(QNg)- Bị "lãng quên" hoặc "thiếu sự quan tâm"… đó là nhận định của nhiều cán bộ-giáo viên khi đề cập đến công tác y tế học đường ở Quảng Ngãi hiện nay. Hàng trăm nghìn học sinh chịu thiệt thòi từ sự thiếu quan tâm này.
Thực tế không khỏi trăn trở
Qua tìm hiểu về công tác y tế học đường ở các trường học trong tỉnh, chúng tôi không khỏi trăn trở. Ngôi trường cấp I ở thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh) tọa lạc ven bờ biển. Gần 200 HS và giáo viên nơi đây luôn bị "ám ảnh" bởi mùi hôi thối của rác thải sinh hoạt của người dân địa phương, mùi tanh hôi từ cơ sở sơ chế thủy sản và tiếng ồn từ sân bóng, chợ ở sát bên. Mặc dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực gần điểm trường này, thế nhưng hiện vẫn chưa "dứt" tình trạng ô nhiễm. Trời nắng nóng, lẽ ra cánh cửa lớp phải được mở toang để gió biển lùa vào, nhưng ngược lại cửa đóng kín.
Nhân viên y tế Trường MN Tuổi Thơ (Tp Quảng Ngãi) cân, đo sức khỏe định kỳ cho trẻ. |
Cô giáo Trương Thị Tuyết Mai giải thích: "Rác thải tuy có giảm nhưng vẫn còn ô nhiễm. Mùi hôi thối không chịu nổi nên phải đóng cửa...". Những ai tâm huyết với sự nghiệp trồng người chắc hẳn không khỏi xót xa khi chứng kiến hình ảnh vô số rác thải cách vách tường lớp học chừng vài ba mét. Người dân vô ý thức phóng uế quanh khu vực trường. Trường học chẳng có nhà vệ sinh, chẳng có công trình nước sạch và cũng chẳng có phòng y tế. Dạy tốt-học tốt thế nào được khi cô và trò ngồi trong lớp phải thường xuyên bịt mũi để hạn chế hít phải mùi hôi. Còn tiểu tiện, đại tiện thì nhiều giáo viên, học sinh "nín" suốt cả buổi học. Tội nghiệp học trò biết nhường nào khi có em "nín" không nổi nên đi ngoài ngay trên bãi rác thải đầy ô nhiễm.
Chỉ tay vào túi ni-lông nhỏ xíu treo trên vách tường, cô giáo Trương Thị Tuyết Mai bảo: "Đây là bao đựng đồ dùng y tế phòng khi HS bị trầy xước". Trong túi ni-lông có bịch bông y tế, một chai dầu gió và một vài cái ly nhựa. Việc chăm lo công tác y tế học đường ở nơi đây quá đỗi sơ sài nếu không nói là công tác có ý nghĩa quan trọng này bị "bỏ rơi". Và, không riêng gì ở điểm trường tiểu học Tịnh Kỳ, ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh công tác y tế học đường cũng bị bỏ ngỏ. Mặc dù biết rằng công tác y tế học đường là quan trọng, thế nhưng phần lớn trường học không xây dựng phòng y tế, không có nhân viên y tế, không đảm bảo quy định về vệ sinh học đường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…
Ngay cả ở bậc học mầm non, học trò ở lứa tuổi thường xuyên bị đau ốm, rất cần sự góp sức của nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe các cháu, nhất là đối với trường bán trú, thế nhưng số trường có nhân viên y tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ở Tp Quảng Ngãi, nhiều trường mầm non không có nhân viên y tế. Ở huyện Sơn Tịnh, duy nhất chỉ có Trường tiểu học Tịnh Minh là có nhân viên y tế. Đối với những trường học quan tâm đến công tác y tế học đường, nhiều nơi chỉ dừng lại ở việc phân công giáo viên kiêm nhiệm công việc của nhân viên y tế. Việc phân công này cũng chỉ cho "có lệ".
Chủ trương đã có, nhưng chưa thực hiện
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công tác y tế học đường. Công tác y tế học đường góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo sức khỏe của học sinh để vươn lên học tập tốt, đồng nghĩa với việc góp phần chăm lo cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác y tế trong trường học. Hằng năm, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các trường triển khai công tác y tế trường học. Thế nhưng đó cũng chỉ về mặt văn bản.
Xót xa khi thấy học trò ở điểm Trường tiểu học thôn An Vĩnh (Tịnh Kỳ) thường xuyên bịt mũi khi ở trong lớp học vì môi trường xung quanh ô nhiễm. |
Thực tế, các trường không thể triển khai nhiều mặt hoạt động trong công tác y tế học đường vì "lực bất tòng tâm". Nhiều trường học thiếu phòng ốc để phục vụ công tác giảng dạy thì làm sao có phòng y tế. Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV về việc hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có quy định biên chế dành cho nhân viên y tế ở các trường học. Chủ trương về biên chế cho nhân viên y tế đã có, thế nhưng Quảng Ngãi hiện vẫn chưa thực hiện quy định này. Sự chậm trễ này đã gây khó khăn cho các trường học trong việc thực hiện công tác y tế học đường.
Một thầy giáo kiêm nhiệm vụ nhân viên y tế ở một trường tiểu học bộc bạch: "Lãnh đạo trường phân công thì đảm nhận, chứ kỳ thực chưa một lần tham gia lớp tập huấn kiến thức về y tế học đường. Mỗi khi có học sinh bị tai nạn thì cứ sơ cấp cứu theo kinh nghiệm tự có của bản thân". Không riêng gì thầy giáo nói trên mà hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm vụ nhân viên y tế ở các trường học cho biết, hơn chục năm nay chưa từng được tham gia lớp tập huấn mang tính chuyên đề về y tế học đường.
Thực tế thì chẳng có đơn vị nào bị "cắt" thi đua khi không thực hiện tốt quy định về y tế học đường. Và cũng hiếm hoi lắm mới có cán bộ đến các trường kiểm tra công tác y tế học đường. Đơn cử như năm 2011, ngành y tế tuyến tỉnh không tổ chức kiểm tra công tác y tế trường học, nhiệm vụ này giao cho y tế tuyến huyện. Kết quả chỉ có Tp Quảng Ngãi và Đức Phổ tổ chức kiểm tra công tác y tế học đường, các địa phương còn lại thì không. Đến khi nào công tác y tế học đường ở tỉnh ta mới hết bị bỏ ngỏ, để học sinh không phải chịu thiệt?
*Ông Huỳnh Hậu - cán bộ phụ trách mảng y tế học đường (Sở GD&ĐT): "Đối với trường học, không có nhân viên chuyên trách y tế thì việc phòng chống các bệnh xảy học đường, bệnh theo mùa, giáo dục cho học sinh kỹ năng chăm sóc sức khỏe… khó mà thực hiện tốt. Việc triển khai công tác y tế học đường thiếu sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh cũng như thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục và y tế. Chăm lo cho sức khỏe của toàn dân thì phải bao gồm cả việc chăm lo sức khỏe cho học sinh, thế nhưng lâu nay công tác y tế học đường dường như bị lãng quên. Hiệu trưởng các trường cứ bảo do không có biên chế nhân viên y tế, do thiếu kinh phí nên… chịu. Để công tác y tế học đường hoạt động hiệu quả, trước hết tỉnh ta cần triển khai thực hiện theo đúng Thông tư 35, để các trường học tuyển dụng nhân viên y tế". *Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm - Trưởng khoa sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh): "Công tác y tế trong trường học mặc dù rất quan trọng nhưng chưa nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành ở tỉnh. Sức khỏe có đảm bảo thì học sinh mới học tập tốt. Thực tế công tác y tế học đường ở các trường học hiện nay là điều đáng để chúng ta trăn trở. Phải có con người, có kinh phí thì mới triển khai thực hiện tốt hoạt động này. Thế nên rất cần sự quan tâm các cấp, các ngành". *Bà Nguyễn Thị Thành-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà: "Theo Thông tư 35 thì tất cả các trường đều có nhân viên y tế. Hiện tại Sơn Hà cũng chỉ mạnh dạn hợp đồng nhân viên y tế cho 3 trường mầm non. Thông tư đã có nhưng hiện vẫn chưa biết công tác tuyển dụng nhân viên y tế cho trường học thì do cơ quan nào đảm nhận. Học trò hay nghịch ngợm, các em sơ sẩy một tí là dẫn đến thương tích, do đó rất cần nhân viên y tế trường trực trong trường học. Mặt khác, cần có nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe định kỳ cho học sinh". *Bà Dương Thị Thu Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh: "Khó khăn trong việc triển khai công tác y tế học đường là khó khăn chung của nhiều trường học trong tỉnh hiện nay. Hy vọng khó khăn này sớm được giải quyết để nhà trường góp phần cùng với gia đình chăm sóc tốt sức khỏe học sinh. Ngành giáo dục và y tế cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác y tế học đường. Đã đề ra chương trình y tế học đường thì phải cụ thể hóa các hoạt động, cần có sự kiểm tra thường xuyên để hoạt động đi vào nền nếp". *Thầy giáo Nguyễn Huy Đã - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tịnh Kỳ: "Trong đợt bùng phát dịch bệnh tay-chân-miệng vừa rồi, trường tổ chức cho học sinh rửa tay bằng xà phòng ở trường học. Riêng ở điểm trường thôn An Vĩnh thì "chịu". Nhà trường chỉ hướng dẫn học sinh ở điểm trường này cách rửa tay bằng xà phòng, rồi các em về nhà tự rửa. Biết rằng như thế là không thực hiện tốt công tác học đường, nhưng thực tế nhà trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Ở điểm trường chính, trường có trang bị tủ thuốc, tổ chức cho học sinh súc miệng bằng nước flour vào thứ sáu hàng tuần, tuy nhiên giáo viên kiêm nhiệm vụ nhân viên y tế cần được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về y tế học đường". |
PHƯƠNG LÝ