Bao giờ các xã miền núi mới thành lập được hưởng chính sách Chương trình 135?

01:09, 18/09/2011
.

(QNg)- Ba Giang (Ba Tơ), Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Màu (Sơn Tây) là 4 xã tách ra từ các xã đặc biệt khó khăn. Song các xã này lại không được công nhận là xã đặc biệt khó khăn để được hưởng chính sách từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi  (gọi tắt là chương trình 135) giai đoạn II dành cho các xã đặc biệt khó khăn từ cuối năm 2008; đồng thời một số chính sách khác cũng vấp phải không ít trở ngại. Hiện tại Chương trình 135 giai đoạn II đã kết thúc, đang hướng tới giai đoạn III các xã này vẫn còn "chờ" để được xét duyệt vào danh sách thụ hưởng từ chương trình... 
 

Chỉ thiếu 4 chữ "đặc biệt khó khăn"

Bốn xã mới thành lập có xuất phát điểm thấp vào thời điểm tách xã, khi toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đều không có vốn để đầu tư;   khoản hỗ trợ cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu với định suất hơn 1 tỷ đồng/năm bị "cắt ngang", chưa kể đến những khoản hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội khác từ Chương trình 135 giai đoạn II đã gây không ít khó khăn cho bà con thuộc địa bàn 4 xã trên.
 
Đường về xã Sơn Long, Sơn Tây còn lắm khó khăn.
Đường về xã Sơn Long, Sơn Tây còn lắm khó khăn.

Sơn Long cũng như Sơn Liên, Sơn Màu (Sơn Tây), Ba Giang (Ba Tơ) là các xã tách ra từ các xã đặc biệt khó khăn từ cuối năm 2008. Ở Sơn Long tại thời điểm này vẫn không khác mấy so với hơn 2 năm trước đây. Tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua địa bàn xã đã  hình thành, nhưng vẫn còn rất ngổn ngang, nhiều đoạn sạt lở gây nguy hiểm. Trụ sở làm việc của Ủy ban xã nằm chênh vênh trên một đoạn đường bụi mù và được dựng đơn sơ bằng những tấm ván gỗ.

10 mục tiêu của Chương trình hậu 135:
1- Cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.
2- Giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng.
3- Trên 90% số hộ có đủ điện, nước sinh hoạt.
4- Xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát.
5- 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã.
6- Cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.
7- Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư.
8- Chấm dứt tình trạng di dân tự do.
9- Giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất.
10- Ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái.
Một cán bộ xã cho biết: "Tôi lên công tác tại Sơn Long từ những ngày đầu thành lập xã, điều kiện cơ sở hạ tầng không có gì, anh em phải cùng góp sức để dựng trụ sở, đường đi lại rất khó khăn. Mùa mưa phải lội bộ hàng tiếng đồng hồ mới có thể ra trung tâm huyện (dù chỉ cách nhau 7 km). Trước đã vậy, giờ vẫn y nguyên vậy". Giao thông cách trở, khiến việc giao thương của người dân cũng gặp nhiều trở ngại. Điều kiện về cơ sở hạ tầng đã khó, điều kiện để người dân phát triển cuộc sống càng khó hơn. Gần 100% dân cư Sơn Long là đồng bào dân tộc Ca Dong và Hrê, với những tập quán canh tác lạc hậu; số hộ nghèo 70,91%, hộ cận nghèo chiếm 12,76% (theo chuẩn nghèo mới). Trước khi tách xã, người dân nơi đây đang được hưởng những ưu đãi về an sinh xã hội, được hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010). Đến khi tách xã vì không nằm trong danh sách xã "đặc biệt khó khăn", nên  dân không được tiếp tục thụ hưởng nữa.

Xã Ba Giang cũng chịu "chung số phận" như 3 xã mới thành lập của huyện Sơn Tây. Người dân Ba Giang không nhận được chính sách đầu tư của Chương trình 135 - II. Đến nay Ba Giang vẫn được mệnh danh là xã nhiều "không" nhất huyện Ba Tơ. Trung tâm xã Ba Giang bây giờ đã khang trang hơn, nhưng không vì thế mà đời sống người dân bớt khổ hơn. Cách trung tâm huyện chưa đầy 15km, xã Ba Giang vẫn chưa có  điện.

Không có điện thì người dân không thể khoan giếng để lấy nước, nên nguồn nước duy nhất của người dân Ba Giang là suối. Trạm y tế xã được đầu tư bề thế, nhưng điện chưa có, nên các thiết bị y tế cũng chưa được mua sắm. Chính vì vậy công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào còn nhiều hạn chế…. Không có điện là một trong những cái "không" mà người dân nơi đây phải chịu từ lâu nay. Không nhận được sự đầu tư từ các chính sách của chương trình 135 - II đã phần nào làm chậm lại sự phát triển của địa phương…

Sẽ còn nhiều khó khăn?

Mặc dù 4 xã trên đã nhận được sự đầu tư của các Chương trình mục tiêu khác (Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo...). Song các chính sách của Chương trình 135 - II cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy các xã này nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, để người dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu.
 
Trạm y tế xã Ba Giang (Ba Tơ) được xây dựng khang trang, nhưng không có điện nên cũng không có các thiết bị y tế.
Trạm y tế xã Ba Giang (Ba Tơ) được xây dựng khang trang, nhưng không có điện nên cũng không có các thiết bị y tế.

Tuy nhiên chỉ vì không có tên trong danh sách được phê duyệt của Chính phủ, hàng ngàn hộ dân đã không được thụ hưởng bất cứ chính sách nào từ chương trình này, đây là một thiệt thòi không đáng có. Không chỉ vậy khi không được công nhận là xã đặc biệt khó khăn thì các chính sách như Nghị định 116 của chính phủ về Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở 4 xã này cũng không được hưởng; với Chương trình 167 hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thì người dân cũng chỉ được hưởng mức giá xây dựng nhà như  ở các huyện đồng bằng, mặc dù điều kiện đời sống của họ "đáp ứng" đủ các "yêu cầu" của một xã đặc biệt khó khăn…

Hướng tới Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 vẫn rất cần thiết ngay tại thời điểm hiện tại  đưa 4 xã trên vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn.

*Ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây:
Đưa các xã vào danh sách xã đặc biệt khó khăn không chỉ giúp các xã thụ hưởng được chương trình hậu 135, mà còn được thụ hưởng nhiều chương trình khác. Ngoài các chính sách của chương trình hậu 135, các chính sách khác của Chính phủ, các xã này hầu như không được hưởng, vì không nằm trong danh sách mà Chính phủ phê chuẩn. Huyện mong muốn các cấp thẩm quyền xem xét đưa các xã này vào danh sách để không chỉ nhận được hỗ trợ từ chương trình 135 - III triển khai trong những năm sắp tới, mà còn giúp các địa phương nhận được hỗ trợ từ các chương trình khác, nhằm góp phần phát triển đời sống, dân sinh.

*Ông Trương Đình Đức - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH: 
Trong  buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ LĐ - TB&XH vào tháng 8 vừa qua, Sở LĐ - TB&XH tỉnh đã có kiến nghị về việc đưa 4 xã trên vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn, để được thụ hưởng chương trình hậu 135. Việc đưa các xã này vào danh sách xã đặc biệt khó khăn sẽ tạo thêm điều kiện phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.

*Ông Nguyễn Quyền - Chủ tịch xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây:
Là xã mới thành lập, lại không nhận được sự hỗ trợ từ chương trình hậu 135 của Chính phủ, nên xã có nhiều thiệt thòi. Không được công nhận là xã đặc biệt khó khăn đã gây ra nhiều trở ngại trong những bước đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển đời sống người dân, trong khi xuất phát điểm của một xã mới thành lập không có gì đáng kể. Mong muốn trong những năm tới, xã Sơn Màu sẽ được thụ hưởng chương trình hậu 135 để có thể "theo kịp" những xã khác trong công tác giảm nghèo.

Ông Phạm Hồng Khuyến - Chủ tịch xã Sơn Long, huyện Sơn Tây:
Nếu xã được đưa vào danh sách xã đặc biệt khó khăn để có được sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu như Chương trình hậu 135, thì góp một phần lớn thúc đẩy đời sống người dân phát triển hơn nữa.  Tuy nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ, nhưng xã vẫn có những bước tiến chậm hơn các xã khác, vì các chính sách của chương trình hậu 135 không đến tay người dân. Được thụ hưởng chương trình hậu 135 sẽ tạo đà cho địa phương phát triển và ổn định kinh tế - xã hội hơn.



Xuân Hiếu

.