(QNg)- Nghị định 41 (NĐ) ra đời được xem là cú hích cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn khi hộ sản xuất kinh doanh cá thể, trang trại, HTX, tổ hợp tác được tạo điều kiện để vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai thực hiện NĐ 41 trên địa bàn tỉnh ta, đã bộc lộ nhiều bất cập…
Trang trại, HTX: "Điểm trắng" tại các ngân hàng!
Hợp tác xã Bình Dương (Bình Sơn) là một trong những đơn vị làm ăn khá hiệu quả trong số các HTX ở tỉnh ta. HTX quản lý hơn 356 ha đất nông nghiệp, với vài trăm xã viên cùng số vốn điều lệ chưa đầy 1 tỷ đồng, nhưng phải "chia năm xẻ bảy" để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ "giải cứu" nạn kẹt vốn cho nông dân.
Việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất của cơ sở sản xuất nông cụ Nguyễn Mãi (ở Đức Tân, Mộ Đức) gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn. |
"Giá bán các loại vật tư nông nghiệp như: Phân bón, thuốc trừ sâu, giống… của HTX thường rẻ hơn thị trường mà chất lượng thì luôn đảm bảo. Hơn nữa nông dân thường được HTX cho mua nợ, sau khi thu hoạch mới trả, nên đã giảm phần nào áp lực chi phí sản xuất vào đầu vụ" - bà Võ Thị Tâm ở xóm 4A, xã Bình Dương cho tôi hay.
Thông thường trước khi bước vào vụ sản xuất mới, HTX đã hợp đồng với một số công ty uy tín để đặt hàng và cung ứng từ 200 - 300 tấn phân bón chất lượng, có giá thấp hơn thị trường cho nông dân, thậm chí nhiều hộ khó khăn còn được HTX cho mượn để sản xuất. Trong khi đó hiện nay nhiều diện tích đất đã dồn điền đổi thửa đang cần được đầu tư cải tạo, từng bước cơ giới hóa đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Do đó việc HTX "khát" vốn để đầu tư, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, khi có NĐ 41 ra đời, HTX đã tiến hành lập phương án, xin vay vốn để từng bước đầu tư các hạng mục. Tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua, sau hàng chục lần lên xuống ngân hàng để điều chỉnh, bổ sung giấy tờ thủ tục, nhưng kết quả vẫn là con số “0”. Bởi đơn giản, HTX chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất!.
Còn ông Nguyễn Mãi - chủ cơ sở sản xuất dụng cụ phục vụ nông nghiệp ở xã Đức Tân (Mộ Đức) thì lắc đầu ngán ngẩm khi tiếp cận với nguồn vốn vay theo NĐ 41. Bởi lẽ, phần thì lãi suất quá cao (20%/năm), phần vì chẳng được cán bộ ngân hàng NN&PTNT huyện đề cập gì đến chuyện xem xét hiệu quả sản xuất, nhu cầu vốn của cơ sở, mà chỉ trả lời ngắn gọn: Ông chỉ được vay 40 triệu đồng!.
Trong khi quy mô sản xuất cơ sở của ông thì chẳng nhỏ, với vài trăm sản phẩm nông cụ như: Liềm, dao, cuốc, rìu, rựa, răng băm máy cày, cùng các loại thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp… được sản xuất và tiêu thụ mỗi ngày. Hơn nữa hiện đầu ra của các loại sản phẩm nông cụ này rất dồi dào, ông Mãi muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nên đã đi "gõ cửa" nguồn vốn theo NĐ 41. Bởi với 40 triệu đồng thì chẳng thấm vào đâu khi số vốn cần mở rộng quy mô sản xuất của cơ sở này lên đến vài trăm triệu. "Chúng tôi có sổ đỏ thế chấp, cộng với giá trị tài sản của cơ sở cũng ngót nghét cả tỷ đồng. Thế nhưng khi tôi tìm hiểu về việc vay vốn theo NĐ 41 thì chẳng có cán bộ ngân hàng nào hướng dẫn cách làm phương án sản xuất, hay thẩm tra quy mô và hiệu quả sản xuất, khả năng trả nợ của chúng tôi. Mình đi vay vốn làm ăn, trả gốc lãi đàng hoàng chứ có phải đi xin đâu?" - ông Mãi bức xúc.
Đó là hai trong số rất nhiều HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp phải khó khăn, khi tiếp cận với nguồn vốn theo NĐ 41. Vì vậy dù đến thời điểm này, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã giải ngân được hơn 960 tỷ đồng cho vay nông nghiệp, nông thôn (vốn vay phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp đạt 520 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp đạt 217 tỷ đồng…). Nhưng lượng vốn chỉ tập trung ở cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Còn HTX, trang trại, tổ hợp tác sản xuất vẫn là " điểm trắng" của các ngân hàng.
Vốn không thiếu, chỉ thiếu…thủ tục!
Nếu như các HTX, tổ hợp tác, trang trại vắng tên vay vốn (theo NĐ 41) tại các ngân hàng, thì cá nhân, hộ kinh doanh cá thể lại dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này. Bởi trong số hơn 960 tỷ đồng mà ngân hàng NN&PTNT giải ngân theo NĐ 41 thì, hộ kinh doanh cá thể đã chiếm hơn 764 tỷ đồng. Thông qua các cấp Hội nông dân, Hội LHPN, đã hình thành 1.456 tổ vay vốn với hơn 17 nghìn thành viên.
Lý giải điều này ông Nguyễn Văn Duệ - Phó trưởng phòng tín dụng, ngân hàng NN&PTNT cho rằng: Hầu hết cá nhân khi vay vốn đều có đầy đủ hồ sơ, thủ tục (phương án sản xuất, sổ đỏ thế chấp và nhu cầu vốn của đối tượng này không cao (30 - 50 triệu đồng). Còn các HTX, trang trại, tổ hợp tác thì lại chưa có sổ đỏ, giấy chứng nhận trang trại cũng chẳng có. Vì thế tuy nhiều HTX kinh doanh hiệu quả, thực sự "khát" vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhưng vẫn đứng ngoài cuộc vì thiếu…thủ tục.
Theo nội dung NĐ 41 thì đối tượng được vay không phải thế chấp tài sản, nếu phương án sản xuất khả thi và được phê duyệt. Tuy nhiên ngân hàng vẫn yêu cầu thế chấp sổ đỏ. Chính nghịch lý này đã cản trở việc tiếp cận nguồn vốn vay của các HTX, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của các đơn vị. "Để giải quyết phần nào khó khăn về vốn cho các đơn vị này, ngân hàng đã linh động cho vay theo diện cá nhân, nếu họ có nhu cầu" - ông Nguyễn Văn Duệ khẳng định.
Cũng theo ông Duệ thì hiện nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của người dân là khá cao, nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn không thiếu, nhưng thiếu… thủ tục!. Thực tế ở các địa bàn nông thôn, miền núi phần vì chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, nên việc triển khai thành lập tổ vay vốn gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể nói NĐ 41 của Chính phủ được xem như cú hích, để người dân và các tổ chức kinh tế tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó để các HTX, tổ hợp tác, trang trại dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, thì các cấp chính quyền nên quan tâm, xem xét sớm cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận trang trại, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, để khuyến khích họ đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói NĐ 41 của Chính phủ được xem như cú hích, để người dân và các tổ chức kinh tế tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó để các HTX, tổ hợp tác, trang trại dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, thì các cấp chính quyền nên quan tâm, xem xét sớm cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận trang trại, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, để khuyến khích họ đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Dương (Bình Sơn): "Cần rà soát, ưu tiên cấp sổ đỏ cho những HTX làm ăn hiệu quả". Hiện nay bên cạnh những HTX làm ăn hiệu quả, vẫn còn nhiều HTX ì ạch, kinh doanh thua lỗ, đã phần nào làm mất lòng tin với chính quyền, người dân. Do đó chính quyền huyện tiến hành rà soát, ưu tiên cho những HTX có hướng phát triển mới, hiệu quả và bền vững, bằng cách xem xét sớm cấp sổ đỏ để HTX có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay, đầu tư phát triển sản xuất. Mặc dù theo nội dung NĐ 41 là không yêu cầu thế chấp tài sản khi vay, nếu phương án sản xuất khả quan, nhưng hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu thế chấp sổ đỏ cho…an toàn!. Thế thì chẳng khác nào "đánh đố" các HTX chúng tôi (vì số HTX có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đếm trên đầu ngón tay). Ông Trần Ngọc Báu - Chủ tịch Hội nông dân xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành): "Hội nông dân phải là "bà đỡ" để nông dân dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn". Hiện toàn xã đã có 11 tổ vay vốn, với hàng trăm thành viên do Hội nông dân đảm nhận. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn theo NĐ 41, nên nhiều nông dân trong xã đã có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Nông dân chỉ quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nên họ ít có điều kiện để tìm hiểu, quan tâm đến những thông tin về việc vay vốn. Do đó để nông dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, thì các cấp Hội nông dân phải là cầu nối thông tin, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện. Tránh hiện tượng phó thác tất cả cho ngân hàng, bởi như thế sẽ vô tình đẩy thêm gánh nặng và thiệt thòi về phía người dân. Ông Nguyễn Mãi, xã Đức Tân (Mộ Đức): "Cần thông tin rộng rãi, rõ ràng, minh bạch các chính sách vay vốn". Mặc dù đã hơn 1 năm triển khai, nhưng bản thân tôi cũng như người dân ở đây chẳng ai biết đến NĐ 41 như thế nào. Vì thế để tạo điều kiện cho nông dân, các cơ sở sản xuất được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi, rõ ràng để người dân hiểu rõ. Nông dân chúng tôi rất cần vốn để quay vòng sản xuất, vì nếu không được tiếp cận với các nguồn vốn này, thì phải đi vay nóng với lãi suất khá cao. Như thế thì làm sao nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu được? Hơn nữa với mức lãi suất vay hiện nay 20%/năm là quá cao, rất khó khăn để nông dân tích lũy và quay vòng vốn, phát triển kinh tế. Ông Huỳnh Văn Hàng - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Dương (Bình Sơn): "Cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay". Hiện nay nông dân rất "ngại" vay vốn trực tiếp tại ngân hàng, mà chỉ thông qua các tổ vay vốn của các cấp Hội nông dân hay Hội LHPN. Bởi lẽ, nhu cầu vay vốn của nông dân không cao, trong khi thủ tục lại quá rườm rà. Họ phải chạy ngược chạy xuôi, đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ, giấy tờ rất mất thời gian, nên họ… nản!. Còn với NĐ 41 thì hiện toàn xã vẫn chưa có người dân nào được tiếp cận nguồn vốn từ kênh này, mà họ thường chọn giải pháp "mượn" tạm ở HTX, hay chấp nhận đi vay nóng với lãi suất cao. Do đó hiện nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân đã bạc màu, cần được đầu tư cải tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhưng với nông dân việc bỏ ra vài ba triệu đồng là điều rất khó nếu không được ngân hàng tạo điều kiện cho vay. |
Mỹ Hoa