Ngăn chặn nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc: Đâu là giải pháp?

01:05, 12/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi nói đến nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc (CĐTĐ), đồng bào dân tộc các huyện miền núi Quảng Ngãi đều lo sợ, vì hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Việc đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống đồng bào vùng cao đang là thách thức lớn của chính quyền các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN

Hủ tục lạc hậu

Theo điều tra của các cơ quan chức năng, nghi kỵ CĐTĐ ở các huyện miền núi trong tỉnh là một hủ tục lạc hậu, không có thật, chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác, không có cơ sở khoa học chứng minh. Đây chính là nhân tố tiềm ẩn sự mất đoàn kết trong một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương. Đối tượng bị nghi kỵ CĐTĐ thường là người thân hoặc có quan hệ với người trước đó đã bị nghi CĐTĐ. Những người này thường ít tham gia hoạt động xã hội, đi lại lén lút hoặc là người hay uống rượu nói năng lung tung, khoác lác, tự đề cao để tạo uy thế cho bản thân. Nhiều người có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, song lại có lời nói, hành động hăm dọa người khác, tự cho mình có vật lạ như rễ cây độc, đá lạ, pa găng, muối ma, ăn cơm ma, gạo ma, có tài cúng ém… để người khác sợ mình.
 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm ở các huyện miền núi trong tỉnh xảy ra từ 4 - 5 vụ nghi kỵ CĐTĐ. Trong đó, ở huyện Sơn Hà, từ năm 2007 - 2012, xảy ra 16 vụ. Còn ở huyện Ba Tơ, từ tháng 9.2011 - 10.2013, xảy ra 22 vụ. Nhiều người bị nghi CĐTĐ bị hành hung. Còn các đối tượng tham gia hành hung thì phải trả giá trước pháp luật bởi việc cả tin vào tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc

Đối tượng được coi bị CĐTĐ là những người do có sự trùng hợp ngẫu nhiên là người thân hoặc gia súc, gia cầm của họ bị đau, ốm, dịch bệnh…Họ rước thầy cúng về “cúng ém”, “giải độc”, “giải bệnh”, “giải hạn”, nhưng có trường hợp bị nặng dẫn đến chết nên nghi bị người này, người kia có đồ độc hại mình. Bên cạnh đó, đa số thầy cúng là thành phần lười lao động, chuyên hành nghề mê tín dị đoan để kiếm sống nên khi cúng bái đã phát ngôn lung tung, nói bóng, nói gió có người hướng đông, hướng tây, gần xa hại nên mới bị đau ốm. Hệ quả là những ai vốn có xích mích với họ liền được gán ghép là có CĐTĐ…

Một số trường hợp uống rượu đi lang thang, nói nhảm đủ thứ chuyện, được người dân làng nhắc nhở, nhưng không bỏ mà có biểu hiện thách đố và bóng gió mình có đồ độc nên bị dân làng nghi có CĐTĐ. Những trường hợp này nếu chính quyền, công an, tổ hoà giải biết, kịp thời phân tích thì sẽ không có những chuyện đau lòng xảy ra.

Nguyên nhân của nạn nghi kỵ CĐTĐ luôn âm ỉ trong đồng bào vùng cao trong tỉnh là do những hủ tục, mê tín dị đoan đáng sợ mà sâu xa là sự thiếu hiểu biết của người dân. Hầu hết các vụ việc xảy ra đều có sự tích tụ, lặp đi, lặp lại lâu ngày, song chính quyền địa phương chậm nắm bắt giải quyết, giải tỏa tư tưởng cho người dân dẫn đến họ mê tín, mù quáng tin theo lời thầy cúng nên có những hành vi vi phạm pháp luật, như hăm dọa giết, đánh, đuổi ra khỏi làng.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

 

Bà Đinh Thị Nới và chồng Đinh Văn Rình ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba (Sơn Hà), bị dân làng nghi CĐTĐ đuổi đánh phải trốn vào trụ sở UBND xã Sơn Ba (năm 2013).
Bà Đinh Thị Nới và chồng Đinh Văn Rình ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba (Sơn Hà), bị dân làng nghi CĐTĐ đuổi đánh phải trốn vào trụ sở UBND xã Sơn Ba (năm 2013).


Năm 2010, bà Đinh Thị Thương, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) say xỉn nói lung tung, hù doạ một số người khác khiến dân làng tin bà có CĐTĐ nên đuổi đánh, buộc bà phải lên UBND xã trốn. Phát hiện vụ việc, cán bộ UBND xã xuống vận động người dân không nên nghi kỵ lẫn nhau. Qua tuyên truyền, giải thích, họ tin là bà Thương không có CĐTĐ mà do uống rượu mới có biểu hiện như thế. Đến nay, bà Thương đã hòa đồng với bà con trong thôn. Còn tại Ba Tơ, tháng 6.2009, ở thôn Vẩy Ấp, xã Ba Khâm, anh Phạm Văn Bình bị viêm tá tràng, nhưng nghi trong bụng mình “có con gì chạy lên, chạy xuống,...” là do ông Phạm Văn Tên CĐTĐ hại mình. Để chữa “cái con trong bụng”, gia đình anh Bình nhờ thầy cúng tốn nhiều tiền, nhưng không khỏi. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị tại Trung tâm y tế Ba Tơ thì  anh Bình bớt bệnh và tin là không có chuyện ông Tên CĐTĐ mình nữa.

Thượng tá Võ Văn Đãi - Trưởng Công an huyện Sơn Hà cho biết: Những năm trước đây, chuyện CĐTĐ xảy ra trên địa bàn huyện như cơm bữa. Nguyên nhân là do mâu thuẫn, tranh chấp nhau, dẫn đến người này đồn thổi người kia để bà con cô lập họ. Hay có người ốm đau đi coi bói, thầy mo phán rằng có người CĐTĐ hại mình... Vì vậy, trong quá trình xử lý vụ việc, đơn vị chỉ đạo Công an xã phải tìm đúng nguyên nhân và chọn khâu mấu chốt để giải thích cho người dân hiểu rõ là không có CĐTĐ, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hợp lý. “Chúng tôi vận động những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, quần chúng tích cực để phối hợp đi tuyên truyền, vận động. Những người có dụng ý xấu, tung tin với mục đích cô lập người khác, làm lợi cho cá nhân mình, chúng tôi đưa ra kiểm điểm trước dân và xử lý hành chính nên tệ nạn này ở Sơn Hà giảm nhiều”, thượng tá Võ Văn Đãi, nói.

Ông Phạm Văn Diếc - Bí thư Đảng ủy xã Ba Dinh thì cho rằng, năm 2006, các ngành các cấp của xã mở nhiều chiến dịch vận động, điều tra, giải quyết “điểm nóng”, vận động xoá bỏ hủ tục và kịp thời có mặt can thiệp khi có biểu hiện nghi kỵ CĐTĐ nên không để hậu quả xấu xảy ra. “Hiện nay, các vụ việc xích mích trong dân được xã giải quyết dứt điểm nên bà con thấy rằng, việc CĐTĐ chỉ là một chiêu lừa do kẻ xấu dựng lên để lợi dụng xuyên tạc. Việc CĐTĐ không thể chấp nhận và không có thực. Do đó, khi sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy thì tệ nạn nghi kỵ CĐTĐ sẽ được đẩy lùi, cuộc sống người dân sẽ được bình yên”, ông Phạm Văn Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Giang khẳng định.

 

*Ông Trần Trung Triết - Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ: Trước đây, tình trạng nghi kỵ CĐTĐ diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều vụ dẫn đến gây thương tích, chết người. Vì vậy, năm 2006, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết 02 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tư tưởng nghi kỵ CĐTĐ trong đồng bào dân tộc Hrê. Từ đó, huyện đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vận động, tuyên truyền, thực hiện công tác phòng ngừa, giải quyết các vụ việc kịp thời. Khi phát hiện có nghi kỵ, hệ thống chính trị ở cơ sở bám sát, nắm tình hình vụ việc để giải quyết. Cách giải là tách riêng từng nhóm hộ, không tập trung đông dân cư. Vì vậy, tệ nạn này ở các địa phương trong huyện đã giảm đáng kể.

*Ông Nguyễn Ích Long - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy (Sơn Hà): Tệ nạn nghi kỵ CĐTĐ mặc dù không có thực, nhưng nó ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Do đó, chúng tôi không chủ quan, chỉ cần nghe ở đâu có xích mích là giải quyết ngay. Khi có những vụ việc nghi kỵ, chúng tôi tổ chức họp thôn, xóm, ban, ngành kịp thời lắng nghe để giải quyết. Đối với những người hù dọa người khác rằng mình có đồ độc, chúng tôi tổ chức kiểm điểm trước dân, bắt họ xin lỗi nhân dân. Để xoá bỏ tệ nạn này, xã giao Hội Cựu chiến binh xây dựng mô hình 3 không: Không nghi kỵ CĐTĐ; không vi phạm pháp luật, không đói nghèo tại thôn Tà Cơm. Từ khi thành lập mô hình đến nay, tình hình nghi kỵ không còn diễn ra.

*Ông Đinh Tấn Bắc - Quyền Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ: Tệ nạn nghi kỵ CĐTĐ xảy ra ở xã là do trình độ dân trí và sự hiểu biết của bà con thấp, nhưng lại hay mê tín, dị đoan, tin vào thầy cúng, thầy bói. Nhiều gia đình có người thân bị bệnh hiểm nghèo, chết thì cho rằng có người có đồ độc hại mình. Để ngăn chặn tệ nạn này, xã làm việc với các thầy bói, thầy cúng, yêu cầu họ không nói bóng gió về tệ nạn này. Những ai cố tình vi phạm, xã phạt nặng nên từ năm 2012 đến nay, tình hình này không còn diễn ra.

*Ông Đinh Văn Mếp - Bí thư Chi bộ thôn Làng Dọc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà): Vụ việc bà Đinh Thị Thương, thôn Bồ Nung bị dân làng nghi có đồ độc đuổi ra khỏi làng diễn ra đúng thời điểm trong thôn có gia đình chết 2 con nhỏ. Cái chết của hai đứa nhỏ diễn ra sau khi bà Thương uống rượu say nói bóng gió thế này, thế kia nên bà con đuổi đánh bà Thương. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo huyện, công an huyện, xã và hệ thống chính trị thôn phân tích, vận động, tuyên truyền cho người dân rõ rằng bà Thương không có đồ độc mà là do uống rượu say không làm chủ được mình nói năng lung tung. Biết rõ bà Thương không có đồ độc nên từ đó đến nay không còn ai nhắc đến chuyện bà Thương có đồ độc nữa và bà Thương cũng đã ít uống rượu.

*Già làng Phạm Văn Trường, thôn Nước Lô, xã Ba Giang (Ba Tơ): Khoảng năm 2004, ở thôn bên cạnh có ông Phạm Văn Xa bị ông Phạm Văn Trinh nghi có đồ độc nên đánh chết. Nguyên nhân là do ông Trinh mê tín khi nghe thầy cúng nói một người có đồ độc hại mình và thấy ông Xa vốn có xích mích nên nghi ông Xa có đồ độc. Hậu quả ông Xa bị dân làng đánh chết. Nạn nghi kỵ CĐTĐ sẽ không còn nếu bà con chấm dứt mê tín, dị đoan, cúng bái lung tung, nhất là đau ốm phải đi bệnh viện để khám điều trị. Ba năm nay trên địa bàn thôn, xã không còn tệ nạn này, bởi nhân dân hiểu rằng làm gì có đồ độc mà sợ.

 


    Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.