Dịch bệnh gia súc, gia cầm: Chống cứ chống, dịch vẫn lan nhanh

11:08, 31/08/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn với số lượng hơn 4 triệu con, được xem như là "đầu cơ nghiệp" của người chăn nuôi. Thế nhưng, công tác phòng và chống dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Dịch bệnh như đến hẹn lại lên khiến cho người chăn nuôi luôn trong tình trạng bị động và "trắng tay", nợ nần chồng chất mỗi khi dịch bệnh tràn đến.


Việc dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang bùng phát hiện nay đã "lộ" ra những điểm yếu trong công tác phòng và chống dịch. Dễ nhận thấy nhất đó là gần như 100% đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh trong năm 2012 không được tiêm vắc xin phòng dịch. Việc "mất bò mới lo làm chuồng" như hiện nay khiến người chăn nuôi điêu đứng cũng như thiếu hụt trầm trọng sản phẩm gia cầm trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Đến hẹn lại lên

Những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Ngãi đang tồn tại năm loại dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi gồm: Dịch heo tai xanh; dịch lở mồm long móng (LMLM); dịch cúm gia cầm (DCGC); dịch tả lợn và tụ huyết trùng trâu, bò. Do đó, công tác phòng và chống dịch luôn được ngành nông nghiệp chỉ đạo một cách quyết liệt bằng nhiều phương án khác nhau như chi tiền hỗ trợ người bị thiệt hại, hỗ trợ vắc xin, hóa chất; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức… Công việc khi được triển khai xuống cơ sở  đều được báo cáo là "hoàn thành tốt". Thế nhưng, thực tế cho thấy, dường như năm nào tỉnh ta cũng xuất hiện một vài đợt dịch gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Vậy, những báo cáo trên có được "kiểm chứng" kỹ lưỡng hay chỉ là "thành tích"?

Dịch bệnh gia cầm đến hẹn lại lên, hàng chục ngàn con gia cầm bị tiêu hủy mỗi năm, khiến người chăn nuôi điêu đứng.
Dịch bệnh gia cầm đến hẹn lại lên, hàng chục ngàn con gia cầm bị tiêu hủy mỗi năm, khiến người chăn nuôi điêu đứng.


Vào tháng 10/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố dịch LMLM trên địa bàn huyện Sơn Tây và huyện Trà Bồng. Sau hơn một tháng "bao vây dịch" tình hình mới được ổn định trở lại. Người chăn nuôi bớt lo lắng vì thiệt hại do dịch bệnh gây ra không đáng kể. Đến mùa mưa 2011, khi người chăn nuôi an tâm với những đợt tiêm phòng, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của ngành thú y, thì bất ngờ dịch LMLM bùng phát khiến người chăn nuôi một phen lao đao.

Năm 2011, dịch bệnh LMLM đã xảy ra ở  74 xã của 12 huyện, làm hơn 2.700 con gia súc mắc bệnh và có 224 con chết và tiêu hủy, gây thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Dịch lây lan nhanh và rộng khiến cho ngành thú y trở tay không kịp.

Bên cạnh dịch LMLM thì DCGC mới thực sự là "căn bệnh thường niên". Trong số các huyện có đàn gia cầm nhiễm bệnh phải kể đến huyện Sơn Tịnh. Năm 2011, cúm A/H5N1 bùng phát trên địa bàn  5 xã của huyện Sơn Tịnh trong một thời gian ngắn, không thể kiểm soát và UBND tỉnh phải công bố dịch để huy động mọi nguồn lực khống chế dịch bệnh. Thế nhưng, mới đây Sơn Tịnh lại tiếp tục bị dịch cúm gia cầm "ghé thăm" và "điền" thêm vào danh sách huyện thứ 4 trên địa bàn tỉnh có gia cầm bị nhiễm bệnh.

Hiện nay, DCGC đang bùng phát trên diện rộng. Số gia cầm bị chết và tiêu hủy lên đến gần 50.000 con và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Làm chuồng, bò vẫn mất”

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 1 triệu con gia súc và hơn 3,3 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin phòng dịch còn quá nhiều bất cập khiến cho tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó lường dẫn đến nhiều nông dân chăn nuôi bị thiệt hại nặng. Có nông dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

 

Khi xuất hiện ổ dịch thì cán bộ thú y mới ra quân tiêu độc khử trùng
Khi xuất hiện ổ dịch thì cán bộ thú y mới ra quân tiêu độc khử trùng.


 Nếu nhìn kỹ vào bản đồ dịch bệnh hàng năm có thể dễ dàng nhận ra được công tác phòng, chống dịch đang "có vấn đề". Mới đây nhất, từ giữa tháng 8/2012 đến nay DCGC bùng phát tại 17 xã trên địa bàn 4 huyện gồm: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn và mới nhất là Sơn Tịnh (xảy ra vào chiều 26/8) khiến cho hàng chục ngàn con vịt mắc bệnh buộc phải mang đi tiêu hủy và hàng trăm nghìn con khác đang trong "tầm ngắm" buộc phải tiêu hủy theo quy định nếu như dịch "tìm" đến.

Trước tình trạng dịch bệnh cúm A/H5N1 đang lây lan nhanh và diễn biến khó lường, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương bao vây, khống chế và dập dịch một cách triệt để nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Đồng thời nhanh chóng tiêm phòng gấp rút cho các đàn gia cầm chưa mắc bệnh.

Tuy nhiên, theo nhiều người chăn nuôi thì đây chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi theo họ, muốn phòng trừ dịch bệnh thì cần phải tiêm vắc xin sớm mới tạo ra kháng thể dịch. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn cho biết, không thể tiêm phòng vắc xin đại trà vì vi rút dịch cúm biến thể liên tục, khiến các loại vắc xin trước đây phát huy tác dụng thì nay không có hiệu quả trong phòng dịch. Hơn nữa, năm 2012 Quảng Ngãi không nằm trong vùng được Bộ NN&PTNT cấp vắc xin tiêm phòng nên chẳng biết lấy đâu ra vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Để đối phó kịp thời với dịch bệnh cũng như bao vây và dập dịch, Cục Thú y (thuộc Bộ NN&PTNT) hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi trước mắt 1 triệu liều vắc xin tiêm phòng khẩn cấp. Ngay sau đó, trong ngày 25/8 ngành thú y Quảng Ngãi đã khẩn trương tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Với kiểu chờ dịch đến để biết vi rút loại nào tấn công mới có thể tiêm phòng như cách làm hiện nay thì không biết đến bao giờ  công tác phòng chống dịch bệnh mới thực sự mang lại hiệu quả để người chăn nuôi yên tâm làm ăn. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành liên quan.
    

*Ông Dương Văn Tô- GĐ Sở NN&PTNT: Muốn tiêm phòng  phải... có dịch!
 Việc bùng phát dịch hiện nay là do hầu hết các đàn gia cầm không được tiêm phòng. Tuy nhiên, nếu tiêm phòng đại trà để phòng dịch với một loại vắc xin như trước đây thì không có hiệu quả, bởi vi rút cúm biến thể liên tục, khi có mẫu xét nghiệm cụ thể mới áp dụng phác đồ và loại vắc xin phù hợp để phòng và khống chế dịch được. Đây là khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát hiện nay. Có thể khẳng định, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm thời gian qua là rất tích cực, chủ động, nhưng về chuyên môn thú y trong việc phòng và khống chế dịch bệnh thì luôn bị động.

*Ông Phạm Cao Trận- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa: Người dân chưa chủ động trong phối hợp phòng dịch.
Sau khi các địa phương báo cáo có vịt chết, chúng tôi đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm và cho khoanh vùng, tiêu độc khử trùng ngay để dập dịch và hạn chế lây lan. Việc nuôi vịt nhỏ lẻ và chỉ trong một thời gian ngắn nên người chăn nuôi không báo cáo với cơ quan thú y địa phương. Thậm chí khi vịt chết  họ cũng không báo cáo mà tự mua thuốc về chữa trị. Đến lúc không thể cứu chữa được họ mới trình báo nên việc phòng chống dịch gặp khó khăn.  


*Ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y: Dịch chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những ổ dịch đã phát hiện trong thời gian qua, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch cúm gia cầm là tiến hành tiêu hủy ngay, nên chưa có hiện tượng lây lan. Mọi biện pháp dập dịch đang được tiến hành khẩn trương. Năm nay Quảng Ngãi không được cấp vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia cầm vì những loại vắc xin cũ đã bị kháng vi rút. Tuy nhiên, vừa rồi, khi dịch bệnh xảy ra thì Trung ương hỗ trợ 2 triệu liều và đang được tiêm phòng cho những đàn gia cầm ở các địa phương có dịch để khống chế, không cho dịch lây lan. Tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại nên Chi cục đề nghị các địa phương thống kê toàn bộ số hộ chăn nuôi và số lượng gia cầm để nắm được số lượng phục vụ việc khống chế dịch thuận lợi hơn.

*Ông Phan Mây- thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa): Nuôi vịt chẳng khác nào đánh bạc với... dịch.
Mỗi năm gia đình tôi nuôi 2 lứa vịt vào thời điểm sắp thu hoạch lúa. Lứa vịt này nuôi 1.600 con chuẩn bị cho chạy đồng thì vịt bị chết dần và phải tiêu hủy. Lâu nay, tôi nuôi vịt chủ yếu là bằng kinh nghiệm. Để phòng bệnh cho vịt tôi tự mua thuốc về tiêm, nhưng chủ yếu là thuốc phòng dịch tả, chứ không tiêm phòng dịch cúm. Trong quá trình nuôi không có ai đến hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh gì cả.  Vừa rồi vịt có triệu chứng co giật và chết mỗi ngày mấy chục con và biết là bị dịch cúm gia cầm. Giờ trắng tay rồi, Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Nhà nghèo, chọn nuôi con vịt may ra mới thoát nghèo nhanh được, nhưng rồi người nuôi vịt như chúng tôi chẳng khác nào đánh bạc với dịch bệnh cả.

*Ông Nguyễn Thọ (Bình Chương, Bình Sơn): Sợ... vạ lây.
Chúng tôi chăn nuôi lớn nên việc phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm hàng đầu. Việc tiêm phòng, tiêu độc khử trùng được làm thường xuyên. Dù đàn heo của mình không nhiễm bệnh nhưng khi có thông tin dịch bệnh xảy ra là những người chăn nuôi như chúng tôi như ngồi trên đống lửa, người tiêu dùng quay lưng với thịt heo nên sản phẩm làm ra không bán được, gây thiệt hại nặng nề.

 


L.Đức - X.Thiên
 


.