(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tình trạng bác sĩ ở một số cơ sở y tế công lập trong tỉnh bỏ việc để “đầu quân” cho các cơ sở y tế, bệnh viện (BV) tư nhân ngoại tỉnh đã dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực y tế trong tỉnh vốn đã thiếu hụt, nay càng thêm trầm trọng hơn. Vậy đâu là lời giải cho bài toán này?
Thực trạng buồn…
Một trong những vấn đề “đau đầu” thời gian qua đối với ngành y tế Quảng Ngãi là tình trạng bác sĩ bỏ việc. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 22 bác sĩ bỏ việc, trong đó phần lớn là những người có kinh nghiệm, có trình độ sau đại học, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, thạc sĩ; thậm chí có cả những người đang giữ chức vụ trưởng, phó các khoa, phòng. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Ngọc Lân, cho biết: Đa số các bác sĩ bỏ việc tại BVĐK tỉnh đều chuyển sang làm việc tại các BV tư nhân như Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), Bệnh viện Trung ương Quảng Nam và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2014 đến nay, BV tiếp tục nhận 5 đơn xin nghỉ việc, với những lý do “không đủ sức khỏe, chăm mẹ già…” và đã có 3 bác sĩ ra đi.
Được biết, đa số những trường hợp ra đi đều được Sở Y tế, BVĐK tỉnh tạo điều kiện để đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Khi đã “đủ lông, đủ cánh” thì đích mà họ hướng đến là BV công đầy đủ tiện nghi, hiện đại và có mức lương hậu hĩnh. Thực trạng buồn này đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của BV. Thực tế hiện nay, BV còn thiếu khoảng trên 35 bác sĩ, nhất là bác sĩ có chuyên môn cao. Hiện lãnh đạo BVĐK tỉnh đang làm công tác tư tưởng động viên 2 trường hợp (Trưởng khoa và phó khoa) tiếp tục ở lại gắn bó với đơn vị nhưng không biết có được hay không. Vậy đâu là chế tài ngăn dòng chảy máu chất xám trong đội ngũ bác sĩ hiện nay vẫn đang là câu hỏi đặt ra từ nhiều năm nay nhưng ngành y tế vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.
Tình trạng bác sĩ bỏ việc càng trầm trọng hơn ở tuyến y tế miền núi. Theo thống kê của Sở Y tế, trong 5 năm (2008- 2013), toàn tỉnh có 45 bác sĩ ở cả 3 tuyến y tế bỏ việc đến một số cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân ở các tỉnh lân cận và phía Nam.
Phát biểu tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Quảng Ngãi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, dược sĩ rất lớn. Toàn tỉnh chỉ có 628 bác sĩ; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân mới chỉ đạt 5,03 (bình quân cả nước đạt 7,2). Ngành y tế tỉnh cần xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực để có những giải pháp cụ thể, thiết thực mang tính chiến lược lâu dài; ưu tiên bố trí, luân chuyển bác sĩ về huyện nghèo; luân phiên bác sĩ về xã, vừa đảm bảo công tác khám, chữa bệnh kịp thời, vừa tránh lãng phí trình độ chuyên môn bác sĩ. |
Đâu là nguyên nhân?
Thu nhập thấp, cộng với cơ sở vật chất khó khăn, thiếu đồng bộ, điều kiện làm việc thiếu thốn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó “giữ chân” bác sĩ giỏi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lương trung bình của một bác sĩ tại BV công lập chỉ khoảng 5- 8 triệu đồng/tháng, trong khi ở BV ngoài công lập được trả gấp đôi. Một số đơn vị đặc thù như BV Lao và Bệnh phổi tỉnh; BV Tâm thần, mặc dù đã tăng 70% phụ cấp chế độ độc hại, nhưng bác sĩ trẻ không mặn mà về công tác. Các đơn vị này chỉ có khoảng 7-8 bác sĩ, nên áp lực công việc đối với mỗi bác sĩ là rất lớn.
Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc BV cho biết: Đặc điểm của BV Lao và Bệnh phổi là điều trị bệnh lây nhiễm, độc hại nên tâm lý của người dân, của xã hội và một bộ phận thầy thuốc còn e ngại. Bên cạnh đó, đối tượng của BV chủ yếu là người nghèo, bệnh mãn tính nên nguồn thu của BV không nhiều, trong khi đó, do thiếu nhân lực nên các bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều công việc; không có điều kiện làm thêm ở các phòng mạch bên ngoài để có thêm thu nhập. Vì thế, nhiều bác sĩ trẻ không chịu được áp lực, bỏ việc tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để có thu nhập ổn định hơn.
Hiện BV có nhu cầu khoảng 20 bác sĩ, nhưng trong 5 năm qua, mỗi năm chỉ tiếp nhận thêm 1 bác sĩ, nhưng hầu hết đều làm 1-3 tháng rồi nghỉ. Mới đây, theo chế độ thu hút của tỉnh, một bác sĩ nam trình độ loại khá, quê ở Quảng Trị, đầu quân về BV, nhưng sau 2 tháng làm việc, bác sĩ này đã nghỉ khi chưa kịp nhận số tiền hơn 200 triệu đồng đãi ngộ của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ công tác lâu năm trong ngành y cho rằng, thu nhập là yếu tố cần nhưng không phải là khâu quyết định. Số bác sĩ bỏ việc phần nhiều do chưa hài lòng với môi trường làm việc hiện tại, như tình trạng quá tải, áp lực, định kiến xã hội, điều kiện làm việc chưa tương xứng. Ở các huyện đặc biệt khó khăn như Tây Trà, Sơn Tây cũng đang rất khó thu hút bác sĩ về công tác. Điển hình như Trung tâm Y tế huyện Tây Trà chỉ có 3 bác sĩ.
Đâu là lời giải?
Năm 2013, thực hiện chính sách thu hút của tỉnh, Sở Y tế đã tiếp nhận 52 thạc sĩ y khoa, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ đa khoa…về công tác tại tỉnh. Chính sách này đã phần nào bổ sung cho BV tuyến tỉnh và tuyến huyện một số lượng bác sĩ, dược sĩ đáng kể. Mới đây, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Quy định chính sách đãi ngộ đối với ngành y tế.
Theo đó, chính sách này sẽ được áp dụng trong năm 2015. Đối tượng áp dụng sẽ được chia làm 5 nhóm với mức hỗ trợ cao nhất là 2 lần mức lương cơ sở/tháng và thấp nhất là 1 lần mức lương cơ sở/tháng. Tháng 5 vừa qua, Đoàn công tác của Sở Y tế cũng đã đến Trường Đại học Y Dược Huế để tham gia ngày hội tư vấn, tuyển dụng. Kết quả, có 89 em nộp bản đăng ký về nhận công tác tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây cũng là tín hiệu vui cho ngành y tế, song để giữ chân họ công tác lâu dài là điều không dễ.
*Bác sĩ Huỳnh Từ- Trưởng Phòng Tổ chức- Sở Y tế Cùng với thực hiện tốt chính sách thu hút, ngành y tế tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Bộ Y tế, của tỉnh thu hút các dự án đầu tư, nâng cao năng lực cho ngành; mở rộng liên doanh, liên kết; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại; tích cực chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu. Qua đó tạo môi trường làm việc thuận lợi giúp đội ngũ bác sĩ tiếp cận với phương tiện hiện đại, kỹ thuật cao để phát nguy năng lực, chuyên môn. Các BV cần tăng cường mở dịch vụ khám ngoài giờ tại bệnh viện; phẫu thuật theo yêu cầu để tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ bác sĩ. Sở cũng tranh thủ tập trung đào tạo 63 bác sĩ tuyến xã để đến năm 2015, có 100% trạm y tế xã có bác sĩ theo chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. *Bác sĩ Phạm Ngọc Lân- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hiện BVĐK tỉnh đang thiếu nhiều bác sĩ, nhất là tại các khoa Hồi sức cấp cứu, khoa sản, nhi khoa. Đây là những khoa thường xuyên quá tải bệnh nhân. Bệnh viện có 684 cán bộ y, bác sĩ phải phục vụ trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày, nên áp lực đối với bác sĩ là rất lớn. Chính vì vậy, để giữ chân bác sĩ, ngoài chế độ đãi ngộ thì tỉnh cần quan tâm bổ sung biên chế; xây dựng môi trường làm việc hài hòa về cơ sở vật chất; tạo điều kiện để bác sĩ phát huy năng lực và có biện pháp giảm áp lực cho đội ngũ bác sĩ. *Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Chế độ ưu đãi được áp dụng năm 2015 tới đây phần nào động viên các bác sĩ, dược sĩ công tác lâu năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quyết định để giữ chân bác sĩ. Theo tôi, để bác sĩ yên tâm công tác ngoài môi trường làm việc hấp dẫn, mối quan hệ hài hòa, chế độ đãi ngộ xứng đáng với đóng góp của họ, thì mỗi bác sĩ cần có tinh thần y đức. Với những bệnh nhân lao, phổi đa số là người dân nghèo nên họ không chỉ cần bác sĩ giỏi chuyên môn mà còn cần có tấm lòng nhân hậu, hết lòng phục vụ người bệnh. Bác sĩ trẻ chưa có trải nghiệm, còn nặng về quyền lợi cá nhân, ngại khó khăn thì khó an tâm công tác ở những môi trường làm việc mang tính độc hại đặc thù như vậy. *Chị Trần Thị Vỹ Nhạc- Trưởng Trạm y tế xã Hành Phước (Nghĩa Hành) Để bác sĩ yên tâm công tác tại trạm y tế thì cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để họ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường công tác.Trạm y tế xã Hành Phước hiện xuống cấp nghiêm trọng, thiếu phòng chức năng; cơ sở vật chất thiếu thốn. Trạm chỉ có các dụng cụ y tế thông thường; máy điện tim, siêu âm, máy thở, máy hút đờm chưa được trang bị nên ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. |
Bài, ảnh KIM NGÂN