Thu hút đầu tư vào các Khu du lịch: Cần một giải pháp đồng bộ

11:12, 02/12/2011
.

(QNg)- Có hẳn một nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu du lịch, điểm du lịch. Song cho đến nay, du lịch Quảng Ngãi phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Tình trạng ấy do các doanh nghiệp không có năng lực  hay chính sách chưa đủ thông thoáng?  

"Điểm nhấn" hay "điểm đen"?

Quy hoạch từ năm 1996, Khu du lịch Mỹ Khê (Sơn Tịnh) được đánh giá là một trong những Khu du lịch (KDL) triển vọng nhất, là điểm nhấn cho ngành du lịch của tỉnh. Song cho đến nay, sau gần 15 năm quy hoạch và kêu gọi đầu tư, KDL Mỹ Khê giờ trông ảm đạm, đìu hiu... đến xót xa, nhất là hàng dương liễu một thời đi vào thơ ca giờ còn trơ lại bãi đất trống. Chuyện lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra suốt ngần ấy năm qua cho thấy những bất cập, yếu kém trong quản lý, kêu gọi đầu tư và quan trọng hơn là cách làm du lịch của tỉnh nhà.
 

 

Di tích Trường Lũy nếu được đầu tư đúng mức sẽ là địa điểm thu hút khách du lịch.
Di tích Trường Lũy nếu được đầu tư đúng mức sẽ là địa điểm thu hút khách du lịch.

Được biết, Công ty TNHH Hà Thành là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào đây. Với diện tích đất được cấp gần 14 ha, khi dự án bắt đầu triển khai, Công ty TNHH Hà Thành đã phá sạch rừng dương liễu đã tồn tại mấy chục năm nay; đồng thời gần 100 hộ dân trong vùng qui họach và 40 hộ buôn bán phải vội vã dỡ dọn lều quán, nhà hàng kinh doanh để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Những tưởng sau khi có mặt bằng chủ đầu tư sẽ triển khai dự án theo cam kết, nhưng sau 8 năm (2003-2010), chủ đầu tư chỉ xây dựng được một nhà hàng đìu hiu, ảm đạm vì thưa vắng khách.

Vì dự án của Công ty TNHH Hà Thành triển khai chậm và không hiệu quả, cuối năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi 10 hec-ta trong tổng số 14 hec-ta đã cấp phép cho Công ty TNHH Hà Thành để chuyển cho một doanh nghiệp khác đầu tư là Công ty TNHH Ánh Sao. Tuy nhiên, từ đó đến nay doanh nghiệp này cũng không triển khai dự án, diện tích được cấp phép này trở thành bãi đổ rác, một số hộ dân còn làm hồ nuôi tôm trái phép gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Do thực hiện không đúng cam kết, UBND tỉnh cũng cho thu hồi dự án trên và giao cho liên doanh Lũng Lô - Bình Tây - Thiên Nga.

Tiếp đó, dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê do Công ty cổ phần Mỹ Khê Việt Nam (thuộc Tổng Công ty cổ phần tài chính dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư sau gần 2 năm động thổ linh đình, dự kiến đến năm 2012 sẽ hình thành khu Resort đạt tiêu chuẩn 5 sao gồm các nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp… đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và du lịch của nhân dân địa phương, đặc biệt là phục vụ khách quốc tế và các chuyên gia làm việc tại Khu Kinh tế Dung Quất. Thế nhưng mục tiêu xem ra khó thành hiện thực vì đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn "án binh bất động’ với 2 lý do "xin tách 235.227m2 thành 87 thửa nhỏ để thuận tiện cho công tác quản lý vốn đầu tư" và "xin chủ trương thi công tường rào khép kín dự án KDL biển Mỹ Khê (MyKhe Resort).

Mặc dù xác định KDL Mỹ Khê là điểm nhấn nhưng có thể thấy sự đầu tư về hạ tầng du lịch vẫn chưa thỏa đáng, chủ yếu dựa vào ngân sách của trung ương. Ngoài xây dựng đường, bờ kè Đông Sông Kinh, nhiều hạng mục khác như điện chiếu sáng, vỉa hè, thoát nước, cây xanh… vẫn chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, chính sự đầu tư manh mún của các doanh nghiệp đã biến KDL thành "nửa vời", không phát huy hiệu quả và gây bức xúc trong nhân dân.

Chính sách chưa thông hay năng lực doanh nghiệp kém?

Năm 2003, UBND tỉnh đã ban hành Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các khu du lịch, điểm du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2003-2005. Theo đó, các dự án đầu tư kinh doanh vào các khu du lịch, điểm du lịch được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đền bù thiệt hại về đất và cây cối, hoa màu trên phần diện tích được thuê; đối với dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng tiện ích chung khu du lịch, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đền bù thiệt hại về đất và cây cối, hoa màu trên phần diện tích dành cho phát triển các công trình hạ tầng. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi về thuế, ưu đãi về đào tạo nghề và giải quyết việc làm…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm kêu gọi, Quảng Ngãi chỉ mới thu hút được gần 20 dự án đầu tư về du lịch. Điều đáng nói là hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ thực hiện, do đó đến nay vẫn chưa có khu, điểm du lịch nào được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào khai thác theo kế hoạch.

Đến nay đã có hai dự án Nghỉ dưỡng sinh thái Hàng Dương của Cty TNHH Hà Thành và dự án nghỉ dưỡng - du lịch Mỹ Khê của Cty TNHH Ánh Sao tại KDL Mỹ Khê bị thu hồi. Mới đây HĐND tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh thu hồi một số dự án không thực hiện đúng cam kết tại KDL Vạn Tường. Việc thu hồi giấy phép được xem là biện pháp cứng rắn của tỉnh trong việc xử lý vi phạm đầu tư. Song, có thể khẳng định nguyên nhân của việc chậm thực hiện của các doanh nghiệp hiện nay là do năng lực tài chính, năng lực quản lý, năng lực về chuyên môn nghiệp vụ du lịch có những mặt hạn chế nhất định.

Hầu hết nguồn tài chính phải đi vay từ các tổ chức tín dụng, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, thời gian quy định thì tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ từ chối cung cấp vốn, dẫn đến doanh nghiệp phải bỏ đầu tư mặc dù đã tốn một lượng kinh phí tương đối lớn.

Toàn tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tính liên kết và năng lực cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch còn thấp, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập đang là trở ngại cho phát triển bền vững.

Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chính thức được thành lập với mục đích liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong bình ổn thị trường, trong kinh doanh du lịch. Hiệp hội cũng sẽ làm cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cho doanh nghiệp và nêu những vướng mắc, khó khăn nổi cộm tại doanh nghiệp đến cho các cơ quan quản lý Nhà nước nắm, tiếp tục phối hợp tháo gỡ những khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Với mục tiêu đến năm 2015, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong tổng sản phẩm của tỉnh. Nhưng ngay từ bây giờ nếu không có giải pháp căn cơ và đầu tư không thỏa đáng thì mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực.
 
*Bà Lê Thị Kim Thùy - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh: Hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư vào xây dựng các cơ sở nhà hàng - khách sạn quá nhiều, trong khi các địa điểm tham quan lại chưa có sự quan tâm đúng mức, dẫn đến việc khai thác tiềm năng du lịch không hiệu quả. Theo tôi, trước hết tỉnh cần nghiên cứu, có thể quy hoạch lại các KDL và đầu tư vào các KDL như thế nào? Trên cơ sở đó, xác định khu nào là điểm nhấn và nên quan tâm đầu tư vào các điểm du lịch, các điểm thăm quan thiên nhiên, đặc biệt là ưu tiên cho KDL Mỹ Khê. Đầu tư vào KDL Mỹ Khê không những phù hợp với chiến lược mở rộng thành phố Quảng Ngãi và đô thị Vạn Tường mà còn thuận lợi cho việc thăm quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch. 

*Ông Tạ Quy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: UBND tỉnh đã có những cơ chế chính sách nhất định, tuy nhiên một số nhà đầu tư đã đánh mất cơ hội khi gặp những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải tỏa, vốn… Để thu hút đầu tư vào du lịch, trong thời gian đến, việc thẩm định các dự án đầu tư phải được xem xét, cân nhắc nhất là năng lực tài chính phải được đánh giá đúng đắn. Về phía địa phương, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng cần thực hiện đúng cam kết, cung cấp mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, khi nhà đầu tư đến phải tư vấn cho họ nhiều mặt. Trung tâm Xúc tiến đầu tư ngoài việc đem đến thủ tục thì cần tư vấn hỗ trợ sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc. Đồng thời, giải quyết tốt công tác hậu tái định cư, định canh cho nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề có chất lượng cao, đúng địa chỉ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Mùi - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã xác định phát triển du lịch là một trong ba nhiệm vụ đột phá của huyện từ nay đến năm 2015. Theo đó, Đức Phổ sẽ phát triển du lịch theo hướng khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế hiện có với nhiều hình thức: du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng kết hợp với thăm quan các di tích văn hóa-lịch sử, nhất là di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và Khu di tích Đặng Thùy Trâm. Để thực hiện nhiệm vụ đột phá này, bên cạnh các KDL đã được tỉnh quy hoạch, huyện Đức Phổ cũng đã tiến hành quy hoạch ba điểm du lịch Hội An (Phổ An), Nam Phước (Phổ Vinh), Châu Me (Phổ Châu); đồng thời huyện cũng đã có những ưu đãi nhất định về đất, thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Quan điểm của huyện là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng nếu không thực hiện đúng hợp đồng, kém hiệu quả thì phải cương quyết xử lý.

*Ông Bảo Duy Linh - Giám đốc Chi nhánh Vietravel Quảng Ngãi: Qua một thời gian tìm hiểu, khảo sát thị trường Quảng Ngãi, công ty chúng tôi thấy đây là một thị trường tiềm năng với nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch biển, đảo. Tiềm năng du lịch so với các tỉnh thành trong khu vực thì Quảng Ngãi có thừa nhưng lại thiếu chuyên nghiệp về đầu tư, về tổ chức hoạt động du lịch, về con người làm du lịch, về quản lý du lịch… Điều này đã cản trở và ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư. Là nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp, là doanh nghiệp lữ hành tốt nhất của Việt Nam, chúng tôi hy vọng sự đầu tư của mình tại Quảng Ngãi sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

*Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh): Việc đầu tư du lịch của các doanh nghiệp tại KDL Mỹ Khê đã làm ảnh hưởng đến dân sinh, phá hỏng kiến trúc, cảnh quan môi trường, làm giảm niềm tin trong nhân dân. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp thiếu thiện chí và tỉnh còn lúng túng trong việc quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Ba năm qua, huyện Sơn Tịnh giao cho địa phương tạm thời quản lý KDL Mỹ Khê. Tuy đảm bảo được vấn đề an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường, nhưng vấn đề quan tâm nhất là cứu hộ cứu nạn thì địa phương không có điều kiện vì không ai có chuyên môn nghiệp vụ. Để quản lý tốt KDL Mỹ Khê cũng như thu hút đầu tư tại đây, tôi đề nghị tỉnh cần thành lập một ban quản lý cấp tỉnh. Chức năng của BQL phải quản lý các vấn đề đầu tư hạ tầng cơ sở cho KDL, kêu gọi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ BQL về cứu hộ cứu nạn… Nếu  giao cho xã hay huyện quản lý mà không có quyền hạn nào thì không thể phát triển được.

T.THUẬN - X.HIẾU

.