(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lòng TP.Quảng Ngãi mọc lên khá nhiều. Nhưng do thiếu quy hoạch và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác, khí thải nên môi trường thành phố đang bị ô nhiễm đến mức báo động...
* "Lơ" xử lý ô nhiễm.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế, TP.Quảng Ngãi hiện có khoảng 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) nhưng chỉ có 229 hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường. Qua thanh tra ở TP.Quảng Ngãi hiện có khoảng 776 cơ sở sản xuất CN - TTCN có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chiếm gần 60% tổng số các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Các cơ sở này thuộc các lĩnh vực tái chế nhựa, cơ sở chăn nuôi, chế biến bò khô, cá, mực khô, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, hóa chất tẩy nhuộm, xi mạ kim loại; cơ sở sản xuất giày dép... Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh trên lấy lợi nhuận làm trọng chứ chưa đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý môi trường.
Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng chưa làm tốt việc xử lý ô nhiễm về tiếng ồn, bụi và nước thải... |
Theo quy định, các cơ sở sản xuất trước khi đi vào hoạt động phải làm hồ sơ cam kết và được UBND thành phố cấp giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện. Chính vì thế môi trường của thành phố ngày càng ô nhiễm nặng. Trong khi đó, ngành chức năng ở thành phố xử lý chưa triệt để những đơn vị gây ô nhiễm, nên người dân cứ ca thán, còn các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm thì vẫn cứ hoạt động.
* Hy vọng sớm di dời
Ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận xét: "Vào mùa mưa cách đây khoảng 6 -7 năm, thành phố ngập chìm trong nước. Đi khảo sát các vùng bị ngập lụt sẽ chứng kiến nguồn nước từ các cơ sở thải ra hòa lẫn trong dòng nước mưa đen ngòm, hỗn tạp nhiều thứ. Chúng tôi hiểu, các cơ sở sản xuất chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường nên mới xảy ra cảnh này. Sau cơn lũ những năm đó, ngành chức năng và cả chính quyền địa phương trăn trở nhiều nhưng đến nay, tình trạng môi trường ở các cơ sở sản xuất CN - TTCN trong lòng thành phố vẫn chưa được cải thiện".
Khói bụi từ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Năm 2013, UBND TP.Quảng Ngãi đã xây dựng đề án phát triển làng nghề TP.Quảng Ngãi giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở này, thành phố đã khảo sát và kết luận phải di đời 642 cơ sở sản xuất CN - TTCN gây ô nhiễm môi trường vào vùng quy hoạch. Trong đó đáng chú ý là các cơ sở sản xuất bình ắc quy, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, nước rửa chén; sản xuất tái chế phế thải; cơ sở tẩy nhuộm hồ in trên sản phẩm dệt may, bao bì, danh thiếp; sản xuất gia công hàn tiện, xi mạ kim loại, vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh, thực phẩm tươi sống, giết mổ gia súc, gia cầm...
Dự án đã có, còn việc triển khai thực hiện thì đang xúc tiến, nên cả sơ sở sản xuất kinh doanh lẫn người dân thành phố đều trông chờ. Ai cũng muốn TP.Quảng Ngãi ngày càng xanh, sạch đẹp và sớm đạt tiêu chí về môi trường của một đô thị loại II.
*Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi: "Nhanh chóng quy hoạch xây dựng làng nghề ở phường Quảng Phú". Dân phàn nàn nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động là hoàn toàn chính xác. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của thành phố phát hiện các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các cơ sở CN – TTCN, nên đã nhanh chóng xây dựng đề án quy hoạch làng nghề (18 ha) tại phường Quảng Phú để di dời các cơ sở gây ô nhiễm vào khu quy hoạch. Dự kiến giai đoạn I thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017. Đối với các cơ sở chưa đưa vào khu quy hoạch được thì bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, có biện pháp xử lý rác thải, khí thải và tiếng ồn. *Ông Phạm Văn Thanh - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố: "Tăng cường xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường". Hằng năm, Phòng đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tăng cường công tác kiểm tra; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy vậy, vẫn có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Thời gian tới Phòng sẽ tăng cường xử lý vi phạm và buộc họ phải thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường. *Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Siêu thị Thành Nghĩa Quảng Ngãi: "Xây dựng hệ thống xử lý nước thải vào cuối năm 2013". Hoạt động kinh doanh một số mặt hàng tươi sống, nhưng thiếu hệ thống xử lý nước thải, siêu thị vẫn biết hoạt động trong điều kiện như vậy là thiếu bền vững, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Ngành chức năng đã nhắc nhở, siêu thị hiện đang gấp rút hoàn thành hồ sơ để cuối năm 2013 triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đầu năm 2014 đưa vào sử dụng. Khi đó, lượng nước thải đưa ra môi trường, chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo tiêu chuẩn. *Bà Bùi Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhàn Thịnh: "Mong thành phố nhanh chóng hình thành khu làng nghề". Công ty chúng tôi chuyên sản xuất vật liệu xây dựng với công suất lớn, gần 3.000 viên/ngày. Mặc dù Công ty đã đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, nhưng do hoạt động trong lòng thành phố, gần khu vực đông dân cư nên khó tránh khỏi gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi và cả nước thải đến các khu vực lân cận. Trong thời gian đến, khi TP Quảng Ngãi quy hoạch khu làng nghề tập trung, Công ty sẽ đăng ký di dời ngay để tránh gây ô nhiễm môi trường trong lòng thành phố. |
Bài, ảnh: MAI HẠ