Nói không với bạo lực gia đình

10:11, 21/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ trong thời gian qua đã có nhiều tác động đến đời sống tinh thần của những người phụ nữ bị bạo hành. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thế nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn cứ xảy ra. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là nam giới để nói không với bạo lực gia đình.

Nỗ lực nâng cao nhận thức

Bà Võ Thị Thanh Hà-Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: Trong những năm qua, ngành văn hóa đã phối hợp với các hội đoàn thể, nhất là hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề bạo lực gia đình. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới.  

Ở huyện Bình Sơn, Hội LHPN huyện đã cho ra mắt mô hình “địa chỉ tin cậy”. Chị Nguyễn Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Sơn, cho biết: Cuối năm 2013, Hội LHPN huyện cho ra mắt 8 địa chỉ tin cậy ở xã Bình Dương. Mỗi thôn có 1 địa chỉ tin cậy bằng cách chọn một gia đình có uy tín, am hiểu về pháp luật. Khi gia đình nào xảy ra bạo lực đối với phụ nữ thì người phụ nữ có thể đến gia đình được chọn là địa chỉ tin cậy để được giúp đỡ. Gia đình là địa chỉ tin cậy có trách nhiệm báo vụ việc cho hội phụ nữ và cơ quan chức năng để giải quyết.

 

Các cấp phụ nữ luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền Phòng, chống bạo lực gia đình đến khu dân cư.
Các cấp phụ nữ luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền Phòng, chống bạo lực gia đình đến khu dân cư.


Đến năm 2014, Hội LHPN huyện Bình Sơn tiếp tục ra mắt 71 địa chỉ tin cậy. UBND xã là cơ quan ký quyết định thành lập địa chỉ tin cậy, trong đó Ban chỉ đạo gồm có công an xã, hội phụ nữ và các hội đoàn thể khác. Khi có bạo lực gia đình xảy ra thì ban chỉ đạo có trách nhiệm giải quyết. Chị Thúy cho biết thêm: “Lúc đầu mới thành lập địa chỉ tin cậy gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân, kể cả các thành viên trong ban chỉ đạo cũng chưa thực sự chú tâm. Đến đầu năm 2014 Hội LHPN huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để chị em hiểu được vai trò của địa chỉ tin cậy. Từ khi thành lập địa chỉ tin cậy đến nay, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện đã lắng xuống”.

 Thông qua các buổi sinh hoạt, các cuộc họp ở khu dân cư, hội phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện Bình Sơn đã kết hợp tuyên truyền về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… Qua đó, nhận thức của người dân trong việc xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, nói không với bạo lực gia đình… từng bước được nâng cao.

Vẫn diễn ra nhiều vụ việc đau lòng  

Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, các cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không như mong đợi, tình trạng bạo lực gia đình vẫn cứ diễn ra, để lại nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần đối với nhiều phụ nữ. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2007. Nhiều vụ bạo lực gia đình đã bị lên án, đối tượng sử dụng bạo lực đối với phụ nữ bị xử lý, thế nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Chị M. (ở huyện Sơn Tịnh) kết hôn hơn chục năm nay và cả hai đã có với nhau 2 mặt con. Chị làm nghề nấu ăn cho công nhân, chồng cũng có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, anh H. (chồng chị M) có người tình ở bên ngoài và bị chị M. phát hiện. Kể từ ngày biết vợ phát hiện mình ngoại tình, anh H thường xuyên đánh đập vợ. Nhiều sự việc dẫu rất cỏn con nhưng anh H cũng lấy làm lý do để đánh đập, hành hạ chị M. Vì hạnh phúc của các con thơ, chị H. nhẫn nhục chịu đựng. Thế nhưng những trận đánh ngày càng nặng hơn. Có lần anh H. đánh và đẩy chị M. ngã xuống trúng cạnh cửa làm chị bị thương nặng. Không chịu nổi cảnh chồng có nhân tình lại thường xuyên hành hạ vợ nên chị M. quyết định báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương. Kết quả, anh H. bị phạt hành chính. Dẫu mái ấm gia đình chưa tan vỡ, nhưng hành vi bạo lực của anh H. đã khắc sâu nỗi đau trong trái tim chị M.

Ông Hồ Quý Nhân-Phó trưởng Phòng văn hóa xã hội thuộc Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, nhất là đối với bạo lực phụ nữ vẫn còn tồn tại là do công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều kiện kinh tế của một bộ phận gia đình còn khó khăn, trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định, người chồng sa vào con đường rượu chè, cờ bạc... dẫn đến gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Thực tế cho thấy, đa số trường hợp xảy ra bạo lực gia đình, nhận thức về các quy định của pháp luật rất kém, thậm chí có những đối tượng sử dụng bạo lực ngay cả đối với cha mẹ, con cái.

Tình trạng bạo lực gia đình hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ. Liên Hợp quốc đã lấy ngày 25.11 hằng năm làm Ngày Phòng, chống bạo lực gia đình. Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp.
 

*Bà Huỳnh Thị Phương Hoa- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL:
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp liên quan. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xem đây là nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên. Ngày 25.11, hưởng ứng ngày Thế giới xóa bỏ nạn bạo lực đối với phụ nữ, ngành văn hóa sẽ tổ chức lễ mít-tinh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình.

*Ông Hồ Quý Nhân- Phó trưởng Phòng Văn hóa xã hội thuộc Văn phòng UBND tỉnh:
Trước hết, phải thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hai là, chính quyền cơ sở phải huy động được sức mạnh của cộng đồng dân cư trong việc phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương và tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong các tầng lớp nhân dân. Ba là, cần xây dựng các chế tài xử lý đủ mạnh, không chỉ xử lý hành chính bằng phạt tiền vì đại bộ phận đương sự gây bạo lực gia đình là người nghèo.

*Bà Nguyễn Thị Lan Anh- Giảng viên Khoa Nhà nước-Pháp luật (Trường Chính trị tỉnh):
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực phụ nữ. Trong đó nhận thức về pháp luật, xã hội của một bộ phận nam giới còn hạn chế, kể cả những người có trình độ thì tư tưởng gia trưởng vẫn tồn tại. Điều này đã tác động đến nhận thức của người đàn ông. Chính điều này đã cho người chồng “cái quyền” quyết định mọi việc. Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế cũng tác động lớn đến vấn đề bạo lực gia đình. Người phụ nữ vốn có tính cam chịu, coi bạo lực là chuyện bình thường và ngại để mọi người biết. Khi có bạo lực xảy ra thì họ nhẫn nhục chịu đựng còn người chồng thì càng ngày thực hiện hành vi ở mức độ nặng hơn. Hơn nữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc chưa triệt để và một số có tâm lý coi đó là việc nội bộ của gia đình.

*Bà Nguyễn Thị Mai- Chủ tịch Hội LHPN xã Phổ Thạnh (Đức Phổ):
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức xã hội cùng các hội, đoàn thể tiếp tục thực hiện tuyên truyền pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Nhất là tổ hòa giải ở cơ sở, người có uy tín, hiểu biết về pháp luật cùng chung sống trong cộng đồng dân cư nên có nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các cuộc họp dân cư bằng những vụ việc cụ thể xảy ra ở địa phương mình.
 

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.