(Báo Quảng Ngãi)- Đã gần 1 năm kể từ ngày UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với các hộ dân ở xã Bình Khương và Bình Nguyên (Bình Sơn) nhưng đến nay, vấn đề tranh chấp đất trồng cây cao su giữa người dân với Công ty TNHH MTV cao su Quảng Ngãi vẫn chưa có hồi kết.
Năm 1999, cây cao su được trồng và phát triển tại một số xã ở huyện Bình Sơn, nhằm chuyển đổi cơ cấu trồng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. UBND tỉnh thống nhất chỉ hỗ trợ tài sản trên đất, không bồi thường về đất và được người dân đồng ý, tự nguyện nhận tiền và giao lại đất cho Công ty TNHH MTV cao su Quảng Ngãi.
Người dân tự ý trồng mì vào diện tích rừng cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi. |
Đối với Công ty cao su có trách nhiệm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hộ có đất chuyển giao. Năm 2009, Công ty đã bị bão làm thiệt hại của công ty 589 ha, trong đó có 300 ha cao su đến thời kỳ thu hoạch mủ. Đầu năm 2010, công ty tổ chức dọn dẹp đất để chuẩn bị trồng lại thì người dân tranh chấp. Tháng 7.2013, UBND tỉnh tổ chức cuộc đối thoại với các hộ dân có diện tích đất tranh chấp với công ty tại xã Bình Khương nhưng cũng chưa tìm được tiếng nói chung giữa hai bên.
Tháng 2.2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản về việc thống nhất nội dung hỗ trợ kinh phí, tuyển dụng lao động theo phương án sản xuất kinh doanh cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi tại 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên.
Theo đó, mức hỗ trợ theo quy mô diện tích đất đã giao, gắn với tuyển dụng lao động. Cụ thể là, những hộ có diện tích dưới 1ha, được tuyển dụng lao động vào làm công nhân, mức hỗ trợ là 15 triệu đồng/ha; không được tuyển dụng lao động vào làm công nhân thì mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. Những hộ có diện tích từ 1-3 ha, được tuyển dụng lao động vào làm công nhân, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; không có nhu cầu vào làm công nhân mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha. Cũng theo phương án này, những hộ không được tuyển dụng lao động vào làm công nhân nhưng được nhận khoán nhân công chăm sóc vườn cây (thông qua hợp đồng với công ty) với mức 15 triệu đồng/ha. Ngoài ra, đối với các hộ không đủ điều kiện để tuyển dụng lao động thì có những quyền lợi như được hợp đồng nhận khoán nhân công chăm sóc vườn cây xuyên suốt và đến giai đoạn kinh doanh…
Công ty đã tổ chức mời họp những hộ có diện tích đất tranh chấp tương đối lớn gồm 12 hộ (tương ứng với 62 ha) để triển khai phương án trên và đều thống nhất. Nhưng đến khi công ty tổ chức mời họp người dân 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên thì đa số các hộ dân không đến tham gia. Đến tháng 4.2014, mặc dù công ty rất quyết tâm tổ chức thực hiện theo phương án trên nhưng mới chỉ thực hiện được 12% trên tổng số phương án đã lập. Theo đó, công ty đã tổ chức hỗ trợ cho các hộ dân theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên, với kết quả: Đất tập thể (HTXNN I Bình Khương) 10,9/22,05 ha; đất cá nhân (7 hộ) 38,5/419,08 ha. Tổng số tiền chi trả là trên 900 triệu đồng và tuyển dụng 12 lao động ở 2 xã.
Đến nay, dù UBND tỉnh và công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết kiến nghị, nhưng nhiều hộ dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Người dân có đất giao nay vẫn đòi lại đất, không cho công ty khai thác mủ, tự ý cạo mủ cao su bán, cạo mủ không đúng quy trình kỹ thuật làm hư hại vườn cây. Ngoài ra, các hộ dân còn tự ý trồng cây keo, mì trong diện tích trồng cây cao su của công ty; đồng thời chặt phá, đốt rừng cây cao su gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, gây thiệt hại cho công ty gần 1,5 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Phòng Tổ chức-Hành chính công ty cho biết: Công ty và chính quyền đã đưa ra nhiều phương án giải quyết nhưng đều vấp phải sự bất hợp tác từ người dân. Công ty mong UBND tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Có biện pháp, chế tài nhằm xử lý nghiêm khắc những cá nhân cố tình xâm phạm tài sản của công ty...
Bài, ảnh: Trúc Giang