Những vấn đề đặt ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

07:02, 21/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong thời gian qua, dư luận luôn quan tâm đến dự thảo về cải cách giáo dục. Cùng với những đổi mới của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu một cuộc cải cách toàn diện về giáo dục theo tinh thần Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI). Sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến của các nhà giáo dục có uy tín, nhưng đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa có kết luận cuối cùng mặc dù có 87% ý kiến chọn phương án 1. Tức là thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn được đông đảo học sinh và giáo viên đồng thuận. Bên cạnh đó thì cũng còn có nhiều ý kiến trái chiều.

TIN LIÊN QUAN

Đổi mới là tất yếu

Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp THPT có thể áp dụng trong năm 2014. Phương án 1, thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký môn ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.

 Học sinh Trường THPT Tư Nghĩa I nỗ lực học  tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp 2014.
Học sinh Trường THPT Tư Nghĩa I nỗ lực học tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp 2014.


 Phương án 2, thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Với môn ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.

Với 2 phương án thi tốt nghiệp được đưa ra chọn áp dụng ngay trong kỳ thi năm 2014 này thì hiện tại có trên 87% ý kiến đồng tình ủng hộ thi tốt nghiệp theo phương án 1. Ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Việc cải cách giáo dục, cụ thể là trong thi tốt nghiệp THPT theo dự thảo Bộ đưa ra sẽ giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh rất nhiều, được phụ huynh đồng tình và giáo viên đánh giá cao. Đặc biệt giúp phân luồng được học sinh vào những trường chuyên nghiệp thích hợp với các em hơn.

Về phía học sinh, hầu như học sinh nào cũng tỏ ra hồ hởi trước thông tin đổi mới thi tốt nghiệp, đặc biệt là mong muốn Bộ sẽ chọn phương án chỉ thi 4 môn, trong đó 2 môn do học sinh được chủ động chọn. Em Đoàn Nguyễn Hoài Văn, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Khiết, cho biết: Nếu thi 2 hoặc 3 môn thì dễ dàng cho chúng em, vì học sinh có thể chọn 2 môn tự chọn và sẽ giúp cho nhiều học sinh đầu tư ôn tập kỹ hơn để có thể vừa thi tốt nghiệp vừa vượt qua kỳ thi đại học dễ dàng hơn. Còn em Nguyễn Thị Liên, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn), nói: “Nếu Bộ đưa quyết định chọn phương án 1 sẽ giúp chúng em chọn môn yêu thích để thi tốt nghiệp và sau này để thi đại học. Chúng em đang tập trung đầu tư cho những môn thi tốt nghiệp và thi đại học sau này luôn”.

Nhiều phụ huynh cũng đang trông chờ kết luận cuối cùng của Bộ, hầu hết họ đều rất đồng tình với phương án giảm số môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ đưa ra. Trước hết là giảm áp lực cho con em trong thi cử, đồng thời cũng giảm bớt sự lo lắng của các bậc phụ huynh. Đặc biệt có thể giúp con em có thời gian đầu tư sâu vào các môn thi tốt nghiệp cũng như thi Đại học để có kết quả cao hơn trong các kỳ thi.

Tránh học lệch

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu đổi mới theo phương án 1 thì sẽ dẫn đến tình trạng học lệch trong học sinh. Còn nếu chọn phương án 2 thì việc cải cách giáo dục cũng không có nhiều mới mẻ. “Những đổi mới Bộ đưa ra sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh trong thi tốt nghiệp và các em có thời gian dành cho các môn thi đại học; đồng thời giảm chi phí, tiết kiệm thời gian...

Tuy nhiên, điều đó dễ tạo ra tình trạng học lệch những môn không thi tốt nghiệp”, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, giáo viên bộ môn Địa lý của Trường THPT Tư Nghĩa I, lo lắng. Còn cô Vũ Thị Bạch Trinh- giáo viên bộ môn tiếng Anh cùng trường thì cho rằng: “Trong những năm qua, đề thi tiếng Anh rất khác so với chương trình học. Tuy nhiên, học sinh vẫn thấy được tầm quan trọng của bộ môn này vì ngoại ngữ là chìa khóa của sự thành công. Để các em học sinh những khóa sau tiếp tục phấn đấu vì bộ môn này đòi hỏi Bộ có phương án phù hợp hơn nhằm khuyến khích các em học ngoại ngữ”.

Qua trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở GD&ĐT và một số hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, việc lựa chọn môn tự chọn trước đây là do ngành giáo dục làm, tuy nhiên ngay từ đầu học sinh đã có định hướng riêng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng học lệch thì cần có giải pháp và yêu cầu học sinh muốn lên được lớp 12 thì cần phải hoàn thành chương trình lớp 10, 11. Để làm được điều đó, các trường cần tổ chức cho học sinh học đúng theo nội dung chương trình đồng thời hướng các em lựa chọn nghề nghiệp, năng khiếu của mình.

Về phía xã hội, hiện vẫn còn một số ý kiến trái chiều trong thi ngoại ngữ là điều không thể tránh khỏi. Bởi, một mặt trong triển khai dạy học ngoại ngữ theo đề án của Bộ về việc nâng cao chất lượng ngoại ngữ, nhưng dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT lại gây băn khoăn và đồng thời không tạo động lực cho học sinh trong việc học bộ môn này. Vì vậy Bộ nên đưa môn tiếng Anh vào những môn tự chọn, thay vì chỉ khuyến khích như phương án 1.


Phương án đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp theo tinh thần đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà luôn là mối quan tâm của thầy và trò cũng như toàn xã hội. Vì vậy Bộ GD&ĐT cần sớm đưa ra kết luận cuối cùng để học sinh tập trung học tập, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp 2014.

 

*Ông Đỗ Văn Phu- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có kết luận chính thức về việc cải cách trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Tuy nhiên đổi mới là đúng và phần lớn chọn phương án 1. Bởi vì đến lớp 9 là các em đã có sự phân luồng trong giáo dục và nghề nghiệp nên nếu em nào chuyên sâu về Khoa học xã hội thì sẽ chọn 2 môn khoa học xã hội; em nào chuyên sâu khoa học tự nhiên thì sẽ chọn 2 môn khoa học tự nhiên. Riêng đối với phần ưu tiên 20% thì không cần. Vì đối với những học sinh tiêu biểu nằm trong diện 20% sẽ không gặp nhiều trở ngại nếu vẫn thi tốt nghiệp. Đồng thời, việc bắt buộc các em này thi sẽ nâng cao ý thức học tập trong các em. Hơn nữa, việc giảm 20% cũng không giảm chi phí được nhiều, vì lượng giám khảo coi thi và các chi phí khác vẫn không giảm.

*Ông Trương Quang Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa I (Tư Nghĩa):
Việc chọn phương án 1 và để học sinh tự chọn 2 môn tự chọn là một đổi mới quan trọng, giúp giảm áp lực cho các em học sinh. Các em có thể chọn môn nằm trong khối thi đại học để học. Tuy nhiên, việc để học sinh tự chọn đòi hỏi bộ phận tổ chức thi phải thật thận trọng nhằm tránh những sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả thi của các thí sinh.

*Cô Phạm Thị Anh Hương- Giáo viên bộ môn Văn học- Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn):
Việc giảm các môn thi từ 6 môn xuống còn 4 môn chắc chắn sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, bộ môn Anh Văn có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của các em trong tương lai. Vì vậy Bộ cần xem xét đưa bộ môn này vào những môn tự chọn, không nên tách rời làm môn khuyến khích. Bởi trong thời gian qua, bộ môn Ngoại ngữ nằm trong 3 môn bắt buộc nhưng kết quả các em học rất yếu nên nếu đưa vào môn khuyến khích sẽ không khuyến khích các em học môn ngoại ngữ này làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

*Em Phan Văn Công- Học sinh lớp 12A5, Trường THPT Tư Nghĩa I (Tư Nghĩa):
Hầu hết học sinh chúng em đếu muốn Bộ GD&ĐT chọn phương án 1 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm học này. Đây là phương án tối ưu, giảm được nhiều áp lực trong thi cử cho học sinh. Vì như vậy tụi em sẽ có thời gian dành cho việc học tập những môn thi đại học để có kết quả tốt hơn trong kỳ thi đại học sắp tới.

 


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.