùng tăng giá thì dù tăng ít nhưng gộp lại cũng thành lớn. Thiên tai, rồi nhân tai luôn tiềm ẩn, cộng với sự tăng giá lần này, chắc chắn ngư dân sẽ khó khăn hơn trong đánh bắt.

*Ông Võ Văn Pháp, chủ cơ sở chế biến cá khô Bình Châu, Bình Sơn: Mong muốn sự tăng giá luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Sự tăng giá nếu là quy luật thị trường thì phải chấp nhận, nhưng tăng giá cùng lúc cả xăng, dầu lẫn điện là khó khăn chồng chất cho sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng đã dự lường là trước sau gì xăng, dầu cũng tăng trở lại theo diễn biến của tình hình thế giới sau một thời gian dài giảm giá. Rồi giá bán điện, sau cả năm không điều chỉnh tăng, thì sớm muộn gì cũng sẽ được cho phép tăng giá bán. Tuy nhiên, sản phẩm của doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh không phải muốn tăng là tăng. Vì thế, trước mắt, khi chi phí đầu vào tăng thì chúng tôi phải chịu thiệt thòi một thời gian rồi mới tính đến chuyện tăng giá. Chỉ mong sao giá các mặt hàng này khi đã tăng thì nên ổn định một thời gian dài và tăng trong sự kiểm soát chặt chẽ.

*Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành: Đầu vào tăng, đầu ra giảm đang gây khó khăn cho nhà nông.
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi xăng, dầu, điện tăng giá dẫn đến chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi đầu ra của sản phẩm nông sản thì giá cả lại bấp bênh thiếu tính ổn định. Trước mắt thì việc tăng giá 3 mặt hàng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây rau, cây lúa, trong khi giá bán nông dân lại chẳng thể quyết định được. Nhà nông rất mong sự ổn định giá cả, đặc biệt là xăng, dầu và điện để ổn định cuộc sống.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.