(Báo Quảng Ngãi)- Càng giáp Tết nhu cầu thịt gia súc, gia cầm (GSGC) càng tăng mạnh. Chuyện vệ sinh giết mổ và chất lượng thịt GSGC vì thế cũng nóng sốt khi mà ngành chức năng dự báo lượng thịt dịp Tết này phụ thuộc không nhỏ vào nguồn cung bên ngoài do trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 khiến đàn GSGC trong tỉnh bị hao hụt hơn 280 nghìn con.
Giữa tháng 12.2013, 2.949 con gà, vịt ở huyện Nghĩa Hành bị chết và tiêu hủy do nhiễm vi rút cúm H5N1. Cũng năm 2013, có đến 1.750 con heo và 125 con trâu, bò mắc các bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, phó thương hàn, dịch tả... Đối với việc giết mổ, toàn tỉnh có đến 412/414 điểm chưa được cấp phép vì không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Thịt heo, bò thiếu dấu; gà, vịt vắng tem
5 giờ sáng ngày 7.1, trời còn tối đen, thế mà ở ngoài cổng chợ Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), hàng chục người đang đứng ngồi lấp ló. Chốc chốc, họ lại ùa ra đường, vây kín những chiếc xe máy chất đầy gà, vịt đang chạy chầm chậm để chào hàng. Sau vài giây…nhìn gà, xem vịt, họ nhanh chóng mặc cả, trả giá. “Gà mái 100.000 đồng/kg, gà trống 80.000 đồng/kg, vịt 75.000 đồng/con. Chịu thì chị lấy hết”, một người đàn bà lên tiếng mở hàng. “Vịt ốm, 72.000 đồng/con thôi”, một người khác chen vào. Cứ thế, giá được trả bị hạ dần so với con số mà người đầu tiên đưa ra.
Người tiêu dùng không hiểu sao lâu nay thịt bò, thịt heo lại vắng dấu kiểm dịch. |
Dường như biết trước điều này nên không đợi đến người thứ 4 lên tiếng, các chủ xe gà, vịt đều đồng ý bán sản phẩm của mình cho chính người… mở hàng kèm lời khuyến mãi: “Gà, vịt thả vườn ngon lắm. Miễn dịch luôn”! Nghe thế, mấy bà hàng buôn đốp lại: “Có tem miễn dịch không, cho xem thử nó có hình gì”. Việc mua bán gia cầm cứ diễn ra trong cảnh tấp nập, huyên náo và ồn ào như thế đến khi trời sáng, kéo sang trưa.
6 giờ sáng, chợ lác đác người. Chỗ trưng bày gà, vịt tuy nhếch nhác vì rác, phân nhưng cũng không khiến người mua người bán phiền lòng. Cạnh đó, “lò” giết mổ gà, vịt cũng đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu các bà nội trợ bằng hai nồi nước sôi đang bốc khói nghi ngút. Cái “lò” này có diện tích trên dưới 10m2, nền xi măng đen sì với ngổn ngang nồi, thau cùng 6 người đang hì hục vặt lông, moi ruột vịt, gà trong điều kiện... thiếu ánh sáng. Và chỉ trong vòng 5 giờ (từ 6-10 giờ sáng, đã có hơn 200 con gà, vịt đã và sắp bị thịt nằm lăn lóc. Để rồi trước khi bỏ vào bao ni lông cho khách, gà, vịt còn được ưu ái “rửa” trong thau nước nhuốm màu đỏ đen.
Tại quầy thịt heo, bò ở chợ Quảng Ngãi, 2 cân thịt đùi heo giá bán trên dưới 180.000 đồng. Tuy nhiên không hề có dấu xanh- dấu kiểm dịch của cơ quan thú y trên các loại thịt này. Khi khách hàng hỏi “dấu”, chị Lan - người bán thịt heo cho biết: "Mấy năm nay, thịt bỏ dấu hết rồi”. Thực tế, hầu hết tiểu thương đều lắc đầu về chuyện thịt heo có dấu kiểm dịch. Tại các chợ tuyến huyện như Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức... người mua cũng sẽ nhận cái nhìn khó chịu của người bán thịt heo, thịt bò khi hỏi, rồi tìm “dấu xanh”.
Bao giờ có dấu kiểm dịch?
Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, đối với gia cầm, việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển và giết mổ là vô cùng khó do số lượng quá lớn, địa bàn rộng mà lực lượng kiểm tra lại mỏng. Vậy nên chất lượng thịt cũng phụ thuộc vào... ý thức người nuôi - tức tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ và cái tâm người bán - tức không buôn bán gia cầm bệnh! Còn chuyện giết mổ GSGC thì hiện giờ, hầu hết người dân đều làm chui, chỉ có 2/414 điểm là Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) và Tịnh Hà (Sơn Tịnh) được Chi cục cấp phép hoạt động, dù nó cũng... chưa thực sự đảm bảo vệ sinh! Đối với chuyện thịt heo, bò thiếu dấu xanh, lãnh đạo Chi cục cho rằng, “đó là vì gia súc bị… giết muộn”. Tức là thú y viên chỉ kiểm tra, đóng dấu an toàn cho thịt vào lúc sáng sớm; còn thịt được ra lò sau phiên chợ sẽ sót dấu do cán bộ thú y không có thời gian quay lại...
Lò giết mổ gà, vịt trong chợ Nghĩa Dõng dù không đảm bảo vệ sinh, nhưng không lúc nào... ế. |
Quản lý, kiểm soát GSGC nội tỉnh đã bộc lộ nhiều lổ “hổng” như thế thì khi GSGC từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định đổ về trong dịp Tết liệu việc kiểm dịch chất lượng có thực sự đảm bảo? Nhất là chuyện trà trộn gà bệnh, vịt cúm, rồi heo tai xanh, bò lở mồm long móng để tiêu thụ giờ không có gì lạ. Nhỡ xảy ra chuyện này, không chỉ người dân lãnh hậu quả vì “bỏ tiền mua bệnh” mà đàn GSGC chưa kịp phục hồi sau lũ sẽ chẳng còn sức “né” H5N1 hay tai xanh. Lúc đó, thiệt hại sẽ không dừng lại ở số lượng GSGC bị chết, tiêu hủy mà là hoạt động sản xuất cùng cuộc sống của người dân sẽ tiếp tục khó khăn. Người tiêu dùng đang đặt câu hỏi: Bao giờ GSGC được dán tem, đóng dấu an toàn để người mua biết rằng “thịt này sạch”?
*Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Đình Tuấn: “Cần quy hoạch điểm giết mổ GSGC tập trung”. 412/414 điểm giết mổ GSGC hiện nay là tự phát, nhỏ lẻ. Dù số này đã được giao cho thú y viên tuyến xã kiểm tra, giám sát nhưng do một người phải đảm nhận 3 - 4 lò, có nơi cả chục lò nên chuyện “sót” là khó tránh khỏi. Chưa kể sự phân tán này khiến công tác quản lý buôn bán, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, trong khi lực lượng thú y rất mỏng, còn chính quyền địa phương nhiều nơi cũng chưa thực sự quan tâm. Chỉ khi xảy ra dịch bệnh, họ mới nhớ đến thú y để nhờ kiểm tra, xử lý. *Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Võ Văn Kỹ: “Đầu tư trang thiết bị phân tích sâu, đồng thời cho phép sử dụng và công nhận kết quả text nhanh các mẫu thực phẩm tươi sống”. Sau 7 ngày thu mẫu, thịt mới có kết quả tốt-xấu. Khoảng thời gian này, nó đã được bán và tiêu thụ xong. Đã thế, vì vướng kinh phí (phân tích 1 mẫu tốn 1 triệu đồng), lại thiếu thiết bị nên mỗi lần kiểm tra chất lượng thịt, anh em chủ yếu dựa vào cảm quan, không mạnh dạn lấy mẫu đại trà mà chỉ “chấm” những thớ thịt… nghi là “có vấn đề” để gửi Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 Đà Nẵng phân tích. *Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Ý: “Xã hội hóa công tác giết mổ GSGC”. Buôn bán gia cầm tấp nập, kéo theo dịch vụ giết mổ nhộn nhịp là lẽ đương nhiên. Dẫu biết lò này không đảm bảo vệ sinh, lại dễ lây lan dịch bệnh nhưng địa phương cũng chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Nếu cấm, họ đưa vào hoạt động bí mật, hoặc mang ra giữa đồng hay bờ ao để giết mổ. Trong khi điểm giết mổ gia cầm tập trung ở xã Nghĩa Dũng thì họ chê xa, không đến bởi nó cách chợ Nghĩa Dõng hơn... 2 cây số!. Còn vấn đề kiểm tra, kiểm dịch thịt GSGC là việc của ngành thú y, chứ địa phương không có cán bộ chuyên môn lẫn thiết bị để phân biệt thịt sạch, thịt bẩn. *Bà Lê Thị Đào, thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn (Minh Long): “Đóng dấu lúc GSGC còn sống, chứ ra thịt rồi đóng làm chi”. Lâu nay, tôi chẳng thấy dấu xanh dấu đỏ gì trên thịt. Ra chợ thấy thịt heo, bò đỏ tươi thì mua; còn gà, vịt thì lựa con mạnh khỏe, da ấm. Mà giả sử thịt có dấu cũng chưa chắc an toàn. Vì nhiều khi tôi thấy mấy ông thú y …đóng dấu thịt ngay tại chợ. Thế thì làm sao mà biết heo, bò có mang trong mình bệnh tật gì không. |
Bài, ảnh: Mỹ Hoa