(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ở tỉnh ta đã trở nên báo động. Hàng nghìn người lao động (NLĐ) đã và đang chịu nhiều thiệt thòi từ sự không chấp hành pháp luật của các chủ doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Doanh nghiệp “kêu” khó
Mới đây, chúng tôi có dịp tiếp cận gần 20 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, khi hỏi về vấn đề đóng BHXH, các chủ DN đều “kêu” khó. Họ lý giải nguyên nhân nợ đọng BHXH là do tình hình sản xuất khó khăn, khủng hoảng kinh tế. Nhất là đối với các DN thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông, chủ DN cho rằng chưa thu hồi vốn do chủ đầu tư dự án chậm nghiệm thu dẫn đến nợ đọng BHXH. Đơn cử như ở Công ty Cổ phần 20/7. Theo lãnh đạo Công ty thì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của Công ty gặp khó khăn, các công trình thi công chậm thu hồi vốn, một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện điều chỉnh giá theo quy định… nên đã nợ BHXH hơn 700 triệu đồng.
DN nợ BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ (Ảnh minh họa). |
Công ty Cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi mặc dù có bề dày phát triển đã hơn 30 năm, thế nhưng kể từ năm 2012 đến nay cũng “rơi” vào diện nợ đọng BHXH. Tổng số tiền DN này nợ BHXH lên đến 1,6 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Thọ-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi than thở: “Chúng tôi quá khó khăn. Lương công nhân 7 tháng nay chưa trả được, chứ đừng nói đủ tài chính để trả nợ BHXH”. Ông Thọ cho hay, nhiều hợp đồng về lĩnh vực giao thông không ký được, một số công trình thi công xong nhưng chưa thu hồi vốn… khiến cho DN gặp khó khăn.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến tháng 9.2014, có tổng cộng 681 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 84,7 tỷ đồng. Trong đó có 263 đơn vị nợ dưới 6 tháng; 155 đơn vị nợ từ 6 đến 12 tháng và hơn 260 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên. |
Trên thực tế, có nhiều DN thật tình khai báo là tình hình tài chính khó khăn, nhưng cũng có không ít DN cố tình tránh mặt mỗi khi cán bộ chức năng đến tìm hiểu về vấn đề nợ đọng BHXH. Có nhiều DN cố tình “lách” luật để kiếm lợi. Theo quy định, DN buộc phải đóng BHXH cho tất cả lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, nhiều chủ DN không thực hiện ký kết hợp đồng lao động, hoặc chỉ ký hợp đồng lao động theo thời vụ (dưới 3 tháng), để trốn tránh việc đóng BHXH cho người lao động. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều DN có số lượng lớn lao động nhưng danh sách lao động được đóng BHXH chỉ có vài người. Mặt khác, hiện nay cũng có nhiều chủ doanh nghiệp chiếm dụng phần trích nộp BHXH, BHYT của NLĐ, không đóng cho cơ quan bảo hiểm.
Quyền lợi NLĐ “bị treo”
Chính vì chủ DN không đóng BHXH hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH, hàng nghìn NLĐ trên địa bàn tỉnh đã và đang phải chịu thiệt thòi. Các chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí... đều bị “treo”, không được phía cơ quan BHXH giải quyết. Mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu, thế nhưng ông Trương Nhạn (làm việc ở Công ty CP 20/7) không được phía cơ quan BHXH giải quyết chế độ nghỉ hưu, lý do là DN còn nợ BHXH. Do đó ông Nhạn vẫn cứ phải chờ đợi. Không riêng gì trường hợp ông Nhạn, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường hợp đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được giải quyết vì DN nợ BHXH.
NLĐ sẽ không được thanh toán chi phí BHYT khi ốm đau nếu DN nợ BHXH (Ảnh minh họa). |
Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, đối với người sử dụng lao động chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc đóng không đúng thì bị phạt ở mức 75 triệu đồng. Điều đáng nói là mặc dù đã có quy định chế tài, nhưng từ trước đến nay ở tỉnh ta không có mấy DN vi phạm bị xử phạt hành chính. Quy định xử phạt chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc cũng là lý do khiến DN chây ì trong việc đóng BHXH cho NLĐ. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn của nhiều DN (chủ yếu là DN tư nhân) thiếu tính độc lập, chưa trở thành chỗ dựa cho NLĐ. Vì vậy, khi NLĐ bị thiệt thòi không có tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ. Mặt khác, nhận thức về pháp luật của người lao động còn hạn chế, không dám đấu tranh do tâm lý sợ bị trù dập, mất việc làm.
Ngoài việc phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát, biện pháp bất khả kháng hiện nay mà cơ quan BHXH thực hiện là kiện ra tòa các DN nợ BHXH với số tiền lớn và kéo dài nhiều năm. Riêng trong năm 2013, cơ quan BHXH đã kiện ra tòa 10 DN nợ BHXH. Từ nay đến cuối năm 2014, ngành sẽ tiếp tục hoàn tất hồ sơ khởi kiện 5 DN nợ BHXH. Đối với những DN khó khăn thực sự, có cam kết trả nợ đúng hạn, cơ quan BHXH sẽ linh động thực hiện chốt sổ NLĐ thuộc 10 DN để được hưởng BHTN; chế độ hưu và tạo điều kiện cho NLĐ khi nghỉ việc, đến đơn vị khác làm việc được hưởng quyền lợi thời gian công tác trước đó. Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết bài toán nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các ngành chức năng cần phải “mạnh tay” trong việc thực hiện các biện pháp chế tài, nâng cao tính răn đe, ý thức chấp hành pháp luật của các DN nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
*Ông Cao Đình Hòa-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra những đơn vị có số nợ BHXH lớn và có thời gian nợ lâu. Sau khi làm việc với các DN, đoàn kiểm tra nhận thấy có một số doanh nghiệp gặp khó khăn thật sự về sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, chúng tôi buộc DN phải ký cam kết trả nợ và khắc phục các sai phạm liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Với những cam kết đã ký, nếu DN nào không thực hiện đúng thì ngành sẽ có các bước xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. *Ông Tiêu Sinh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Đối với những DN đang khó khăn thực sự, không thuộc diện DN chây ì, chúng tôi luôn tạo điều kiện để DN thực hiện cam kết trả nợ dần. Ngành cũng linh động giải quyết cấp thẻ BHYT để đảm bảo quyền lợi khám-chữa bệnh cho NLĐ đối với một số DN thực hiện đóng một phần khoản nộp BHYT, mặc dù họ đang nợ BHXH. Đối với những DN nợ nhiều năm, bất hợp tác với cơ quan BHXH thì chúng tôi kiên quyết kiện ra tòa. Đồng thời, ngành cũng đã ký kết liên tịch với các ban, ngành đoàn thể để đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền đến chủ sử dụng LĐ và NLĐ để thực hiện tốt Luật BHXH. *Ông Nguyễn Trung Thành- Phó Chánh Thanh tra LĐLĐ tỉnh: Có nhiều DN chậm đóng BHXH, thậm chí có DN chậm đóng quá 36 tháng, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Từ đó dẫn đến quyền lợi NLĐ bị xâm phạm nghiêm trọng. Để quyền lợi của NLĐ được đảm bảo theo quy định của pháp luật, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH cần phải xử lý nghiêm đối với các DN vi phạm, trong đó có biện pháp xử phạt hành chính. Cơ quan BHXH cần mạnh dạn khởi kiện ra tòa các DN nợ nhiều năm. Về phía Quốc hội và Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản dưới luật về BHXH, BHYT, BHTN, quy định về chế tài xử lý, bảo đảm tính răn đe, hạn chế vi phạm pháp luật BHXH để quyền lợi NLĐ được bảo đảm. *Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Thủ kho vật tư, Công ty Cổ phần Xuất khẩu gỗ Tân Thành – Dung Quất: Từ năm 2013 đến nay hàng tháng công ty đều trừ BHXH vào lương NLĐ, nhưng các chế độ đều không được hưởng. Cả công ty có hơn 10 lao động nữ, trong đó có tôi không được hưởng chế độ thai sản. NLĐ trong công ty không biết làm cách nào để đòi quyền lợi cho bản thân. Nhiều người mới làm thì bỏ việc, nhưng những người làm lâu năm như tôi thì đành chịu, bởi bỏ đi thì mọi quyền lợi không đòi được. Mong công ty sớm thanh toán nợ BHXH để NLĐ chúng tôi được hưởng các quyền lợi theo quy định và yên tâm làm việc. |
KIM NGÂN - VŨ YẾN