(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi hiện đang khát vốn, trong khi đó nhiều ngân hàng thanh khoản khá dồi dào nhưng dư nợ cho vay lại khá thấp, bởi những rào cản về thủ tục vay vốn và lãi suất vẫn còn cao. Do vậy cần có một cuộc “giải phẫu” về thủ tục, cũng như chính sách tín dụng từ phía hệ thống ngân hàng.
Doanh nghiệp “lắc đầu” với thủ tục, lãi suất
Những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế cả nước và Quảng Ngãi có dấu hiệu phục hồi nhưng khá chậm. Nhiều doanh nghiệp cầm cự không thấu nên phá sản. Một số doanh nghiệp năng động hơn đang chuyển đổi hình thức kinh doanh, tính toán mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, khi chạm đến thủ tục vay vốn, lãi suất hay cơ cấu nợ ở các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phải “lắc đầu”. Bà Cao Thị Huỳnh Liễu – Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại và dịch vụ Quỳnh Liễu bộc bạch: “Mùa mưa đã bắt đầu nên công ty hiện đang rất cần vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Nhưng khi đến ngân hàng lại đối diện với thủ tục nhiêu khê. Chỉ mong các ngân hàng có chính sách cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ để doanh nghiệp tiếp cận gói vốn mới, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì đôi bên mới có lợi”.
Nhiều doanh nghiệp cần vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. |
Một số doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng nên linh hoạt phân ra nhiều nhóm khách hàng. Họ cho rằng, các khách hàng thân tín lâu nay, làm ăn có hiệu quả, nhưng do điều kiện suy thoái chung mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì ngân hàng cũng nên chia sẻ một phần. Đối với doanh nghiệp đã từng vay vốn các ngân hàng để đầu tư các dự án lớn, nhưng do gặp lạm phát, sản phẩm không có đầu ra, đến kỳ trả nợ thì ngân hàng nên đáo hạn nợ cho doanh nghiệp, hay có một cơ chế cho vay lãi suất thấp, miễn giảm các loại phí…
Hiện nay, mặc dù các ngân hàng thương mại đã tung ra nhiều “giải pháp” để kích thích thị trường tiền tệ, “tuy vậy, khi tiếp cận thì nhiều ngân hàng “lắc đầu” bảo không đủ vốn”, ông Lê Thanh Bình – Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì Việt Phú, khẳng định. Mỗi tháng Công ty CP bao bì Việt Phú cần đến 30 tỷ đồng để đầu tư sản xuất các loại sản phẩm nhưng vay ngân hàng chỉ được tối đa khoảng 15 tỷ đồng. Định mức cho vay quá thấp nên công ty đã đánh mất cơ hội làm ăn vì thiếu vốn.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được liệt kê vào nhóm ưu tiên cho vay. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thì cũng bị dội ngược trở lại, bởi ngân hàng “chưa có niềm tin” về phương án làm ăn của các doanh nghiệp. Ông Lê Hồng Phương, chủ một cơ sở nuôi tôm ở Đức Chánh (Mộ Đức), bảo rằng: “Gõ cửa ngân hàng nào cũng bảo, việc nuôi tôm hiện nay không khả thi nên họ “lắc đầu”, có ngân hàng cho vay thì khoản vay rất thấp nên không đủ sức để đầu tư cho sản xuất”.
Điều kiện sản xuất kinh doanh rơi vào bế tắc do kinh tế đình đốn, vì nhiều lý do mà các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay nên dẫn đến “chết yểu”, đóng cửa hay hoạt động cầm chừng. Từ Tết đến nay có đến 2.570 doanh nghiệp hoạt động cầm cự, có lãi ít hoặc hòa vốn, 125 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 100 doanh nghiệp đã phá sản.
Lãi suất giảm, nhưng chưa đáng kể
Trong 6 tháng đầu năm, thực hiện các chính sách tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn Quảng Ngãi đồng loạt giảm lãi suất theo quy định. Theo đó, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên hiện còn 8% – 11,5%/năm (giảm 1% so với trước); lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác hiện còn 12,6%/năm (giảm 3,1%); lĩnh vực phi sản xuất, với lãi suất 14,8%/năm (giảm 2,8%). Chính sách cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá, các ngân hàng thực hiện với lãi suất từ 3 – 7%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay phổ biến nhất bằng VND ngắn hạn thấp nhất là 9%/năm, cao nhất là 13,49%/năm; trung và dài hạn thấp nhất là gần 11%; cao nhất 14,8%.
Mặc dù, lãi suất cho vay ở các lĩnh vực đều giảm so với trước, nhưng theo nhiều doanh nghiệp thì trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, với mức lãi suất các ngân hàng đang triển khai, gần như các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, chứ chưa nói đến chuyện phát triển sản xuất. Đến cuối tháng 6 năm 2014, tổng nguồn vốn mà hệ thống ngân hàng huy động đạt trên 32.500 tỷ đồng, tăng trên 35% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng dư nợ chỉ đạt trên 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng âm 2% so với cùng kỳ.
Tại hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng được UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng vào cuộc họp này nên đã kiến nghị, đề xuất khá nhiều. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa nhận được sự “hồi âm” từ phía ngân hàng. Các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ngãi đang rơi vào cảnh khó khăn hơn. Họ đang chờ những động thái tích cực, chờ một cuộc “giải phẫu” tổng thể về các thủ tục vay vốn từ phía ngân hàng.
Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã thẳng thắn cho rằng, trong thời buổi khó khăn chung, các ngân hàng nên chia sẻ, hỗ trợ, kích thích để các doanh nghiệp hấp thụ tốt nguồn vốn vay để đôi bên phát triển cùng có lợi. Có vậy, ngân hàng mới giảm được nợ xấu, giảm được nợ khó đòi, còn doanh nghiệp làm ăn khấm khá mới trả được nợ ngân hàng, đóng thuế cho Nhà nước, góp phần vực dậy nền kinh tế vốn đang phục hồi chậm như hiện nay.
*Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Ngãi Trần Luyện: “Sẽ linh hoạt cho vay” Nguồn vốn hiện nay ở hệ thống ngân hàng Quảng Ngãi khá dồi dào, đủ sức cung ứng cho các doanh nghiệp hoạt động. Để doanh nghiệp hấp thụ nguồn vốn, ngân hàng lưu thông được nguồn vốn trên thị trường, vừa qua UBND tỉnh tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp – ngân hàng rất có ý nghĩa. Trên cơ sở các doanh nghiệp nêu những khó khăn vướng mắc, phía ngân hàng đang tiến hành kiểm tra lại toàn bộ thủ tục cho vay, những cơ chế về vốn vay mà Nhà nước, hệ thống ngân hàng ban hành trước đây, giờ không còn phù hợp để cùng nhau tháo gỡ. Ở các địa phương, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng nên chủ động linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện, quy định cho phép hòng thúc đẩy việc cho vay vốn thuận lợi hơn. *Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Vũ, Liêu Văn Bảy: “Thành lập Quỹ tín dụng doanh nghiệp là cần thiết” Hoạt động của Hoàn Vũ là sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng mộc dân dụng, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Do đặc thù này nên công ty được vay theo hình thức xuất khẩu, với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng nào lãi suất chấp nhận được và thủ tục nhanh, gọn công ty mới vay. Vì vậy, công ty rất mong Ngân hàng Nhà nước thành lập Quỹ tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, như TP.Đà Nẵng, TP.HCM đã thực hiện để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên thay đổi phương thức cho vay. Lâu nay các ngân hàng cho vay theo kiểu thế chấp tài sản nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp làm ăn ổn định, phát triển thì cũng nên cho vay theo hình thức tín chấp, với định mức khá để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. *Giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng miền Trung, Huỳnh Thị Kim Mai: “Cần giảm lãi suất các gói hợp đồng trước đây” Công ty đã và đang thực hiện với các ngân hàng nhiều gói hợp đồng. Trong giai đoạn gần đây, thực hiện các chính sách tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng chỉ hưởng lãi suất thấp theo gói hợp đồng mới. Những hợp đồng trước đó không kịp đáo hạn, công ty vẫn chịu lãi suất cao. Lý giải điều này, nhiều ngân hàng cho rằng mức huy động trước đây quá cao. Trong khi doanh nghiệp, cũng có thời điểm chi phí sản xuất khá cao, nhưng hàng tồn kho quá nhiều cũng đành phải chịu lỗ, giảm giá theo thị trường. Ngân hàng cũng nên chịu lỗ, tính toán để có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đồng thời nên giảm lãi suất trung và dài hạn để công ty cũng như các doanh nghiệp khác đầu tư trang thiết bị để sản xuất. *Ông Vương Quang Hùng – Doanh nghiệp tư nhân thương mại xăng dầu: “Ngân hàng cần linh động trong việc cho vay” Hiện tại nhiều doanh nghiệp nằm dọc Quốc lộ, thành lập sau năm 2004 đã được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất cho chủ cơ sở nên đủ điều kiện để thế chấp vay ngân hàng. Trong khi đó có những doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh từ trước năm 2004, thì Sở Xây dựng chưa cấp giấy phép nên ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi vay vốn của các doanh nghiệp, khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, vì không có giấy tờ gì thế chấp. Do vậy, doanh nghiệp rất cần các cơ quan chức năng và ngân hàng linh hoạt giải quyết để doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất. |
Bài, ảnh: MAI HẠ