(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ một cây bạch đàn bị ngã đổ vào đường dây điện 110 kV, đã gây mất điện toàn huyện Sơn Tịnh, Trà Bồng và một phần huyện Bình Sơn vào ngày 19.4 vừa qua. Sự cố này không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Tuy nhiên, trên địa bàn Quảng Ngãi, tình trạng xâm phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.
Biết hiểm nguy, nhưng vẫn ở
Xây dựng nhà ngay trong hành lang lưới điện nhưng bà Mai Thị Mỹ Nữ ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) vẫn thản nhiên sinh sống, dù cách mái nhà của bà chưa đầy nửa mét là đường dây 22 kV. Ngay bên cạnh nhà bà Nữ, là nhà của bà Mai Thị Nha Trang, cũng chỉ cách đường dây 22 kV khoảng 1,5m.
Mặc dù nằm sát đường dây điện 22 kV, nhưng cả bà Nữ và bà Trang đều chẳng hề lo âu. Bởi theo bà Nữ, giai đoạn xây dựng nhà mới phải cẩn thận vì các khâu bưng bê vật liệu và xây cất rất dễ chạm phải đường dây điện. Còn khi nhà đã thành hình thành khối, thì việc gặp tai nạn điện là rất ít khi xảy ra.
Mang tư tưởng chủ quan như vậy, nên từ 2009 đến nay, mặc dù địa phương đã nhiều lần nhắc nhở và tuyên truyền về những hiểm nguy có thể gặp phải khi xây dựng nhà ở vi phạm an toàn hành lang lưới điện, nhưng bà Nữ vẫn kiên quyết ở.
Ngôi nhà của bà Mai Thị Mỹ Nữ (Bình Hiệp, Bình Sơn) nằm trong hành lang an toàn lưới điện. |
Không chỉ riêng gì trường hợp của bà Nữ, bà Trang, mà còn rất nhiều người vẫn còn chủ quan và chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm khi vi phạm an toàn hành lang lưới điện. Như trường hợp của bà Huỳnh Thị Hạnh, ở xóm 5, thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn). Ban đầu, bà Hạnh chỉ dựng lều tạm để buôn bán gần trụ điện 22 kV, nhưng hiện tại, bà Hạnh xây luôn nhà kiên cố bao quanh trụ điện. Cơ quan chủ quản phối hợp cùng chính quyền địa phương đến lập biên bản vi phạm, rồi tuyên truyền lẫn răn đe, thế nhưng bà Hạnh vẫn kiên quyết không dời đi. “Biết là nguy hiểm, nhưng gom góp lâu lắm mới đủ tiền xây nhà, giờ chúng tôi không còn tiền để dời nhà nữa”, bà Hạnh cho biết.
Không thể xử lý dứt điểm trường hợp trên, nên mỗi khi cần duy tu, bảo dưỡng hay sửa chữa, nhân viên của điện lực huyện Bình Sơn phải mượn thang để trèo lên nóc nhà bà Hạnh rồi mới tiếp cận được đường dây.
Theo ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn của Công ty Điện lực Quảng Ngãi: “Trong các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện thì việc làm nhà dưới đường dây là khó xử lý nhất. Bởi trị giá của nhà ở là rất lớn, nên người dân nhất quyết không chịu dời đi. Trong khi đó, chính quyền địa phương thường chỉ lập biên bản và nhắc nhở chứ chưa có hình thức xử lý dứt điểm”.
Hiện tại, toàn tỉnh có 31 trường hợp xây dựng nhà ở, công trình vi phạm hành lang an toàn điện. Bất chấp hiểm nguy có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, người dân vẫn kiên quyết bám trụ, sống ngay trong hành lang an toàn lưới điện.
Trồng cây trong hành lang an toàn
Nếu như vấn đề xây dựng nhà ở trong hành lang an toàn lưới điện gây khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho lưới điện nhưng chỉ giới hạn ở số lượng nhỏ, thì việc người dân tự ý trồng cây ngay trong hành lang an toàn lưới điện lại diễn ra trên diện rộng.
Qua kiểm tra và thống kê của Điện lực Quảng Ngãi, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 100 trường hợp cây trồng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hoặc nằm sát hành lang an toàn lưới điện, ngã đổ vào đường dây, gây ảnh hưởng đến lưới điện.
Tại khoảng cột 83 - 84 thuộc đường dây 220 kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi ông Trần Ngọc Sang ở thôn Mỹ Thịnh, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã trồng trên 1.000 cây keo trong hành lang lưới điện. Việc làm này đã vi phạm Nghị định 106/2005/NĐ-CP. Được sự giúp đỡ của UBND huyện Tư Nghĩa và chính quyền địa phương, ngành điện đã làm việc, vận động, thuyết phục chủ hộ đồng ý thực hiện đốn chặt số cây nói trên và không trồng mới.
Tại khoảng cột 20 - 21, thuộc đường truyền tải điện 22 kV ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), ông Võ Tánh trồng keo ngay trong hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên, mặc dù ngành điện cùng địa phương đã nhiều lần vận động, nhưng ông vẫn chưa chấp hành đốn chặt.
Việc canh tác tự phát trong và gần hành lang dễ gây mất an toàn và vi phạm hành lang bảo vệ. Không ít chủ canh tác đào hố ngăn cách, dựng hàng rào, cày xới, phá bỏ đường công vụ gây khó khăn cho cả người dân và đơn vị quản lý, vận hành trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng, xử lý sự cố.
Khó kiểm soát và xử lý vi phạm
Mặc dù đã có quy định cụ thể, nhưng Điện lực Quảng Ngãi vẫn đang gặp một số vướng mắc trong công tác xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Bởi đây không phải vấn đề của riêng ngành điện, mà cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ từ chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan.
Trong thời gian qua, tình trạng một số doanh nghiệp khai thác đất trong và gần hành lang lưới điện đe dọa phóng điện và đổ cột liên tục xảy ra nhưng chưa được xử lý một cách triệt để. Một số chủ khai thác vẫn tiếp tục các hoạt động trái phép này khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường.
Hoặc đối với trường hợp xây dựng công trình trong hành lang an toàn lưới điện, mặc dù đã có quy định của Luật Điện lực về việc trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình, thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp đảm bảo an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này. Tuy nhiên, một số tổ chức có chức năng cấp phép và chủ công trình đã bỏ qua quy trình này. Chính vì thế, tình trạng người dân bất chấp quy định, tự ý xây nhà trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện vẫn liên tục xảy ra, chưa thể kiểm soát.
Ông Cao Chức - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết: “Cái khó khi giải quyết những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện là thái độ bất hợp tác của người dân, dù biết việc vi phạm này có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu như chính quyền địa phương phối hợp đồng bộ cùng chúng tôi hơn nữa và cứng rắn răn đe, lập biên bản, xử phạt theo luật, thì người dân sẽ ý thức hơn trong việc thực hiện đúng quy định về hành lang an toàn lưới điện”.
Ông Trương Quang Dũng- Phó Giám đốc Sở Công thương:
Trên địa bàn tỉnh có hơn 90 km đường dây 500 kV, gần 80km đường dây 220 kV (2 mạch); 1 trạm biến áp 500 kV, 2 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất 938 MVA. Nếu sự cố xảy ra trên một trong những tuyến đường dây trên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vận hành an toàn của hệ thống điện và tính mạng, tài sản của con người. Nên ngoài việc phổ biến bằng văn bản, Sở Công thương còn phối hợp với Điện lực Quảng Ngãi in tờ rơi để tuyên truyền cho người dân biết được những quy định về hành lang an toàn lưới điện. Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Điện lực Bình Sơn: Đơn vị không thể lúc nào cũng kiểm tra 24/24 giờ. Nên khi kiểm tra định kỳ, phát hiện vi phạm, thì người dân đã xây dựng xong công trình. Lúc này, đơn vị không đủ thẩm quyền để yêu cầu người dân dời công trình ra khỏi hành lang an toàn lưới điện, mà chỉ có thể nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, dù phát hiện từ 2009, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Ông Nguyễn Hải Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh): Trước khi cấp giấy phép xây dựng nhà ở, công trình, chính quyền địa phương đều kiểm tra kỹ lưỡng, tránh trường hợp cấp phép xong mới phát hiện ra công trình bị vi phạm hành lang an toàn điện. Nhờ vậy nên trong 3 năm trở lại đây, Tịnh Phong không có trường hợp công trình, nhà ở nào vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Ông Phan Văn Xuân - người dân thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa): 12 năm trước, khi trồng cau sát lưới điện 22 kV, tôi đâu biết là mình đang vi phạm. Nếu được tuyên truyền và hiểu được rằng làm vậy là sai, thì tôi đã không làm. |
Bài, ảnh: Ý THU