Cần bảo hiểm cho nông nghiệp

09:11, 25/11/2012
.

(QNg)- Để phát triển một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện tái sản xuất khi chẳng may gặp rũi ro do thiên tai, dịch bệnh thì bảo hiểm nông nghiệp là cứu cánh của nông dân. Với một tỉnh nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế như Quảng Ngãi thì vấn đề bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân cần được sớm quan tâm.

Dù là người làm ra sản phẩm hàng hóa nhưng phần lớn nông dân không có quyền quyết định về giá mà hầu hết do thương lái thâu tóm. Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh, được mùa mất giá như điệp khúc, nông sản "bẩn" giá rẻ... luôn đeo bám, đe dọa nền sản xuất nông nghiệp, khiến cuộc sống của nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Nông dân Quảng Ngãi đang cần một điểm tựa để có thể yên tâm gắn bó với ruộng vườn, ổn định cuộc sống.

Điệp khúc buồn

Được mùa mất giá luôn là nổi ám ảnh của ngành nông nghiệp. Mọi sản phẩm hàng hóa làm ra được quyết bởi thị trường tiêu thụ, và thực tế nhu cầu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tương đối lớn, nhưng giá cả luôn bị... chèn ép. Người dân làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá mà cái quyền đó thuộc về những người mua. Điều dễ nhận thấy đang diễn ra hiện nay là ngành chăn nuôi đang rơi vào cảnh khốn đốn. Để nuôi 1 tạ heo nông dân phải đầu tư ít nhất 3 triệu đồng/5 tháng (không tính công), nhưng giá heo ngoài thị trường hiện tại trung bình 35- 45 ngàn đồng/kg heo hơi. Như vậy, người chăn nuôi hoàn toàn không có lãi, nếu không nói là lỗ. Vài năm trở lại đây, dịch heo tai xanh được khống chế, ngành chăn nuôi từng bước được phục hồi. Người dân mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi mong "gỡ gạc". Thế nhưng, khi đến ngày xuất bán thì họ cầu mong lấy lại vốn đã là may mắn.

Chương trình bảo hiểm nông nghiệp nếu được triển khai sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho nông dân, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.
Chương trình bảo hiểm nông nghiệp nếu được triển khai sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho nông dân, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.


Anh Diệp, một chủ trang trại nuôi heo tại xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chia sẻ, cuối năm 2011 anh vay mượn hơn 1 tỷ đồng để thuê đất xây dựng chuồng trại, thả nuôi gần 1.000 con heo mong đến ngày bán để trả nợ, nhưng niềm hi vọng của cả gia đình như bị dập tắt với lứa heo đầu tiên thu không đủ chi. Hết vốn giờ đành bỏ không chuồng trại và xuống thành phố Quảng Ngãi mưu sinh nuôi gia đình và trả nợ. "Phải bỏ không chuồng trại cả tỷ đồng không đau sao được, nhưng biết đào đâu ra tiền mà nuôi lại"- anh Diệp chua chát.

Đối với gia cầm thì không khá hơn. Dịch bệnh "đến hẹn lại lên", hàng trăm ngàn con gia cầm phải tiêu hủy. Nông dân ngậm ngùi nhìn những đồng vốn chắt chiu của mình chôn vùi dưới hố sâu chỉ trong thời gian ngắn. Nuôi trồng thủy sản thì bấp bênh, dịch bệnh bất thường, đầu ra bị thâu tóm nên cũng không mấy hiệu quả. Ngành chăn nuôi dường như không có lối thoát. Người nông dân lại tiếp tục nuôi hi vọng "bày keo khác" với tâm lý bất an, lo sợ và chỉ biết cầu trời gặp may mắn.

Nguồn sống quan trọng khác của nông dân là trồng trọt cũng chung số phận. "Thóc cao, gạo kém" là hình ảnh phản ánh đúng thực tế của ngành trồng trọt hiện nay khi giá ngoài đồng chỉ đủ bữa rau bữa cá, còn trên thị trường đắt đến khó tin. Người nông dân nhìn sản phẩm mình làm ra bị "làm giá" mà quặn thắt. Nông dân đầu tư để làm ra hạt lúa, cọng rau với chi phí khá lớn, nhưng khi bán ra thì giá rẻ mạt. Đây là một nghịch lý nhưng với những nông dân chân lấm tay bùn không thể nào lý giải được. Câu hỏi đặt ra lúc này là Nhà nước cần làm gì giúp nông dân hướng đến sản xuất hàng hóa bền vững và hiệu quả.

Không chỉ do quan hệ mua bán truyền thống khiến nông dân luôn bị thiệt thòi, mà còn một gánh nặng khác với nền sản xuất nông nghiệp hiện nay đó là sản phẩm "bẩn" giá rẻ tràn lan ngoài thị trường khiến hàng nông sản của người dân khó cạnh tranh. Ngành trồng trọt như bị bủa vây, không có  đường ra.

"Chiếc phao" cho nông nghiệp

Với phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân tự "bơi" với thị trường luôn trong thế không thể kiểm soát; giá cả hàng hóa thì bấp bênh, vật tư nông nghiệp thì luôn tăng và ở mức cao... nên khiến nông dân lao đao. Hằng năm, ngoài dịch bệnh thì thiên tai, bão lũ cũng gây thiệt hại cho nông nghiệp nhiều tỷ đồng, nhưng mức hỗ trợ của Nhà nước rất thấp, chỉ mang tính động viên nên nông dân khó khăn trong việc đầu tư tái sản xuất. Ngành nông nghiệp liên tục bị rũi ro cao, nên mong muốn lớn nhất của nông dân là phải có nguồn kinh phí đủ lớn để bù đắp lại thiệt hại và có điều kiện tái sản xuất.

Tháng 3/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 315 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013) thí điểm về bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Việc thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đang áp dụng thí điểm đối với cây trồng, vật nuôi ở một số tỉnh, thành phố. Chủ trương này như "bà đỡ" cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương luôn chịu nhiều rủi ro.

Việc chuẩn bị các điều kiện về chọn một số địa phương trong tỉnh, tuyên truyền cho nông dân để họ tự nguyện tham gia bảo hiểm để tránh rũi ro đang được Hội Nông dân tỉnh phố hợp với các sở ngành liên quan triển khai. Để BHNN mang lại hiểu quả, từ kinh nghiệm của các địa phương tham gia thí điểm thì các cấp của tỉnh cũng cần đẩy mạnh việc hướng dẫn tuyên truyền cho người dân. Vì thực tế, mặc dù đại bộ phận người dân mong muốn có “chiếc phao" để yên tâm sản xuất, nhưng tâm lý lâu nay là nông dân sản xuất nhỏ, nếu xảy ra thiệt hại thì Nhà nước hỗ trợ dù chỉ là một khoản rất nhỏ. Giờ tham gia bảo hiểm phải bỏ tiền đóng phí.  BHNN rủi ro cao, thì phí cũng cao. Vì thế, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩ của BHNN và tự nguyện tham gia.

Bảo hiểm nông nghiệp giúp người dân sản xuất theo định hướng đúng quy trình, kỹ thuật để đảm bảo ít rủi ro và tăng thu nhập, đó chính là mục tiêu của bảo hiểm nông nghiệp, còn đền bù chỉ là một khía cạnh.
 

*Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT:  Khó nhưng cần phải làm.
Việc triển khai chương trình bảo hiểm cho nông nghiệp hiện nay mới chỉ là thí điểm của Bộ NN&PTNT ở 20 tỉnh, thành. Tôi nhìn nhận việc này khó. Khó là bởi vì nông nghiệp là một lĩnh vực rộng lớn, nguy cơ dịch bệnh, thiên tai rất cao. Cái thứ hai là đời sống người nông dân còn khổ nên chưa thật sự mặn mà với chương trình mua bảo hiểm cho nông nghiệp. Tuy nhiên, khó cũng phải làm. Một khi chúng ta triển khai đại trà được việc này sẽ nhìn thấy cái lợi rất rõ. Đầu tiên là chúng ta sẽ chuyển dịch được quy trình và mô hình sản xuất. Thứ hai, yêu cầu về áp dụng khoa học vào sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi rất khắt khe nên năng suất tăng cao hơn, người dân sẽ được lợi. Do vậy, để thực hiện được bảo hiểm nông nghiệp, cái quan trọng đầu tiên là làm sao để người nông dân hiểu ý nghĩa khi tham gia bảo hiểm. Khi ấy không chỉ nông dân mà ngành nông nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi.

*Ông Đinh Duy Sung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Cần sản xuất, kinh doanh tập trung.
Để người nông dân sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời để người dân an tâm trước những rủi ro liên tục xảy ra thì bảo hiểm nông nghiệp sẽ là"bà đỡ" của nông dân. Tuy nhiên, với cách làm hiện nay rất khó để doanh nghiệp bảo hiểm dám "ném" tiền vào đầu tư những dịch vụ như thế này. Để đạt hiệu quả cũng như sự thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp đặc biệt là bảo hiểm nông sản cho nông dân thì cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phương án đầu tư tập trung theo vùng, miền.

*Ông Mai Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh: Hàng hóa nông sản còn quá nhiều rủi ro.
Một khi bảo hiểm nông nghiệp được triển khai đại trà sẽ giúp người nông dân an tâm rất nhiều. Cứ thử hình dung, một khi chương trình được triển khai, nhiều người chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp dài ngày… sẽ tham gia mua bảo hiểm ngay. Bảo hiểm nông nghiệp chẳng khác nào điểm tựa vững chắc, là hậu phương an toàn nhất để đầu tư, nhân rộng mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao và cái quan trọng là khi người nông dân gặp sự cố như dịch bệnh, thiên tai… họ có thể tái sản xuất nhờ nguồn từ bảo hiểm. Thiết nghĩ bảo hiểm nông nghiệp cần được nhanh chóng triển khai rộng rãi.


*Ông Nguyễn Văn Hoàng - thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh: Người nông dân làm ăn như đánh bạc.
Người nông dân một nắng hai sương "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" mới có thể tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, họ không có quyền quyết định về giá mà hầu hết đều do tư thương thâu tóm thị trường quyết định. Nhà nước chưa tạo ra được một giá sàn cụ thể cho từng sản phẩm mà lúc nào cũng "cào bằng" hoặc phó mặc cho người nông dân. Thiệt hại thứ hai là dịch bệnh, thiên tai luôn rình rập màø chẳng biết chống như thế nào. Người nông dân đã nghèo, đầu tư được một mô hình kinh tế nào đó từ vài trăm triệu trở lên đã là quá sức. Vậy mà, khi dịch bệnh ập đến họ trắng tay và chẳng biết dựa vào đâu để tái đàn chăn nuôi.

*Ông Huỳnh Chơn - thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa: Tôi chưa  tin lắm  vào các loại bảo hiểm.
Bảo hiểm cho sản xuất kinh doanh, chăn nuôi… là rất đáng mừng. Nhưng liệu vấn đề này có khả thi hay không một khi chúng ta chưa một lần "chạy rô đa". Người nông dân vốn nghèo, chỉ có số ít làm kinh tế từ nguồn vốn dồi dào mới có thể hoạt động ổn định còn lại đa phần bấp bênh. Do vậy, việc phải bỏ ra một khoản tiền tương ứng với tỷ lệ phần trăm sản phẩm mua bảo hiểm, nhưng lúc gặp rủi ro thì cách chi trả bảo hiểm rất nhiêu khê nên người dân e ngại tham gia. Người dân quá ngán ngẫm với cách chi trả bảo hiểm như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế… những năm qua. Khi làm bảo hiểm nông nghiệp thì cần có sự trợ giúp người nông dân về kiến thức cũng như vật chất để họ có thể mạnh dạn tham gia và sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Xuân Thiên - Lê Đức
 


.