(QNg)- Tại các địa bàn giáp ranh, những vấn đề về tranh chấp, khiếu kiện do tình trạng xâm canh, xâm cư… và vấn nạn khai thác trái phép nguồn tài nguyên rừng vẫn thường xuyên xảy ra. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng quản lý vùng giáp ranh vẫn lắm nhọc nhằn.
Một ngọn đồi, ba huyện tranh chấp
Hơn 10 năm qua, 25 ha đất thuộc khu vực đồi U Bò (xã Sơn Hạ, Sơn Hà) nằm giữa 3 xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Sơn Hạ (Sơn Hà), Trà Tân (Trà Bồng) trở thành khu vực “nóng”. Mặc dù phần đất trên thuộc về sự quản lý của xã Sơn Hạ tuy nhiên gần 11 năm qua, người dân xóm Đồng Ren (thôn Đèo Gió, Sơn Hạ) đành phải “ngậm bồ hòn” chịu thiệt thòi.
“ Phần đất này chúng tôi khai khẩn để trồng lúa rẫy và mì từ năm 1987. Thế nhưng, gần 11 năm qua, chúng tôi phải chịu cảnh nhìn người xã khác canh tác trên đất của mình. Không chỉ “nhượng bộ” người dân xã Trà Tân (Trà Bồng) mà chúng tôi cũng đành chịu thua người dân Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Mình có công khai hoang vỡ hóa, nhưng chẳng được hưởng gì” - ông Đinh Thanh Lít- Trưởng KDC Đồng Ren, bức xúc nói.
Truy quét lâm tặc xẻ gỗ tại tuyến rừng giáp ranh Tây Trà và Sơn Tây. |
Theo chính quyền xã Sơn Hạ, năm 2002, Lâm trường Trà Tân (Trà Bồng) lên phát lấn chiếm đất của xã Sơn Hạ, tại vị trí đồi U Bò, với diện tích khoảng 25 ha. Chính quyền địa phương đã đến làm việc với lâm trường, nhưng vì lâm trường đã trót “đổ” nhiều vốn để trồng keo nên phía Sơn Hạ đã thỏa thuận hợp đồng với lâm trường trồng keo trong vòng 7 năm và phải bàn giao lại đất. Tuy nhiên, đến năm 2008, lâm trường Trà Tân khai thác keo vừa xong, chưa kịp bàn giao lại đất thì 17 hộ dân xã Tịnh Giang và 2 hộ dân xã Trà Tân đã tự ý lấn chiếm đất để canh tác.
Một lần nữa, chính quyền xã Sơn Hạ lại tiếp tục phải thỏa thuận với Tịnh Giang và thống nhất quan điểm chung là gia hạn trong một năm để người dân Tịnh Giang thu hoạch xong mì thì sẽ trả lại đất. “Mặc dù vậy, đến tận thời điểm này, đất chẳng thấy đâu, chỉ thấy keo lai vươn lên xanh tốt ngay chỗ vùng đất tranh chấp bởi các hộ dân Tịnh Giang sau khi thu hoạch xong mì, lại tiếp tục ươm keo” - ông Đinh Te – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ, nói.
Dù chính quyền hai địa phương đã nhiều lần họp bàn nhưng vẫn không thống nhất được hướng giải quyết “hợp lòng dân”. Trong khi UBND Sơn Hạ yêu cầu 17 hộ của Tịnh Giang trả đất, thì UBND Tịnh Giang lại mong mỏi cấp quyền sử dụng đất cho 17 hộ dân địa phương mình. Vậy là hơn 20 hộ dân của xóm Đồng Ren đành phải tiếp tục “nhường” đất. Ông Cao Thanh Hùng - Trưởng Công an xã Sơn Hạ trăn trở, để chấm dứt hẳn tình trạng xâm canh tại khu vực giáp ranh không phải là vấn đề dễ dàng. Bởi khu vực giáp ranh thường cách xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chính quyền cơ sở không thể kiểm tra liên tục. Nhiều khi lập biên bản, xử lý xong xuôi, vài ngày sau người dân lại quay về xâm lấn”.
Không chỉ riêng tại vùng giáp ranh giữa các huyện Sơn Hà- Sơn Tịnh- Trà Bồng, trên địa bàn tỉnh tình trạng xâm canh, xâm cư vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Cột mốc địa giới đã có, ranh giới hai bên được phân chia rất rõ ràng. Thế nhưng người dân vẫn “bỏ ngoài tai”, tự ý xâm lấn để canh tác, xây dựng nhà ở gây ảnh hưởng đến công tác giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Hơn nữa, giao thông tại các khu vực này đi lại rất khó khăn. Vì thế, công tác quản lý của chính quyền địa phương như bơi trong biển khó.
Rừng giáp ranh - phối hợp nhưng quản lý không xuể
Tại các điểm rừng giáp ranh, nhất là khu vực giáp ranh giữa tỉnh ta với các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, tình hình phá rừng diễn ra vô cùng phức tạp. Bởi nguồn tài nguyên tại các điểm rừng giáp ranh này rất phong phú và hiện diện nhiều loài động thực vật quý, hiếm, đặc hữu.
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhằm nỗ lực “cứu” rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh giữa ba tỉnh. Không chỉ phối hợp liên tỉnh, mà ở các huyện có rừng nằm vị trí giáp ranh, Hạt Kiểm lâm các huyện cũng linh hoạt thành lập ban phối hợp. Theo đó, việc truy đuổi vi phạm sẽ không cần giới hạn ranh giới hành chính và còn được phép yêu cầu bên kia phối hợp hỗ trợ để bắt giữ kịp thời.
Trong trường hợp khẩn cấp như cháy rừng hoặc vụ việc xảy ra cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm thì lãnh đạo cơ quan kiểm lâm sở tại và kiểm lâm viên đang làm nhiệm vụ có trách nhiệm làm việc trực tiếp với đơn vị kiểm lâm bạn để hỗ trợ. Nhờ quy chế phối hợp, nhiều trường hợp phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép đã nhanh chóng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Điển hình như trường hợp đội kiểm lâm cơ động tỉnh Kon Tum phối hợp với đội kiểm lâm cơ động và Công an tỉnh Quảng Ngãi truy bắt xe ô tô 76M-0671 do Lê Viết Pha và Nguyễn Văn Dân ở huyện Mộ Đức điều khiển trên xe chở trên 11m3 gỗ xe do bà Nguyễn Thị Giang - Công ty TNHH Một thành viên Nhật Hùng, ở huyện Mộ Đức làm chủ. Qua điều tra, số gỗ trên không có nguồn gốc được vận chuyển từ tỉnh Kon Tum về Quảng Ngãi tiêu thụ.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện qui chế phối hợp, nhưng công tác bảo vệ rừng giáp ranh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn xuất phát từ chính những đặc thù của địa bàn.
Lợi dụng đặc điểm địa hình phức tạp tại các tuyến rừng giáp ranh với độ dốc lớn và bị chia cắt nhiều bởi sông, suối... nên nhiều lâm tặc đã “đổ” về đây khai thác. Hơn nữa, gần khu vực rừng giáp ranh, đời sống của người dân hầu hết còn gặp nhiều khó khăn, vì thế tình trạng phát rừng làm nương rẫy và phá rừng đốt than liên tục diễn ra. Nếu như lâm tặc chuyên nghiệp gây khó khăn cho công tác truy quét bởi sự tinh vi và táo tợn, nhanh chóng đánh động và tẩu táng tang vật, thì tình trạng người dân phá rừng đốt than lại khiến các ngành chức năng phải đau đầu vì sự lặp đi lặp lại nhiều lần sai phạm.
Không những thế, việc triển khai quy chế phối hợp tại tuyến rừng giáp ranh lại “vấp” phải vấn đề nan giải ,“dở khóc dở cười” khi mạng lưới thông tin liên lạc tại các khu vực giáp ranh thường rất ít nơi được phủ sóng. Do đó, công tác phối hợp tại các điểm rừng giáp ranh không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được.
*Ông Nguyễn Đại – Phó Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Rừng giáp ranh có diện tích khá rộng, địa hình lại phức tạp, nên mỗi đợt tuần tra, truy quét thường phải kéo dài từ 7-10 ngày. Trong quá trình tuần tra, mỗi một cán bộ kiểm lâm phải tự lo tư trang cho mình và mang theo võng, lương khô để sẵn sàng ăn ngủ trong rừng. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí lẫn phương tiện phục vụ cho việc tổ chức truy quét ở các vùng rừng giáp ranh vẫn còn hạn chế nên việc tổ chức các đợt tuần tra vẫn phải bị “giới hạn”. *Ông Trần Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ: Nhiều năm nay, các hộ dân trên địa bàn huyện và huyện Hoài Nhơn (Bình Định) vẫn tồn tại tình trạng xâm canh lẫn nhau. Trong đó, phía huyện Đức Phổ bị xâm canh với tổng diện tích khoảng 300 ha (chủ yếu thuộc địa phận xã Phổ Khánh). Tuy nhiên, do đường sá đến nơi sản xuất rất xa xôi, lại khó đi nên người dân địa phương không mấy mặn mà. Còn nếu đi từ phía Hoài Nhơn sang thì giao thông lại rất thuận tiện. Vì vậy, chính quyền hai huyện đã tiến hành họp bàn và đi đến thống nhất cấp quyền sử dụng đất cho người dân Hoài Nhơn, và cùng phối hợp quản lý để tạo điều kiện cho người dân đôi bên tăng gia sản xuất. *Ông Võ Văn Trình - cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Phổ: Vào dịp nắng nóng, hầu như ngày nào chúng tôi cũng tuần tra tại khu vực rừng giáp ranh nhằm kiểm tra tình trạng rừng để PCCC và truy quét lâm tặc, nhiều nhất vẫn là các đối tượng đốt than. Tuy nhiên, đường giao thông tại các khu vực giáp ranh chủ yếu là đường nhỏ, lại nhiều dốc nên rất khó để truy quét nhanh chóng và kịp thời. Đấy là chưa kể nếu có cháy rừng xảy ra thì lực lượng cứu hỏa rất khó tiếp cận ngay. *Ông Đinh Sờ Ríp - cán bộ địa chính xã Sơn Nham (Sơn Hà): Phát huy tốt vai trò của những già làng, người có uy tín trong cộng đồng có tác dụng rất lớn trong việc vận động người dân không xâm canh tự do, giảm thiểu những tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, hoa màu vùng giáp ranh. Bởi họ là những người luôn cận kề với người dân nên hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con và thuyết phục người dân tin, nghe theo. |
Ý Thu