(QNg)- Tiềm năng về đất đai ở miền núi rất phong phú và đa dạng, thế nhưng, cho đến nay chưa có địa phương nào đưa ra được mô hình cây - con phù hợp và tương xứng với tiềm năng ở khu vực này, nên nhiều cây trồng, vật nuôi phát triển không bền vững.
Điệp khúc trồng thử, thử trồng!
Vấn đề "trồng cây gì, nuôi con gì" để miền núi thoát nghèo bền vững luôn là bài toán khó không chỉ đối với người dân mà cả các cấp, các ngành chuyên môn. Hơn 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành chuyên môn ở tỉnh ta đã đầu tư cả trăm tỉ đồng để chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp cho miền núi, nhưng vẫn loay hoay trong điệp khúc trồng thử, rồi... thử trồng mà vẫn chưa tìm ra cây, con gì thích hợp. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, có không ít địa phương ở miền núi khi thấy huyện này có cây gì, con gì thì huyện mình ngay lập tức có cây đó, con đó. Tuy nhiên, khi đứng trước quá nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư được trình diễn, với đủ các loại giống cây trồng, vật nuôi, thì người dân không biết chọn cây nào, con nào phù hợp điều kiện địa phương mình để mang lại hiệu quả nhất.
Một thời cây cau được người dân miền núi xem là cây xóa đói, giảm nghèo, nhưng giờ thì đang đứng trước nguy cơ bị chặt phá vì không có đầu ra. |
Việc trồng cây gì, nuôi con gì là do ngành nông nghiệp định hướng, quản lý. Tuy nhiên, đối với miền núi thì còn bỏ ngỏ. Cán bộ nông nghiệp từ cấp huyện trở lên chưa nơi nào định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với điều kiện, tiềm năng. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó do trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, cơ chế đầu tư không hợp lý. Năm nào Nhà nước cũng đầu tư xây dựng hàng chục mô hình cây trồng, vật nuôi cho các huyện miền núi, nhưng số mô hình được áp dụng, nhân rộng thì rất ít. Nhiều mô hình chỉ triển khai 2 - 3 vụ, chưa đủ thời gian để bà con làm theo.
Việc không định hướng được trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả dẫn đến tình trạng người dân muốn trồng cây gì thì trồng, không ai quản lý, không ai chỉ đạo. Riêng cây cau, mấy năm trước giá trên 10.000đ/kg khiến nhiều gia đình ở miền núi đua nhau trồng. Thế nhưng hai năm trở lại đây, giá cau rớt thảm hại, người dân lại rơi vào điệp khúc trồng - chặt. Hay như mô hình nuôi heo ky được nhiều địa phương khuyến khích phát triển, nhưng vì không có đầu ra ổn định khiến nhiều dự án phá sản. Điều này cho thấy người dân trồng cây gì thì tự họ lo khâu tiêu thụ, còn các ngành chức năng thì... nên các mô hình không nhân rộng được.
Cần một sinh kế bền vững
Để khai thác tiềm năng phát triển cây trồng, vật nuôi vùng miền núi một cách bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương phải có kế hoạch đầu tư dài hơi. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải đồng bộ, trong đó lấy thị trường làm đòn bẩy quyết định để kích cầu phát triển cây trồng, vật nuôi. Ở nhiều huyện miền núi, cây lồ ô, mây nước, dầu rái, lim xanh, chò chỉ, quế, sao đen, chè, tiêu... đã tồn tại, gắn bó với người dân nhiều đời nay. Nhiều nơi không cần trồng thêm, chỉ cần khoanh nuôi, bảo vệ tốt và khai thác hợp lý sẽ tự chúng sinh trưởng, phát triển. Đây là nguồn nguyên liệu lớn phục vụ chế biến xuất khẩu, là vật liệu không thể thiếu để dựng nhà, làm ra các vật dụng hàng ngày, nó còn cung cấp thực phẩm cho bà con...
Mô hình cải tạo đàn trâu ở Ba Tơ thành công đang mở ra hướng phát triển đàn trâu thịt hàng hóa ở các huyện trong tỉnh. |
Những loại cây nói trên bà con đã quen và biết cách trồng, chỉ cần đầu tư ít kinh phí, cung cấp gạo, không cần tập huấn kĩ thuật bà con cũng tự trồng và chăm bón tốt. Ở một số nơi như Ba Tơ và xã Trà Trung (Tây Trà) có không ít hộ dân khi nhận quản lý, bảo vệ rừng tốt, cây tự nhiên tái sinh nhanh. Nhiều hộ trong khi chờ cây gỗ quý lớn, dưới tán rừng họ trồng mây nước đem lại nguồn thu nhập 40 triệu đồng/ha và 25 triệu đồng/ha đối với cây sa nhân tím. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã mạnh dạn trồng rừng hỗn giao ở những khu vực rừng phòng hộ nay phát triển rất tốt.
Một thời gian, cây mì, keo có giá đã xảy ra tình trạng diện tích mì, keo tăng một cách không kiểm soát được. Nhiều nhà phá cả rừng bạch đàn, chè, nương mía để trồng mì, keo hòng đem lại lợi nhuận cao. Việc người dân ồ ạt trồng mì, keo chính quyền địa phương từ xã đến huyện đều biết, nhưng đành... bó tay, mặc dù trên vùng đất đó có thể trồng được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao hơn và thị trường đang cần. Anh Đinh Văn Đạt ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây), cho rằng, việc trồng keo, mì trước đây còn có thu nhập, nhưng nay giá bán tại xã quá thấp, lại bị tư thương ép giá, nhưng tự khai thác rồi thuê xe chở đi bán cũng chẳng lời bao nhiêu. Tuy nhiên, đối với khu vực miền núi ở những nơi có độ dốc trên 15 độ thì ngoài cây keo ra chưa thấy cây nào hiệu quả hơn.
Ông Hồ Ngọc Tùng - Chủ tịch UBND xã Trà Tân (Trà Bồng) cho rằng: Đặc thù của khu vực miền núi là đất đồi nhiều nên diện tích đất phù hợp cho một loại cây cụ thể là rất ít. Người dân thì bị lạc vào “ma trận” của đủ loại cây - con ở các chương trình khuyến nông. Họ thấy cây nào, con nào cũng "có lý" nên đầu tư và hiệu quả thì không như mong muốn. Không ít người khát khao làm giàu ngay tại mảnh đất của chính quê hương mình. Họ biết tiềm năng có, nhưng khó làm được vì sản phẩm làm ra không biết bán ở đâu, bán cho ai? Ở Trà Tân cũng vậy, người dân chỉ trồng keo và mì, còn chăn nuôi bò lai người dân không nuôi do trình độ dân trí thấp.
Để cây trồng vật nuôi ở miền núi hiệu quả, các ngành chuyên môn ở tỉnh cần có định hướng, nhất là chọn cây trồng, vật nuôi mà thị trường có nhu cầu cao... Đồng thời phải thay đổi được cách nghĩ, cách làm của người dân, từ đó giúp công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.
*Ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ: Những năm gần đây, người dân Ba Tơ nhờ cây mía, keo lai, mì nên đời sống từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, cây mì, mía chỉ phát triển được ở phần đất có độ dốc dưới 15 độ. Còn cây keo được người dân trồng nhiều là bởi nó là loài cây chịu được khô hạn, tăng trưởng nhanh, kể cả trên đất nghèo dinh dưỡng. Thêm vào đó là cây keo dễ sản xuất, lại phù hợp với tập quán của người dân, kinh phí đầu tư ít, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Hiện trên địa bàn huyện có 3 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu nên gỗ keo tiêu thụ mạnh. Bên cạnh các cây trồng trên, huyện cũng khuyến khích người dân trồng cây mây nước, sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ để có thêm thu nhập. Khuyến khích nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, nhưng đang còn ở mức nhỏ lẻ. *Ông Phạm Văn Tuân - Trưởng Phòng nông nghiệp, Sở Nông nghiệp & PTNT: Khu vực miền núi có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhưng từ trước đến nay, các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng đó. Để phát triển kinh tế khu vực này, UBND tỉnh và các huyện rất quan tâm chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu đưa cây trồng chủ lực vào sản xuất. Trong đó, ngành nông nghiệp và các huyện đã đưa một số cây trồng mang tính đột phá vào sản xuất như huyện Tây Trà trồng chuối, Trà Bồng trồng quế, Ba Tơ trồng mía, sa nhân tím, mây nước... Ngoài ra, một số địa phương khác thì định hướng các cây trồng có triển vọng như: Trà Bồng đưa cây hường, thanh long ruột đỏ, Sơn Tây đưa cây quýt đường vào trồng... Ngành nông nghiệp chỉ khẳng định cây đó có chất lượng, năng suất, còn thị trường ngành nông nghiệp không quyết được. *Ông Lê Văn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư: Để chọn được cây, con vật nuôi phù hợp với khu vực miền núi, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai rất nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm ở khu vực này. Tuy nhiên, khi triển khai ban đầu, mô hình rất thành công, nhưng việc nhân rộng lại rất khó. Nguyên nhân là do trình độ dân trí của người dân thấp, sự đầu tư của người dân để kéo dài dự án không có, mà chỉ trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nên khi cán bộ khuyến nông rút thì... dự án theo về luôn. Để các mô hình khuyến nông, khuyến ngư được nhân rộng thì cả hệ thống chính trị phải tham gia cùng với khuyến nông tuyên truyền cho người dân thấy hiệu quả các dự án mang lại mà triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ kinh phí để người dân tiếp tục thực hiện mô hình. *Bà Lê Thị Thanh Điểm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham (Sơn Hà): Đặc tính và thói quen của người dân Sơn Nham là trồng cây gì, nuôi con gì ít rủi ro, chăm sóc đơn giản là họ thực hiện, bởi trình độ dân trí của người dân còn thấp. Hơn nữa, ở vùng này đất có độ dốc lớn, lại thường có giông, tố lốc nên cây keo, mì là phù hợp nhất. Để chọn cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi nhiều lần kiến nghị cấp trên tìm loại cây trồng khác để thay thế cây keo, cây mì, nhưng đến nay vẫn không biết loại cây nào thích hợp mà khuyến khích bà con trồng. Để mô hình khuyến nông được nhân rộng, cán bộ khuyến nông phải đến tận nhà dân hướng dẫn theo cách thức cầm tay chỉ việc; đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho người dân sau khi dự án, mô hình kết thúc để người dân tự tin đầu tư phát triển. |
Bá sơn