Thị trường phân bón, thuốc trừ sâu: Vàng thau lẫn lộn

10:08, 19/08/2013
.

(QNg)- Với hơn 27,3 nghìn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thì lượng phân bón (urê, lân và ka li) và thuốc trừ sâu bệnh (gọi chung là vật tư nông nghiệp) mà đất lẫn cây trồng trên địa bàn Quảng Ngãi cần hàng năm ước gần 16 nghìn tấn. Nắm rõ điều này, các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp  (VTNN) tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm với đủ loại công thức, giá cả lẫn… chất lượng!

TIN LIÊN QUAN

Loạn vật tư nông nghiệp

Hiện nay, ngoài 4 DN đăng ký chuyên sản xuất và cung ứng VTNN, thì thị trường trong tỉnh cũng đón nhận sự có mặt của rất nhiều sản phẩm nội lẫn ngoại như phân bón NPK đơn và hỗn hợp, phân vi sinh, khoáng, thuốc trừ sâu bệnh, chế phẩm sinh học… Điều đáng nói là, trong số này không hiếm VTNN “dỏm” được đặt ngay bên cạnh hàng chất lượng nhằm đánh lừa nông dân, nhất là bà con khu vực miền núi và những người có thói quen mua lẻ.  

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ (bìa trái) xem và kiểm tra các sản phẩm của Công ty CP Humic Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ (bìa trái) xem và kiểm tra các sản phẩm của Công ty CP Humic Quảng Ngãi.


Tại huyện Tây Trà, do cả huyện không có một đại lý hay cửa hàng cung ứng VTNN, nên  bà con nơi đây phải lặn lội về tận Trà Bồng để mua VTNN hoặc đặt hàng các “chợ di động”- những người mua bán, chuyên chở hàng hóa giữa hai miền xuôi ngược, để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, chẳng biết vì nông dân Tây Trà sử dụng phân bón chưa hợp lý, hay vì chất lượng sản phẩm có vấn đề mà họ lại than: “Lúa xấu nhưng bón phân, phun thuốc mãi vẫn không tốt”. Thậm chí ông Hồ Văn Dũng (Trà Lãnh) còn chắc chắn mình mua phải phân giả vì lắm lúc bón 3 đợt, cây lúa vẫn cứ vàng từ lúc còn mạ non đến khi kết hạt. Thế nhưng khi hỏi xem bao bì của loại phân bị “kết tội”, thì ông Dũng bảo: “Mình nhờ người ta mua hộ mỗi lần vài ký nên không nhớ rõ, chỉ nhớ mang máng nó là NPK 16-16-8”!

Không chỉ xuất hiện ở Tây Trà mà tình trạng VTNN có “tên thật, chất lượng giả” cũng được nông dân huyện Bình Sơn phản ánh. Theo đó, rất nhiều loại thuốc được người bán giới thiệu là “diệt trừ sâu năn, rầy nâu chỉ sau một lần phun” nhưng mà “dùng hết cả lọ mà rầy, sâu vẫn cứ sống trơ trơ”, ông Võ Công T. ở xóm Mới, xã Bình Trung nhớ lại lần mua phải hàng ngoại “dỏm”. Không riêng gì ông T. mà dường như nông dân trong tỉnh cũng "rối" trước sự đa dạng về chủng loại, cũng như chất lượng của các sản phẩm VTNN, khi mà công dụng của nó được quảng cáo rầm rộ và nghe rất lọt tai.


Chia sẻ nỗi lo này, ông Võ Lê Duy Lâm, cán bộ phụ trách kinh doanh Công ty Bình Điền, cũng chỉ biết tiết lộ thông tin không lấy gì làm vui. Ông cho rằng, lợi dụng thị trường tiêu thụ rộng, không ít cơ sở sản xuất đã hạ công thức sản phẩm nên hàm lượng các chất thực tế không đúng với thông tin trên bao bì. Phổ biến nhất là loại NPK và phân bón hỗn hợp. Điều trái khoáy là những hàng dỏm như thế lại có nhiều cơ hội ra ruộng vì giá thấp hơn 2.000 - 4.000 đồng/kg so với sản phẩm chất lượng cùng loại. Hoặc giả không vì mức giá hấp dẫn thì nông dân cũng chẳng thể nào biết được VTNN thật hay giả trừ khi bị nó cho nếm “quả đắng” ít nhất một lần!


Thanh kiểm tra: Vừa đấm vừa xoa

Mỗi năm Thanh tra Sở NN&PTNT chỉ tổ chức một đợt thanh kiểm tra chuyên ngành về hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, với mức độ đa dạng lẫn sự biến thiên của mặt hàng này thì dường như, hoạt động thanh tra chẳng thấm vào đâu. Bởi, với 4 DN và 51 cơ sở kinh doanh VTNN nhưng đợt thanh kiểm tra duy nhất này chỉ kéo dài hơn một tháng với quy trình “chuẩn” gồm: Xây dựng kế hoạch, tập trung nhân sự, công bố quyết định thành lập đoàn, ra quân kiểm tra và cuối cùng là lấy mẫu gửi đi phân tích.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm không phải là đoàn này làm việc bao lâu hay kiểm tra những đâu, mà cần con số chính xác là VTNN dỏm đang được bày bán; rồi thông tin những cơ sở, DN sản xuất hàng kém chất lượng, cũng như địa chỉ cụ thể của các đại lý, cửa hàng tiếp tay tiêu thụ loại hàng dỏm...

Yêu cầu trên có hai cái lợi. Một là giúp người dân tránh mua phải VTNN kém chất lượng. Hai là tạo tính răn đe mạnh đối với những cơ sở làm ăn gian dối. Biết thế,  nhưng việc này chưa được thực thi nghiêm túc. Trong các báo cáo sơ kết hay tổng kết hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoặc là nội dung liên quan đến công tác thanh kiểm tra VTNN bị trống, hoặc có xuất hiện thì cũng được tóm lược rất…gọn! Nghĩa là chỉ nêu số lần ra quân của đoàn hay tổ chức, cá nhân vi phạm… còn thông tin cụ thể về tên đơn vị, sản phẩm phạm quy thì chẳng thấy đâu, dù mức độ vi phạm đã bị xử phạt hành chính bằng tiền.

Đối với thanh tra liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản dẫn đầu thì tần suất soát xét dày hơn. Nhưng kết quả báo cáo vẫn mang tính chung chung. Như năm 2012, đoàn này đã kiểm tra 418 cơ sở, trong đó có 51 điểm kinh doanh VTNN. Kết quả, 4 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản bị xếp loại C. Điều lạ là thay vì công khai rộng rãi danh tính, lý do vì sao 4 cơ sở trên bị xếp loại C chứ không phải A, B thì, đoàn lại gửi thông báo đến những địa chỉ trên và yêu cầu sớm khắc phục lỗi để các đơn vị chức năng sẽ... kiểm tra lại! Rõ ràng, với cách làm “vừa đấm vừa xoa”. Mà nếu như thế thì đến khi nào, VTNN “dỏm” mới bị triệt hạ? Vì thế đã đến lúc các ngành chức năng cần mạnh tay truy quét những loại VTNN giả, nhái và kém chất lượng.

 

*Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em: Thị trường VTNN loạn là có sự tiếp tay của các cửa hàng, đại lý kinh doanh. Xảy ra tình trạng này cũng bởi chúng ta quá dễ dãi trong việc cho phép các điểm trên hoạt động. Bởi, ai có vốn là có cửa hàng, đặt đại lý; còn chuyên môn thì vừa bán vừa học. Thế mới có chuyện “thuốc này chữa bệnh nọ”. Thậm chí để tăng lượng hàng tiêu thụ, không ít chủ cơ sở kinh doanh còn tư vấn cho nông dân sử dụng các loại VTNN mới mà nguồn gốc, xuất xứ không rõ; hay bón phối trộn giữa thuốc này phân kia khiến sâu bệnh không những không chết, mà còn lây lan, bùng phát. Thế nhưng, khi xảy ra thiệt hại, thì đối tượng này lại phủi tay.

*Phó trưởng Phòng NN & PTNT huyện Bình Sơn Lê Văn Khoa: Nhiều người mua VTNN lẻ, nhất là phân bón hỗn hợp, NPK dễ vớ phải hàng giả, kém chất lượng. Vấn đề là ở chỗ, người dân không thể phát hiện đó là sản phẩm dỏm cho đến khi nhận thấy sâu bệnh hay sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng vẫn cứ “dậm chân tại chỗ” dù ngốn không ít phân, thuốc. Lúc này, dù nghi ngờ nhưng họ cũng chỉ rỉ tai với nhau chứ không báo cáo với các ngành chức năng. Mà nếu báo, chúng tôi cũng chỉ tiếp nhận thông tin chứ việc xử lý thì vô cùng khó khăn, vì không có chứng cứ.

*Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Bá: Sau khi thanh kiểm tra, cơ quan chức năng cần thông tin kết quả với chính quyền địa phương. Vì nếu trên địa bàn có cửa hàng, đại lý kinh doanh VTNN nào vi phạm, chúng tôi cũng dễ và tiện theo dõi, giám sát. Hơn nữa, sự phối hợp này cũng sẽ giúp cán bộ cơ sở có cơ hội tiếp cận và học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng kiểm soát và quản lý thị trường buôn bán VTNN vốn bị bỏ rơi như lâu nay.  

*Giám đốc Công ty CP Hữu cơ Humic Quảng Ngãi Trần Đức Dũng: Khi cấp phép hoạt động cho các DN hoặc cơ sở sản xuất VTNN, các ngành chức năng cần kiểm tra chặt quy trình và kỹ thuật sản xuất, tránh hiện tượng DN làm ăn theo kiểu “cuốc xẻng” là chạy sản phẩm không đúng công thức, trá thành phần các chất hay “nhái” hàng của DN uy tín rồi bán phá giá để trục lợi. Hơn nữa khi phát hiện DN, cơ sở vi phạm, nhất thiết phải xử lý mạnh tay.

*Bà Nguyễn Thị Thu Ba, thôn Tân Định, xã Đức Thắng (Mộ Đức): Phát hiện và xử lý VTNN thật giả là việc của các ngành chức năng, còn nông dân thì chỉ biết tin vào các…chủ cửa hàng, đại lý phân phối. Vì thế mà lắm lúc, dù biết mua phải hàng kém chất lượng nhưng chúng tôi vẫn phải bỏ qua, vì họ giải thích đổ lỗi do sử dụng sai liều lượng, bón không đúng thời điểm nên thuốc, phân bón chưa phát huy hết hiệu quả!

 


Bài, ảnh: MỸ HOA 
 


.